Dòng sự kiện:
Thị trường xem nhẹ tín hiệu tăng tốc thắt chặt của Fed
15/06/2018 16:13:00
Các quan chức Fed dự báo lãi suất chính sách ở mức 3,1% vào cuối năm 2019, theo ước tính trung bình của họ - tăng so với mức 2,9% như dự báo hồi tháng 3.

Tuy nhiên dự báo lãi suất vẫn ở mức 3,4% vào năm 2020, không thay đổi so với trước đó.

Không nằm ngoài kỳ vọng

Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 12-13/6/2018, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất lần thứ hai trong năm nay với mức tăng là 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất cho vay qua đêm lên từ 1,75% đến 2%. Lý giải về quyết định tăng lãi suất tại cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết là do “nền kinh tế đang hoạt động rất tốt”.

Thế nhưng điều mà các thị trường quan tâm là việc các quan chức của Fed đã nâng dự báo lên 4 lần tăng lãi suất trong năm 2018, thay vì 3 lần như dự kiến hồi tháng 3, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát tăng nhanh hơn dự báo trước đó.

Quyết định tăng lãi suất của Fed không gây bất ngờ cho thị trường.

Thông cáo vắn tắt nội dung cuộc họp công bố ngày 13/6 cho thấy, có 8 nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến sẽ có tổng cộng 4 lần tăng lãi suất, mỗi lần 0,25%, trong năm nay (trong khi chỉ có 7 quan chức nhìn nhận khả năng này trong dự báo trước đó vào tháng 3). Tương ứng với đó, số lượng quan chức nhận định lãi suất tăng 3 lần hoặc ít hơn đã giảm xuống chỉ còn 7 (từ 8 quan chức vào tháng 3).

Tuy nhiên, ước tính trung bình cho thấy chỉ cần tăng lãi suất 3 lần nữa trong năm 2019 sẽ đưa lãi suất vượt lên trên mức mà các quan chức thấy chính sách không kích thích cũng như kiềm chế nền kinh tế. Vì thế, Fed có thể giảm dần tốc độ thắt chặt trong năm 2020. Cụ thể, các quan chức Fed dự báo lãi suất chính sách ở mức 3,1% vào cuối năm 2019, theo ước tính trung bình của họ - tăng so với mức 2,9% như dự báo hồi tháng 3. Tuy nhiên dự báo lãi suất vẫn ở mức 3,4% vào năm 2020, không thay đổi so với trước đó.

Theo Fed, mặc dù họ đang đẩy mạnh tần suất tăng lãi suất, nhưng nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng. “Ủy ban (thị trường mở liên bang) kỳ vọng rằng, việc tăng dần lãi suất quỹ liên bang trong phạm vi mục tiêu sẽ phù hợp với việc mở rộng hoạt động kinh tế bền vững, điều kiện thị trường lao động mạnh mẽ và lạm phát tiến gần đến mục tiêu 2% trong trung hạn”, tuyên bố của Fed phát đi sau cuộc họp chính sách nêu rõ.

Trong khi lộ trình tăng lãi suất của Mỹ tiếp tục chỉ ở mức “dần dần” nhưng một tần suất tăng “dầy” hơn cho thấy các quan chức Fed đang nhận thấy nhu cầu gia tăng đối với việc thắt chặt chính sách tiền tệ, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm (và vào tháng 5 vừa qua đã chạm tới mức được dự báo trước đó là phải tới cuối năm nay mới đạt được). Tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ cũng đang tăng trưởng tốt nhờ gói cắt giảm thuế 1,5 nghìn tỷ USD và việc tăng 300 tỷ USD cho chi tiêu liên bang. Trong khi đó, lạm phát cũng đang tăng nhanh tới mức mục tiêu 2% mà Fed đưa ra.

“Dữ liệu gần đây cho thấy tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình đã tăng lên, trong khi đầu tư cố định kinh doanh vẫn tiếp tục tăng mạnh. Hoạt động kinh tế đang tăng lên với tốc độ vững chắc”, FOMC cho biết trong thông cáo trên. Ngoài ra, các quan chức Fed cũng lặp lại đánh giá cho rằng “rủi ro cho triển vọng kinh tế về cơ bản là khá cân bằng”.

Tăng trưởng giảm, tần suất tăng sẽ giảm dần

Cập nhật triển vọng kinh tế hàng quý, các quan chức Fed đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2018 lên 2,8%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 3. Tuy nhiên những năm sau đó, tăng trưởng dự báo sẽ giảm dần, với mức tăng 2,4% được dự báo cho năm 2019 và 2% cho năm 2020.

Về lạm phát, các nhà hoạch định chính sách của Fed dự báo lạm phát năm nay có thể vượt nhẹ mục tiêu và đứng ở mức 2,1%, sau đó tiếp tục duy trì ở mức này trong các năm 2019 và 2020. Nhưng các quan chức Fed cũng lặp lại nhận định trước đây khi cho rằng, các chỉ số về kỳ vọng lạm phát dài hạn hầu như không thay đổi.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Bộ Thương mại Mỹ - một thước đo lạm phát “ưa thích” của Fed - đã tăng lên mức 2% so với một năm trước đó vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua, sau khi gần như liên tục dưới mức 2% trong 6 năm qua. Trong khi đó chỉ số PCE lõi - không bao gồm thực phẩm và năng lượng và được các quan chức coi là thước đo tốt hơn về áp lực giá cơ bản - được dự báo sẽ đạt 2% trong năm nay và 2,1% vào năm 2019 và 2020. Chỉ số này đã tăng 1,8% trong tháng 4 so với một năm trước đó.

Điều này ít nhiều cũng cho thấy, các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn còn hoài nghi về tác động của việc cắt giảm thuế đối với khả năng tăng trưởng của nền kinh tế trong dài hạn. Hơn nữa, các dự báo về tăng trưởng kinh tế mới nhất của Fed (theo xu hướng giảm dần trong các năm tới) cho thấy, khả năng thắt chặt chính sách thông qua tăng lãi suất cũng sẽ giảm dần khi lãi suất tại Mỹ đang tiến gần tới mức trung hòa. Điều này cũng thể hiện trong nội dung cuộc họp vừa qua, khi nhận định lãi suất có thể chỉ tăng 3 lần trong năm 2019 và dự báo lãi suất chính sách ở mức 3,4% vào năm 2020, tức không thay đổi so với trước đó.

Chuyên gia Aaron Anderson thuộc Fisher Investments nhận định, triển vọng lạm phát và tăng trưởng như trên có thể đòi hỏi sự thay đổi trong đường hướng chính sách của Fed sắp tới. Tuy nhiên, FOMC dự báo tăng trưởng kinh tế dài hạn của Mỹ chỉ ở mức 1,8% để đảm bảo bền vững.

Đó chính là lý do, dù phát đi thông điệp mạnh mẽ hơn trong thắt chặt chính sách nhưng dường như thị trường không phản ứng quá mạnh. Cụ thể, sau thông tin về quyết định trên của Fed, chỉ số S&P 500 đã giảm điểm nhưng ngay sau đó hồi phục trở lại trước khi kết thúc phiên 13/6 với mức giảm nhẹ, trong khi lợi suất chuẩn 10 năm chỉ tăng nhẹ lên 2,98% từ mức 2,96% của ngày 12/6. Đồng USD cũng chỉ tăng nhẹ sau khi quyết định của Fed được công bố, nhưng đã quay đầu giảm trở lại trong phiên hôm nay khi mối quan tâm của các nhà đầu tư chuyển sang cuộc họp chính sách của NHTW châu Âu (ECB) với kỳ vọng cơ quan này sẽ phát tín hiệu kết thúc chương trình mua tài sản vào cuối năm nay.

Trong khi đó tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc, động thái thường thấy là NHTW nước này (PBoC) sẽ tăng lãi suất thị trường mở sau quyết định của Fed, tuy nhiên lần này thì chưa thấy động tĩnh gì từ phía PBoC. Theo Raymond Cheng, trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu châu Á của JPMorgan nhận định, mối quan tâm lớn hơn hiện nay là căng thẳng thương mại giữa hai nước và Trung Quốc có thể có những điều chỉnh “vừa đủ” để thúc đẩy nền kinh tế trong nước trong đối phó với các va chạm thương mại.

Thị trường và giới đầu tư cũng đang rất quan tâm đến động thái từ các NHTW lớn khác như cuộc họp chính sách vào ngày 14/6 của ECB hay cuộc họp vào ngày 15/6 của BoJ nhưng nhiều khả năng sẽ chưa có những thay đổi trong các chính sách hiện tại của họ. Có lẽ bởi các lý do đó nên phản ứng thị trường sau quyết định vừa qua của Fed dù có nhưng không lớn.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến