Dòng sự kiện:
Thế giới đã có Basel IV, ngân hàng Việt vẫn 'lọ mọ' Basel II
15/12/2017 10:52:52
Thế giới đã áp dụng chuẩn Basel II từ 13 năm về trước, nhưng đến thời điểm này, Việt Nam mới có 1 ngân hàng công bố áp dụng thành công. 10 ngân hàng được chọn thí điểm, chưa ngân hàng nào thành công.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học: “Áp dụng Basel II trong quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và lộ trình thực hiện” do trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức sáng nay, 14-12.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, hệ thống NHTM Việt Nam phải chủ động nhận thức và sẵn sàng tham gia vào quá trình hội nhập để có thể biến những thách thức thành cơ hội, biến những khó khăn thành lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của các ngân hàng. Việc áp dụng Basel II tại các NHTM Việt Nam là một xu thế phù hợp với yêu cầu hoạt động và quá trình hội nhập quốc tế.

Basel II được áp dụng trên thế giới từ năm 2004 và tới nay, hầu hết các nước trong khu vực đều đã áp dụng chuẩn này, nhưng Việt Nam mới có 1 ngân hàng công bố áp dụng thành công vào tháng 12-2017 (Ngân hàng Phương Đông).

Các ngân hàng thí điểm vẫn chưa có ngân hàng nào áp dụng thành công Basel II

Từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn ra 10 ngân hàng để cho áp dụng thí điểm chuẩn này bao gồm Vietcombank, VietinBank, VPBank, Sacombank, MB, Techcombank, ACB Maritime Bank và VIB tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhà băng nào công bố áp dụng thành công. Trong khi đó, Ngân hàng Phương Đông (OCB) mặc dù không nằm trong danh sách nhưng lại là ngân hàng đầu tiên công bố thành công với Basel II.

Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc LienVietPostBank cho biết, việc áp dụng Basel II không chỉ tuân thủ quy định của cơ quan quản lý mà chính vì bản thân ngân hàng để hoạt động ổn định lâu dài, đảm bảo phát triển bền vững, không bị sốc trong các cuộc chơi. “Đầu tháng 12 này, Ủy ban Basel đã ban hành Basel IV nhưng Việt Nam vẫn đang “lọ mọ” với Basel II” – bà Sơn cho biết về thực trạng áp dụng Basel II ở Việt Nam.

Theo bà Sơn, việc áp dụng Basel II tại các ngân hàng ở Việt Nam đang gặp hàng loạt khó khăn như nguồn lực con người; nguồn lực tài chính; hệ thống cơ sở dữ liệu rời rạc… Chẳng hạn như nguồn lực tài chính, không chỉ là chi phí cho nhân lực để triển khai mà còn khiến chi phí giá vốn bị đội lên.

“Nếu như không áp dụng Basel II, một số khoản vay chỉ có tỷ lệ rủi ro là 100%, nhưng nếu áp dụng Basel II thì rủi ro có thể lên đến 200%. Điều này sẽ làm tăng chi phí quản lý rủi ro, và để xử lý, ngân hàng hoặc phải tăng lãi suất với người vay cuối cùng hoặc giảm chi phí đầu vào. Ngân hàng buộc phải lựa chọn kiểm soát chi phí đầu vào, vì không thể tăng lãi suất được” – bà Sơn nói.

Theo các kết quả từ các nghiên cứu được đưa ra tại Hội thảo, việc triển khai áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng thí điểm đã được thực hiện. Hầu hết các ngân hàng đã thành lập Ban quản lý dự án Basel II; tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng đã cao hơn 10% (vượt so với qui định 9%) tuy vậy vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Các NHTM rất nỗ lực để hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản trị rủi ro nhưng rủi ro về nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn. Vấn đề khác biệt về chuẩn mực kế toán và công bố thông tin hiện tại so với chuẩn mực quốc tế vẫn còn lớn...

Hiệp ước vốn Basel II nhằm nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả, lành mạnh và năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thông qua 3 trụ cột: i) Trụ cột 1 - Đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn (bảo đảm vốn cho rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường); ii) Trụ cột 2 - Nâng cao năng lực điều hành, quản trị rủi ro, tự đánh giá mức độ đủ vốn của ngân hàng và trách nhiệm thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý; iii) Trụ cột 3 - Tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình hoạt động của ngân hàng, tuân thủ kỷ luật thị trường.

Theo An ninh thủ đô

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến