Dòng sự kiện:
Thị trường diễn biến thế nào sau kỳ nghỉ lễ 30/4?
01/05/2018 22:03:28
Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài, điều nhà đầu tư quan tâm là diễn biến thị trường sẽ như thế nào sau kỳ nghỉ lễ này, nhất là khi VN-Index liên tục điều chỉnh sau khi thiết lập đỉnh lịch sử 1.210 điểm.

Theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán, trong 13 năm qua, tuần trước kỳ nghỉ lễ, VN-Index đa số tăng điểm (9 lần tăng, 4 lần giảm), trong khi HNX-Index khá cân bằng (6 tăng và 6 giảm).

Với VN-Index, tuần tăng mạnh nhất trước kỳ nghỉ lễ 30/4 trong 13 năm là năm 2011 với mức tăng 5,18%, trong khi năm giảm mạnh nhất chính là năm nay với mức giảm 6,22%.

Trong khi đó, với HNX-Index năm có tuần tăng mạnh nhất trước kỳ nghỉ lễ 30/4 là năm 2009 với mức tăng 4,36%, trong khi giảm mạnh nhất là 8,96%. Trong tuần trước kỷ nghỉ lễ năm nay, HNX-Index cũng mất tới 7,50%.
Trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, thống kê trong thời gian này, thị trường thường tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, thậm chí có những năm VN-Index tăng rất mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ như năm 2006 tăng 2,79%, năm 2009 tăng 4,67%, còn HNX-Index tăng 5,64%. Trong năm ngoái, VN-Index tăng nhẹ 0,25% và HNX-Index tăng nhẹ 0,32%.

Từ thống kê trên (bảng 1) có thể thấy, thị trường gần như không có quy luật nào trong dịp trước và sau kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, có 2 năm khá giống nhau về diễn biến thị trường trước kỳ nghỉ lễ là năm 2007 và năm nay.

Trong năm 2007, VN-Index đã liên tục tăng điểm từ đầu năm và thiết lập đỉnh lịch sử 1.170 điểm trong tháng 3 (12/3) sau khi Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2006.

Sau khi thiết lập đỉnh lịch sử, VN-Index đã có 3 phiên giảm rất mạnh, rồi hồi phục 2 phiên, trước khi có chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp. Sau đó, VN-Index tiếp tục điều chỉnh dần và mất mốc 1.000 điểm từ giữa tháng 4. Diễn biến HNX-Index cũng tương tự khi lên mức 455 điểm sau đó có chuỗi điều chỉnh dài, rơi xuống dưới ngưỡng 320 điểm trước kỳ nghỉ lễ (dù vẫn có một vài phiên hồi phục mạnh trong thời gian này).
Trong tuần giao dịch cuối trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, VN-Index mất 4,64%, trong khi HNX-Index mất tới 8,96% (tuần giảm mạnh nhất trước kỳ nghỉ lễ 30/4 từ trước tới nay.

Diễn biến của thị trường trước kỳ nghỉ lễ năm nay cũng tương tự. Sau khi Việt Nam tổ chức thành công APEC 2017, thị trường chứng khoán đã liên tiếp khởi sắc từ cuối năm 2017 và đầu năm 2018. VN-Index chinh phục thành công mức đỉnh lịch sử 1.070 điểm và sau đó liên tiếp thiết lập mức đỉnh lịch sử mới với mốc điểm đóng cửa cao nhất được xác lập trong ngày 9/4 ở mức 1.200 điểm.

Trong phiên 10/4, khi VN-Index lên mức đỉnh mới 1.210 điểm, áp lực chốt lời đã diễn ra ồ ạt, đẩy chỉ số này đảo chiều. Sau đó, thị trường có những phiên tăng giảm đan xen, nhưng những phiên giảm mạnh hơn rất nhiều những phiên hồi phục, khiến VN-Index mất 6,22% và HNX-Index cũng mất 7,50% trong tuần trước kỳ nghỉ lễ.

Tuy nhiên, sau tuần nghỉ lễ năm 2007, VN-Index đã tăng khá mạnh 2,52%, còn HNX-Index vẫn điều chỉnh nhẹ 0,48%. Trong tháng 5/2017, VN-Index có chuỗi tăng điểm ấn tượng với mức tăng tới hơn 17% và HNX-Index cũng tăng 1,35%.

Dù bối cảnh thị trường hiện nay đã khác nhiều so với 11 năm về trước, nhưng với việc nhiều mã cổ phiếu lớn bị giảm mạnh, nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường sẽ có nhịp hồi phục trở lại trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ và trong tháng 5 này.

Nhiều nhà đầu tư thường bị ám ảnh bởi câu “Sell in May - bán tháng 5”, nhưng theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán (bảng 2), cũng giống như diễn biến thị trường trước và sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không có quy luật cụ thể nào với tháng 5.

Cụ thể, theo thống kê của Đầu tư Chứng khoán, trong 12 năm trở lại đây (từ 2006 - 2017), thị trường chứng khoán Việt Nam có 6 lần tăng điểm trong tháng 5 và 5 lần giảm, thậm chí có những năm tăng mạnh như 2007, 2009 và 2013. Trong 3 năm gần nhất, thị trường đều tăng điểm trong tháng 5. Trong năm 2017, VN-Index tăng 2,80% trong tháng 5 và HNX-Index thậm chí tăng tới 4,88% trong tháng này.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cho biết, kiệu sứng Sell in May chỉ là hiệu ứng tâm lý, nhưng trong những năm giao dịch gần đây thì hiệu ứng Sell in May không còn phát huy tác dụng và thị trường thường tăng tốt trong tháng này.

Do đó, hiệu ứng Sell in May có thể không phát huy trong năm nay, nhưng tâm lý nhà đầu tư cũng sẽ ngại giao dịch và ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường.

Trong khi đó, theo ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS, trong 2 - 3 tuần tới, thị trường có thể rơi vào vùng trũng thông tin và câu chuyện IPO trị giá gần 3 tỷ USD sẽ đến vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, vì vậy thị trường có thể đi ngang tích lũy với thanh khoản thấp và sẽ tạo đáy theo cách thông thường. Tuy nhiên, dòng tiền thông minh lại không ngừng vận động và sẽ không chờ đến thời điểm đó mới bắt đầu tham chiến.

Còn theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK MBKE, xu hướng của thị trường trong tháng 5 tới sẽ phụ thuộc vào chuyển động của nhóm cổ phiếu bluechips, giao dịch của khối ngoại cũng như yếu tố ngoài nước như tình hình TTCK Mỹ, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, cuộc chiến thương mại quốc tế...

Theo Tin nhanh chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến