Dòng sự kiện:
Thị trường tiền tệ bất ngờ đảo chiều do đâu?
22/05/2017 14:56:10
Thị trường tiền tệ đang ghi nhận những biến động đầy bất ngờ chỉ trong vòng 2 tuần qua. Từ đầu năm 2017 đến nay, thanh khoản của toàn hệ thống luôn trong trạng thái căng thẳng do tín dụng tăng trưởng cao hơn huy động ngay từ những tháng đầu năm.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong khi tín dụng của toàn hệ thống tăng 5,2% thì huy động vốn chỉ tăng 3,7% trong 4 tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên, thị trường tiền tệ đã bất ngờ đảo chiều khi thanh khoản đã được cải thiện rõ rệt.

Diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (interbank) trong tuần qua trái ngược hoàn toàn so với tuần trước, khi giảm mạnh từ mức bình quân 4,7-4,9% xuống còn 3,9-4,1% đối với kỳ hạn qua đêm (Overnight – O/N).

Trên thị trường mở (Open Market Operations – OMO), lần đầu tiên kể từ đầu năm 2017 đến nay không có bất kỳ ngân hàng nào đăng ký vay vốn từ NHNN trong phiên giao dịch ngày 19/5/2017. Số dư bình quân trên OMO trong tháng 4 luôn duy trì ở mức trên 35 nghìn tỷ đồng thì nay đã giảm xuống chỉ còn khoảng hơn 4 nghìn tỷ.

Dòng tiền đổ vào hệ thống ngân hàng đến từ đâu?

Về mặt lý thuyết thì việc lãi suất trên thị trường 2 đột ngột đảo chiều giảm mạnh chỉ khi NHNN thực hiện bơm vốn ra thị trường, và cách nhanh nhất để NHNN có thể hỗ trợ thanh khoản là bơm vốn thông qua OMO. Lượng vốn bơm ra thị trường để hỗ trợ thanh khoản sẽ đúng bằng hoặc lớn hơn số dư đi vay của các ngân hàng trên OMO.

Tuy nhiên, kịch bản thứ nhất này đã không xảy ra khi dư nợ của các ngân hàng trên OMO đang ngày càng giảm dần và tiệm cần về 0 trong tuần tới.

Kịch bản thứ 2 có thể là NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ rất lớn từ thị trường. Đó có thể là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investments) hay nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (Foreign Indirect Investments – FII) hay thậm chí có thể là nguồn vốn bằng ngoại tệ từ chính các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước.

Tuy nhiên, cả ba trường hợp trên đều rất khó và gần như không thể xảy ra chỉ trong khoảng thời gian 1 tuần. Bởi lẽ, sẽ rất khó khi các nhà đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp hoặc/và gián tiếp) giải ngân hơn 1 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tuần vào thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, mức giá mua vào ngoại tệ của NHNN hiện nay ở mức 22.675 đồng/USD, vẫn còn cách khá xa so với giá giao dịch thực tế giữa các ngân hàng hiện nay, vào khoảng 22.700 đồng/USD.

Kịch bản thứ 3, cũng là kịch bản có xác suất cao nhất vào thời điểm này. Đó là việc NHNN đã tái cấp vốn cho các ngân hàng thông qua việc chiết khấu trái phiếu đặc biệt VAMC. Và chắc chắn lãi suất chiết khấu trái phiếu VAMC sẽ phải thấp hơn so với lãi suất mua vốn trên OMO. Với số dư trái phiếu VAMC của toàn hệ thống hiện lên tới con số trên 280 nghìn tỷ đồng thì việc NHNN chiết khấu khoảng 35-40 nghìn tỷ, tương đương khoảng 13% thì cũng không có gì quá bất ngờ và đáng quan ngại cho hệ thống.

Cần những thông tin kịp thời từ các cơ quan quản lý Nhà nước

Nếu như nhận định như ở kịch bản thứ 3 là đúng thì một câu hỏi được đặt ra lúc này cần được làm rõ? Đó là NHNN đã bơm ra khối lượng bao nhiêu, cho những ngân hàng nào và mức lãi suất cụ thể ra sao? Hay NHNN có tiếp tục bơm vốn ra nữa hay không? Các NHTM có tiêu chí như thế nào để được NHNN tái cấp vốn? Bởi lẽ chỉ khi toàn thị trường đều nắm được thông tin, cũng như hiểu được chính sách điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước thì họ mới chủ động để đưa ra các kịch bản ứng phó trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc minh bạch thông tin sẽ giúp các thành viên thị trường tin tưởng hơn vào sự điều hành của các cơ quan quản lý. Đây cũng chính là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra ngày 17/5/2017 vừa qua.

Theo Thời đại

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến