Dòng sự kiện:
Thị trường chứng khoán: Đón một tháng 5 khác biệt
02/05/2019 13:01:48
Một trong những hiện tượng bất thường của TTCK (Market anomalies) mà mọi nhà đầu tư đều biết đó là hiệu ứng 'Sell in May & Go Away'.

Có nghĩa là nên bán cổ phiếu vào tháng 5 và đi chơi bởi lo ngại sự ảm đạm cũng như giai đoạn điều chỉnh của nhà đầu tư. Nhưng tháng 5/2019 năm nay chiến lược nên thay đổi…

Tháng 5: Ðầu tư với tầm nhìn dài hạn

TTCK Việt Nam tính kể từ đầu năm đến cuối tháng 4/2019 có thể nói có những diễn biến tích cực hơn là tiêu cực. Chỉ số chứng khoán VN-Index đã tạo đáy tại vùng hỗ trợ mạnh 870 - 880 điểm và hồi phục mạnh về quanh mốc kháng cự quan trọng 1.000 điểm vào giai đoạn cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2019. Giá trị giao dịch trung bình theo tháng trên toàn thị trường tăng cao hơn giá trị giao dịch so với quý IV/2018.

Nếu giai đoạn từ tháng 4/2018 đến cuối tháng 12/2018 là giai đoạn điều chỉnh của thị trường chung thì giai đoạn cả năm 2019 là giai đoạn tạo đáy và hồi phục mạnh về điểm số. Nếu tháng 1, tháng 2 là các tháng tăng điểm thì tháng 3 và tháng 4 là các tháng điều chỉnh như chúng ta quan sát diễn biến VN-Index và tháng 5 lại chính là tháng hứa hẹn tích cực.

Ông Lê Ðức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI).

Một trong những hiện tượng bất thường của TTCK (Market anomalies) mà mọi nhà đầu tư đều biết đó là hiệu ứng “Sell in May & Go Away”, có nghĩa là nên bán cổ phiếu vào tháng 5 và đi chơi bởi lo ngại sự ảm đạm cũng như giai đoạn điều chỉnh của nhà đầu tư. Nhưng tháng 5/2019 năm nay chiến lược nên thay đổi: Nhà đầu tư lại nên “Mua vào trong tháng 5 và đầu tư với tầm nhìn dài” (Buy in May & Go long).

Không phải không có lý khi đưa ra chiến lược đầu tư trên khi chúng ta phân tích diễn biến kinh tế vĩ mô cũng như quan sát diễn biến trên TTCK. Có thể điểm ra những yếu tố tác động tích cực cũng như tiêu cực ảnh hưởng đến câu chuyện tháng 5. 

Môi trường kinh tế vẫn hấp dẫn nhà đầu tư

Kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục khởi sắc. Sang tháng 4, số liệu mới nhất như trong báo cáo công bố của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Citigroup, Ngân hàng phát triển châu Á đều nhận định, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn khả quan cho dù tăng trưởng tín dụng giảm mạnh so với cùng kỳ 2018, sụt giảm số liệu xuất nhập khẩu, tỷ giá biến động, lãi suất liên ngân hàng tăng.

Các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và các khu vực. IMF hạ dự báo tăng trưởng thế giới xuống còn 3,3% và hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống còn 6,5% trong tháng 4. Tuy nhiên, nhìn chung các dự báo của định chế tài chính, các ngân hàng trung ương đều đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8%/năm của là không quá khó khăn. IMF cho rằng, kinh tế thế giới sẽ dần lấy lại đà tăng trưởng từ nửa sau 2019 và Việt Nam cũng sẽ không phải là ngoại lệ. 

Chính sách tiền tệ ổn định, hỗ trợ TTCK

Các ngân hàng trung ương thế giới cũng như Ngân hàng nhà nước đều cam kết sẽ không thay đổi chính sách tiền tê. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra thông điệp ngay hồi đầu năm về việc không tăng lãi suất trong cả năm 2019. Các ngân hàng trung ương quy mô lớn khác như ECB, BOE, RBA, BOJ cũng đưa ra tuyên bố không thay đổi chính sách nào trong những tháng đầu 2019, thậm chí còn phát đi tín hiệu duy trì mức lãi suất hiện tại trong thời gian dài giai đoạn 2019 - 2020.

Vốn ngoại tiếp tục tăng

Tỷ trọng vốn đầu đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII) tăng mạnh giai đoạn đầu năm 2019 đã và đang phát đi tín hiệu môi trường kinh tế Việt Nam hấp dẫn dòng tiền đầu tư nước ngoài. Dòng chảy vốn FDI, FII tăng đột biến và tập trung phần lớn ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 77% tổng vốn đầu tư).

Ðến cuối tháng 4, tổng giá trị FDI sẽ đạt khoảng 15,6 tỷ USD trong khi FII cũng xấp xỉ 6,1 tỷ USD. Rõ ràng, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia thu hút vốn đầu tư mạnh từ nhà đầu tư quốc tế và đang sẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng của TTCK trong ngắn và trung hạn.

Cẩn trọng với lạm phát, chỉ số CPI tăng

Giá điện điều chỉnh tăng bắt đầu ảnh hưởng từ kỳ tháng 4/2019. Với tỷ trọng của nhóm hàng điện tiêu dùng trong rổ tính CPI hiện nay chỉ chiếm 3,5% thì việc tăng giá điện trung bình thêm 8,36% dự kiến sẽ khiến chỉ số CPI tổng thể tăng thêm khoảng 0,3%. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng ngay đầu tháng 4 là yếu tố góp phần đẩy CPI tháng 4 và tháng 5 này. Giá điện tăng, giá xăng dầu điều chỉnh tăng cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến lạm phát trong tháng năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế và đặt biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN đang hoạt động trên cả nước nói chung và các DN niêm yết nói riêng. 

Việt Nam chính thức được S&P nâng định hạng tín nhiệm BB từ BB -

Quá trình cải cách kinh tế của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nỗ lực thúc đẩy hội nhập quốc tế, tăng trường phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đẩy mạnh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa các DNNN đã phát huy hiệu quả. Những thành tưu mà kinh tế Việt Nam đã được 1 trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá cao. Ðầu tháng 4 vừa qua, S&P đã nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB sau thời gian gian kể từ 2012 đạt ở mức BB -. Thông tin tích cực này sẽ đóng vai trò như một cú huých cho Việt Nam, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp cận được nhiều nguồn vốn vay ổn định với mức lãi suất thấp dài hạn. 

Sôi động thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo số liệu công bố của các doanh nghiệp đang niêm yết, có 9.103 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong quý I/2019, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ 2018 là 2.816 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là 2.318 tỷ đồng trái phiếu của REE, kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 7%/năm được bảo lãnh bởi CGIF (thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á) và 1.150 tỷ đồng trái phiếu của CII, kỳ hạn 10 năm với lãi suất cổ định 7.2%/năm được bảo lãnh bởi GuarantCo -  một công ty dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia thuộc PIDG. Bên cạnh đó, CTCP Masan (MSN) cũng đã huy động được 235 triệu USD gồm khoản trái phiếu chuyển đổi từ các quỹ đầu tư Mỹ với trị giá 155 triệu USD có thời hạn 4 năm cho Tập đoàn và  Ngân hàng Standard Chartered là đối tác cung cấp khoản vay 80 triệu USD cho dự án Núi Pháo của Masan Resource giai đoạn đầu tháng 2.

Quy mô và chất lượng hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang cải thiện, các tổ chức bảo lãnh quốc tế cũng quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam. Thêm vào đó là sự tham gia tích cực của các NHTM với vai trò trung gian thu xếp và phân phối nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. 

Cơ hội ở cổ phiếu dầu khí, bảo hiểm, điện nước, khí đốt

Hoạt động kinh doanh khởi sắc của các DN dầu khí, điện nước và khí đốt cùng sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư tổ chức đến các doanh nghiệp bảo hiểm của Việt Nam đang trở thành tâm điểm của TTCK Việt Nam hiện nay. Lực cầu mua lên ở các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tươi sáng, cổ phiếu có câu chuyện liên quan đến cổ đông chiến lược, hoạt động thoái vốn… Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã cập nhật tiến độ các dự án trọng điểm trong năm 2019. Qua đó, các dự án như Lô B Ô Môn, dự án Nam Côn Sơn 2, Cá Voi Xanh, Kình Ngư trắng, Lạc Ðà Vàng, Nam du - U Minh… đang có những bước tiến mới. Các doanh nghiệp như PVS, PVD, PVB, PXS, PVC sẽ có những kết quả kinh doanh tốt hơn.

Cơ hội đầu tư cũng đang mở ra với các cổ phiếu mang tính phòng thủ cao của các DN khối điện nước, tiện ích. Các cổ phiếu đầu ngành khí, điện, nước sẽ thu hút sự quan tâm lớn từ phía các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức như GAS, PPC, VSH… và đây sẽ là các cơ hội hiếm hoi khi mà TTCK dự báo không biến động nhiều về mặt điểm số. Các cổ phiếu bảo hiểm cũng có triển vọng trong tháng 5 cũng như dài hạn khi hàng loạt hoạt động thoái vốn, sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước như Ðức, Nhật, Hàn đến các cổ phiếu có lợi thế trong ngành bảo hiểm như PVI, BMI, PGI, MIG…

Thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh từ đầu tháng 3 cho đến cuối tháng 4/2019 từ vùng hỗ trợ 960 - 970 điểm đến mốc kháng cự 990 - 1.000 điểm. Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index có khả năng tăng vượt mốc 980 điểm, tiến vào vùng kháng cự 1.000 - 1.040 điểm. Thanh khoản chưa có dấu hiệu đột biến Tuy nhiên, một số cổ phiếu lớn dẫn dắt thị trường thuộc các nhóm ngành điện, tiện ích, dầu khí, bất động sản, bảo hiểm có khả năng sẽ nâng đỡ thị trường. Cơ hội đầu cơ cũng như đầu tư sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư đi ngược xu hướng. Ðây sẽ là thời điểm áp dụng chiến lược "Buy In May và Go Long".

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến