Dòng sự kiện:
Tháo điểm nghẽn đầu tư công
28/07/2018 14:28:32
Mặc dù kỳ vọng các nút thắt với đầu tư công sớm được tháo gỡ, song thực tế cho thấy sẽ khó lòng đẩy nhanh quy trình này bởi sự vướng mắc tồn tại ở văn bản cấp luật, song để sửa đổi sẽ mất rất nhiều thời gian.

Căn bệnh lâu năm

Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công đã tiếp diễn suốt 3 năm vừa qua, đặc biệt trong suốt hơn 1 năm qua cả nước không có một dự án tầm cỡ trọng điểm quốc gia nào được khởi công xây dựng. Sự trì trệ này đang đe doạ rất lớn tới tốc độ tăng trưởng không chỉ của năm 2018 mà cả các năm tiếp theo.

Đơn cử như 2 dự án lớn được kỳ vọng sẽ khởi công trong năm 2018 là Khu tái định cư dự án sân bay Long Thành, tổng vốn 21.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng 5.000 ha; cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đã được Quốc hội phân bổ vốn, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tiêu được một đồng nào.

Giải ngân chậm khiến nhiều dự án đội vốn lớn

Trong khi đó, hàng loạt dự án lớn đã triển khai cũng đang tiếp tục bị đình trệ do vướng vào các thủ tục pháp lý. Tình trạng này dẫn tới bức tranh đầu tư công không mấy sáng sủa. Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2018 là hơn 130.013 tỷ đồng, mới đạt 32,5% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 33,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng lo ngại, giải ngân đầu tư công chậm là căn bệnh 3 năm nay chúng ta gặp phải sau khi Luật Đầu tư công có hiệu lực. “Năm 2016 chúng ta nói do bộ máy Chính phủ mới nên gặp lúng túng, nhưng đến năm 2017 tình trạng này vẫn tiếp diễn khi phân vốn tới 11 lần. Và năm 2018 đến tận thời điểm tháng 5 vẫn chưa phân xong vốn đầu tư trung hạn thì làm sao giải ngân nhanh được”, ông Kiên chỉ ra thực trạng.

Đánh giá hiệu quả của đầu tư công, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, đây là loại hình có mức độ lan toả rất lớn vào nền kinh tế, vì chủ yếu là đầu tư cơ sở hạ tầng. Khi đầu tư công giảm thì sự lan toả này cũng giảm sút. Hiện nay chúng ta đang vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công do nhiều nguyên nhân, mà trong đó là do Luật Đầu tư công và các nghị định có quy định khá ngặt nghèo.

Ông Nghĩa cho biết, sớm nhất là trong năm nay các vướng mắc này mới được tổng hợp và trình ra Quốc hội, như vậy phải đợi tới năm sau mới triển khai được các dự án, công trình lớn sử dụng vốn đầu tư công. Đó là sự đình trệ đáng tiếc với đầu tư công, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Lùng bùng chờ gỡ luật

Mặc dù kỳ vọng các nút thắt với đầu tư công sớm được tháo gỡ, song thực tế cho thấy sẽ khó lòng đẩy nhanh quy trình này bởi sự vướng mắc tồn tại ở văn bản cấp luật, song để sửa đổi sẽ mất rất nhiều thời gian.

Đơn cử như tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, một vấn đề vướng mắc được chỉ ra là quy trình thủ tục đánh giá tác động môi trường trong việc lập và phê duyệt dự án đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng.

Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường quy định chủ dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó mới được phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, dự án đầu tư, đầu tư công chỉ chính thức quyết định chủ dự án khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Như vậy, phải có chủ trương đầu tư mới xác định được chủ dự án để thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, và điều này là đi ngược lại quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Vướng mắc theo kiểu “con gà hay quả trứng có trước” như trường hợp này khiến rất nhiều dự án bị đình trệ vì không thể hoàn thiện hồ sơ pháp lý.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và các luật khác có liên quan, nhưng dự kiến tới năm 2019 mới trình Quốc hội xem xét, thông qua. Như vậy, con đường để luật có hiệu lực và tháo gỡ vướng mắc sẽ còn rất dài.

TS. Nguyễn Đức Kiên lấy dẫn chứng về một dự án lớn khác cũng đang vướng về pháp lý là Tuyến metro số 1 TP. Hồ Chí Minh (Bến Thành – Suối Tiên). Theo đó, năm 1997, Quốc hội có Nghị quyết số 05/1997/NQ-QH10 về tiêu chuẩn các công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, trong đó quy định dự án trên 10.000 tỷ đồng là trọng điểm quốc gia. Đến năm 2006, Nghị quyết 66/2006/NQ-QH11 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, nâng quy mô dự án lên 20.000 tỷ đồng; và đến năm 2010 Nghị quyết 49 nâng ngưỡng này là 35.000 tỷ đồng trở lên, trong đó có từ 11.000 tỷ đồng trở lên là ngân sách nhà nước.

Như vậy nếu chiểu theo Nghị quyết này thì quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2006 phê duyệt tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư 17.000 tỷ đồng mà không xin ý kiến Quốc hội là vướng về mặt pháp lý. “Có nhiều lập luận khác nhau nhưng về cơ bản mặt pháp lý là hơi thiếu, mặc dù sau đó khi có Nghị quyết 49 thì năm 2011 Chính phủ có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có dự án như vậy phải điều chỉnh và báo cáo, nhưng dự án vẫn chưa báo cáo là tăng tổng mức đầu tư hay tiến độ thực hiện”, ông Kiên cho hay. Vì vậy, vấn đề hiện nay phải tháo gỡ là tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ được xử lý theo văn bản quy định pháp luật nào, Nghị quyết 49 của Quốc hội, Nghị quyết 66 hay áp dụng theo Luật Đầu tư công.

Hậu quả của sự chậm trễ do vướng mắc về pháp lý đối với dự án này là rất lớn. Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện, Tuyến metro số 1 đã điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng từ 17.387 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng.

Dù câu chuyện xây dựng và thực thi pháp luật gặp nhiều trục trặc không phải là hiếm, song ít có luật nào mà quá trình thực thi lại chật vật như Luật Đầu tư công. Bên cạnh đó, việc sửa luật cũng cần hết sức thận trọng bởi vướng không nằm ở luật này mà ở các luật khác. “Việc sửa đổi các luật có liên quan, trong đó đặc biệt là Luật Đầu tư công cần phải đặt trong tổng thể và thực hiện đồng bộ với những luật khác để sửa đổi không tiếp tục tạo ra những mâu thuẫn, quy định, hay cách hiểu mới”, một chuyên gia khuyến nghị.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến