Dòng sự kiện:
Thanh Hóa: Nông dân bỗng chốc trắng tay vì lúa ngập sâu trong biển nước
31/05/2017 09:01:04
Chỉ sau một đêm, cả cánh đồng lúa gần 54 ha ở xã Trung Chính (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đang chuẩn bị đến ngày thu hoạch bỗng chìm sâu trong biển nước. Những người nông dân nơi đây chỉ còn biết khóc ròng.

Cõng thêm "gánh" nợ vì vụ mùa mất trắng

Chúng tôi về thăm thôn Đông Cao (xã Trung Chính, huyện Nông Cống) khi tình trạng cánh đồng lúa của làng bị ngập úng sâu đã bước sang ngày thứ 6. Con đường đổ bê tông dẫn ra đồng những ngày này cũng biến thành sông, muốn đi qua chẳng còn cách nào khác ngoài bỏ giày ra và lội trong dòng nước đục ngầu.

Dân làng cho biết, những ngày trước đó, nước lụt đầu người không thể nào ra đồng được. Giờ đây, nước đã rút đến 70%, thế nhưng cả cánh đồng lúa gần 54ha lúa vẫn chìm trong biển nước mênh mông, trắng xóa. Nhìn cảnh trước mắt, khuôn mặt ai cũng thẫn thờ, bệ rạc vì xót xa cho mồ hôi, công sức của mình bỗng chốc tiêu tan.

Ông Lê Văn Phượng chỉ ra cánh đồng của gia đình đang ngập trong biển nước

Ông Lê Văn Phượng, nông dân thôn Đông Cao tỏ rõ sự bất lực: “Mấy ngày nay cả dân làng chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên vì xót của. Nhà tôi có 3 mẫu, tất cả đều bị ngập úng nặng. Đến lúc nước rút thì lúa đã mọc mầm, thối đen hết cả rồi, cũng không còn hi vọng gì nữa. Miếng cơm manh áo của cả gia đình chỉ trông chờ vào 3 mẫu ruộng, thử hỏi giờ đây chúng tôi phải sống thế nào?”, ông nói. 

Ông Phượng cũng cho biết thêm, cánh đồng này hàng năm chỉ làm một vụ đông xuân, thành ra làm một vụ để ăn cả năm. Nguyên do là vì vụ hè thu thường mưa bão, dễ bị ngập úng nên người dân sẽ chuyển sang trồng các loại hoa màu khác thay vì cấy lúa. 

Có những nơi ngập sâu nước còn lút đầu người 

Chỉ về phía biển nước mênh mông trước mặt, người nông dân Đinh Thị Diện cũng lộ vẻ đầy tuyệt vọng: "5 mẫu ruộng nhà tôi đó, ngập hoàn toàn không còn chút gì nữa. Chỉ riêng vụ này đã 3 lần bị ngập nước. Cấy xong bị ngập, cấy lại rồi ngập tiếp. Giờ chuẩn bị thu hoạch thì trắng tay luôn rồi. Riêng tiền đầu tư đã mất đến 40 triệu, tiền thầu ruộng, tiền giống, phân bón, rồi cấy hái…tất cả đều vay mượn để làm. Nếu không bị ngập, có thể thu hoạch đến 16-17 tấn lúa. Cả năm chỉ trông mong sao đến vụ gặt để có tiền trả nợ, nuôi con. Giờ nợ càng thêm nợ, tôi chẳng biết phải xoay sở thế nào”.

Cánh đồng chìm trong biển nước mênh mông 

Ai phải chịu trách nhiệm trước dân?

Những ngày này, người dân thôn Đông Cao tỏ ra vô cùng bức xúc và phẫn nộ vì sự thiệt hại quá nặng nề. Người dân bày tỏ mong muốn thiết tha được các cơ quan ban ngành chức năng quan tâm và chia sẻ. Theo bà con, trận ngập úng này không đơn thuần chỉ là do thiên tai gây ra, mà chính là do con người.

Ông Đinh Văn Tân (trưởng thôn Đông Cao) cho biết: “Có tất cả 54 ha lúa bị ngập, trong đó 39 ha ngập hoàn toàn. Trước đây chưa từng xảy ra trận ngập úng nào như thế. Nguyên nhân chủ yếu không phải do mưa, mà do các đơn vị thi công cầu đường đã ngăn dòng sông Nhơm khiến nước không thoát được nên dẫn đến ngập úng nặng nề. Tất cả có 3 công trình thi công với 4 điểm ngăn dòng sông tại các điểm xã Tế Tân,  xã Tế Thắng,  xã Trung Thành và xã Tế Lợi”. 

Lúa bị chìm trong nước bị thối và nảy mầm

Ông Tân cũng khẳng định: “Đây không phải lần ngập úng đầu tiên, hai lần trước đã xảy ra tình trạng này. Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền, đơn vị thi công đã ký cam kết với dân làng không để ngập úng tái diễn. Tuy nhiên, sau trận mưa đêm ngày 24 thì cả cánh đồng một lần nữa bị nhấn chìm trong biển nước cao tới hơn 2m.

Chúng tôi đã huy động hơn 50 người ra sông khơi thông dòng chảy nhưng không còn kịp nữa. Điều dân làng mong muốn nhất hiện giờ là cần phải có người đứng ra chịu trách nhiệm với người dân về chuyện này và có mức đền bù hợp lí để cho bà con ổn định cuộc sống ”.

Người dân thôn Đông Cao đã phải huy động người khơi thông dòng sông

Trao đổi với phóng viên An Ninh Tiền Tệ, ông Lê Xuân Phùng, Chủ  tịch UBND xã Trung Chính cho biết: “Ngập úng là do mưa từ ngày 24, nước từ khắp nơi đổ về. Trong khi đó, dự án tiêu thoát lũ sông Nhơm chưa hoàn thành và đơn vị xây dựng cầu Tế Thắng 2 (ở xã Tế Thắng, Nông Cống) ngăn dòng chảy để thi công cầu, làm chặn mất lối thoát nước. Chúng tôi đề nghị UBND huyện và UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại trong đợt lũ này”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cũng đưa quan điểm vậy và cho biết thêm, nhà thầu xây dựng cầu Tế Thắng 2 (do Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa làm chủ đầu tư) đã không kịp phá bỏ những ụ đất đắp ngang ở khu vực mố cầu để vận chuyển vật liệu thi công cầu, khiến cho dòng chảy bị tắc nghẽn.

Lương Thị  

 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến