Dòng sự kiện:
Thống đốc Lê Minh Hưng: Nợ xấu và sự rủi ro của nền kinh tế
22/05/2017 19:29:20
Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng quá trình xử lý nợ xấu còn gặp nhiều vướng mắc, cần phải có một Nghị quyết về xử lý nợ xấu do Quốc hội ban hành.

Trình bày trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho rằng: Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”(VAMC) đến nay, việc xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả nhất định.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng.

Quá trình xử lý nợ xấu đến nay cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là, vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm. Việc xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, bán khoản nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ khách hàng vay còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó xử lý nợ xấu một cách triệt để.

Theo Thống đốc NHNN, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu đã bán cho VAMC, chưa xử lý chiếm 5,8%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tỷ lệ này sẽ là 10,08%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng quá trình xử lý nợ xấu còn gặp nhiều vướng mắc, do vậy NHNN cho rằng để triển khai thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, cần phải có một Nghị quyết về xử lý nợ xấu do Quốc hội ban hành.

Dự thảo Nghị quyết có 3 nội dung chính đáng chú ý: Thứ nhất, tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định của pháp luật, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các pháp nhân, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ…; Thứ hai, Dự thảo Nghị quyết khẳng định và đảm bảo cho quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các TCTD; Thứ ba, dự thảo cũng đề cập đến cơ chế hỗ trợ phân bổ lãi dự thu, chêch lệch khi bán khoản nợ xấu của TCTD.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, các quy định trong Dự thảo hoàn toàn phù hợp Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015.

Cũng theo Thống đốc Lê Minh Hưng, các TCTD đã xây dựng phương án xử lý nợ xấu, tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng. Giai đoạn 2012-2016, toàn hệ thống đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng. Kết quả này đã góp phần tăng trưởng tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế.

"Sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015, các TCTD yếu kém đã được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD, tài sản của nhà nước và nhân dân được đảm bảo an toàn; Hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, sử dụng các nguồn lực của xã hội; tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo từng bước được xử lý; năng lực tài chính và quy mô hoạt động của các TCTD đã được cải thiện, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, các khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng đã dần được hoàn thiện và đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế,” Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến