Dòng sự kiện:
Thấy gì từ 'kỳ tích' 400 tỉ USD kim ngạch?
21/12/2017 09:02:29
Đến bây giờ, kim ngạch của cả Châu Phi chưa qua 100 tỉ USD, vậy mà chúng ta đã đạt 400 tỉ USD. Không nghi ngờ gì nữa. Đó là một kỳ tích.

“Kỳ tích” là từ dùng của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ngày hôm qua khi kim ngạch kỷ lục 400 tỉ USD được công bố. Và đúng, con số ấn tượng này đang thể hiện vị thế Việt Nam ngày càng cao trên bản đồ giao thương thế giới.

Sự ấn tượng không chỉ thuần túy ở con số. Cơ cấu con số cũng đã có những đổi thay mạnh mẽ. Nếu như giai đoạn 2007-2015, Việt Nam ở “tư thế” nhập siêu thì đến 2016, tình trạng đã là xuất siêu - 1,78 tỉ USD. Và dự kiến là 3 tỉ USD trong năm nay.

Nhờ kim ngạch, quy mô nền kinh tế cũng gia tăng ấn tượng. Nếu như năm 2007, kim ngạch XNK 100 tỉ, quy mô nền kinh tế là 77,4 tỉ USD thì đến hôm qua kim ngạch đã lên tới 400 tỉ USD, quy mô nền kinh tế cũng đạt mốc 200 tỉ USD. Tuy nhiên, câu hỏi không thể không đặt ra là người dân hưởng lợi như thế nào từ những kỳ tích này? Câu trả lời là họ được hưởng nhưng chưa tương xứng “cấp số nhân” như những con số tăng trưởng.

Cũng là những con số: Từ 2005 tới nay, khu vực DN trong nước thì liên tục nhập siêu, trong khi đó, ngược lại, khu vực FDI luôn xuất siêu. Tỉ trọng xuất siêu FDI mạnh đến mức chiếm tới 72% tổng xuất khẩu. Nếu tính sự chênh lệch trong cơ cấu DN sẽ thấy rất rõ “cái lợi” của giá trị xuất khẩu hầu hết lọt túi FDI. Tất nhiên, dù khu vực kinh tế nào tăng trưởng thì người dân vẫn có lợi. Nhưng đó là cái lợi thứ cấp được tạo ra từ con số công ăn việc làm gia tăng, từ số tiền làm thuê được nhận. Nói như chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, “DN FDI được ưu đãi đủ thứ, nên thực tế chỉ mượn đất, thuê người mình gia công hàng cho họ. Thành tích tăng trưởng GDP đạt nhưng người dân chưa cảm nhận thấy khấm khá hơn từ tăng trưởng. Điều này có phần do khối DN FDI hưởng là chủ yếu”.

Việt Nam vẫn chủ yếu gia công, tỉ trọng nội địa hóa trong hàng xuất khẩu rất thấp, và muốn tránh sự “tác động ngược vào sản xuất trong nước”, muốn người dân được hưởng lợi nhiều hơn, thì phải gia tăng tỉ lệ nội địa, phải cần nâng cao tỉ trọng của xuất khẩu nông sản. Có thể, tỉ trọng các loại hàng hóa này trước mắt rất thấp về giá trị nhưng đó mới là động lực quan trọng để thúc đẩy sản xuất trong nước, gia tăng giá trị nội địa cũng như tăng thu trực tiếp đối với người dân.

Theo Báo Lao động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến