Dòng sự kiện:
Thiếu đất sản xuất, dân nghèo vùng biên quanh năm trông chờ gạo cứu đói
09/12/2018 12:42:56
Sống ở rừng nhưng không thể nhờ rừng, đồi núi bạt ngàn nhưng lại không thể tận dụng để sản xuất, vì thế cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám dai dẳng hàng trăm hộ dân ở xã Yên Khương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa).

Không nguồn sống

Cách trung tâm huyện gần 50km, con đường đến xã biên giới Yên Khương, huyện Lang Chánh vô cùng gian nan, lên dốc xuống đèo và gập ghềnh đá sỏi bởi những con đường đang xuống cấp trầm trọng. Đây là nơi vùng sâu, vùng xa nhất, có đường biên giới giáp Lào của huyện Lang Chánh.

Đa số người dân đều sống không nghề nghiệp, không thu nhập

Đồng bào Yên Khương chủ yếu là người dân tộc Mường và Thái, họ sống trong những ngôi nhà sàn nằm rải rác bên bờ suối, dưới những chân núi cao.

Sống ở rừng nhưng không thể nhờ rừng, đồi núi bạt ngàn, bao quanh là vậy nhưng không được phép sản xuất. Đó là thực trạng chung của hàng trăm hộ dân ở các bản Xắng, Hằng, Khon của xã Yên Khương. Chính vì không có đất canh tác khiến cái đói, cái nghèo dai dẳng đeo bám cuộc sống của đồng bào nơi này.

Để kiếm sống, đàn ông và những thanh niên mới lớn thường sớm bỏ học để rời bản làng đến các thành phố kiếm việc làm. Vì không có trình độ, những công việc họ làm chủ yếu là việc chân tay nặng nhọc và lương thấp không đủ nuôi sống cả gia đình.

Còn những người phụ nữ không thể đi làm ăn xa, họ sống chủ yếu bằng việc vào rừng hái măng, lá rong, lá chuối rừng đem bán lấy tiền mua gạo, thức ăn hàng ngày. Tuy nhiên, công việc đó cũng phụ thuộc lớn vào thời tiết, vì thế nên bữa đói, bữa no.

Bà Lò Thị Hà (48 tuổi) cho biết: ”Có ngày may mắn thì cũng kiếm được 20 – 30 nghìn đồng từ việc vào rừng hái măng, hái lá rau rừng đem bán. Ngày nào mưa gió thì thôi, có khi ăn măng, ăn sắn thay cơm nếu hết gạo, hết tiền”.

Bán lá chuối rừng là công việc chủ yếu để kiếm sống

Một người dân khác thì cho biết, gia đình được đồn biên phòng cho mượn tạm đất để canh tác, cũng có vài mảnh ruộng nhỏ để cấy lúa. Thế nhưng những năm nay thường xuyên thiên tai lũ lụt gây mất mùa, thành ra trắng tay.

“Năm ngoái trận lũ quét lịch sử xảy ra ở đây đã càn quét hết nhà cửa, tài sản của bà con trong bản, ruộng lúa thì bị đất đá sạt lở, san lấp trắng băng hết cả. Chúng tôi đã phải vất vả lắm mới dọn dẹp, dựng lại nhà, đào lại vài mảnh ruộng nhưng đất không màu nên trồng lúa cũng không nên. Ngoài ra thì không trồng trọt được gì vì không có rừng sản xuất”, ông Vi Văn Phương (bản Khon) buồn bã nói.

Chính quyền bất lực

Anh Hoàng Văn Giáp, Bí thư Chi bộ bản Khon cho biết, bản có 52 hộ với 192 nhân khẩu thì số hộ nghèo chiếm phần lớn. Khó khăn lớn nhất của bà con chính là không có đất sản xuất.

“Mong muốn lớn nhất của người dân chúng tôi là được Nhà nước quan tâm cấp đất sản xuất, hoặc đất trồng rừng để bà con an cư lập nghiệp”, Bí thư Chi bộ bản Khon bày tỏ.

Tương tự, 69 hộ dân ở bản Xắng, 46 hộ dân ở bản Hằng cũng có chung một niềm mong mỏi ấy. Bao năm nay, họ đã sống lay lắt trong cảnh bữa đói, bữa no, quanh năm trông chờ vào chính sách cứu trợ của Nhà nước.

Trận lũ lịch sử năm 2017 đã từng càn quét vào Yên Khương khiến người dân thêm phần kiệt quệ

Ông Lâm Văn Khánh, Bí thư xã Yên Khương cho hay, hàng năm, Nhà nước cấp hỗ trợ cho các hộ dân 3 tháng gạo cứu đói. Năm nay, ngoài chính sách của Nhà nước cấp gạo, huyện Lang Chánh cũng đã hỗ trợ thêm 3 tháng, cấp thành 3 đợt, mỗi đợt là 15kg/khẩu/tháng. Ngoài nguồn lương thực này, người dân thu lượm lâm sản phụ, hái lá rong đưa về chợ trung tâm xã bán lấy đồng ra, đồng vào.

“Việc cấp gạo hỗ trợ cho bà con lúc khó khăn là rất cần thiết tuy nhiên đây cũng chỉ mới là giải pháp tạm thời, về lâu dài, người dân cần phải có việc làm và thu nhập ổn định từ phát triển sản xuất tại địa phương”, ông Khánh tỏ ra trăn trở.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh xác nhận, tình trạng người dân vùng biên xã Yên Khương gặp khó khăn do thiếu đất sản xuất là thực tế.

Theo ông Hồng, hiện nay địa phương không có quỹ đất để chia cho các hộ dân trong khi kinh phí khai hoang quỹ đất mới thì rất lớn, vượt quá khả năng của huyện.

“Huyện cũng đã nhiều lần báo cáo thực tế này lên cấp trên, đồng thời đề xuất với các ngành chức năng tỉnh xem xét bàn giao cho địa phương một phần diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện nhà nước quản lý để giao cho hộ dân thiếu đất sản xuất. Nhưng tính từ tháng 4/2013 đến nay, phương án đề xuất này chưa được các cấp ngành liên quan phê duyệt hay có ý kiến phản hồi”, ông Hồng nói.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến