Dòng sự kiện:
Thu hẹp khoảng cách với các DN ngoại
03/03/2018 06:15:34
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 200/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Đây chính là động lực cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển. 

Logistics nội vẫn khó chiếm lĩnh thị trường.

Theo Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu… trong thời gian qua dịch vụ logistics có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt 15 – 16%. Tỷ lệ DN thuê ngoài dịch vụ logicstics đạt khoảng 30 – 35%.

Dựa trên chỉ số hoạt động LPI của WB năm 2016, Việt Nam xếp hạng 64/160 nước, đứng thứ 4 trong khối các nước Asean. Tổng chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 là 41,26 tỷ USD, tương đương 20,8% GDP nhưng doanh thu của 100 DN logistics hàng đầu Việt Nam chỉ là 8,74 tỷ USD. Như vậy, logistics của chúng ta vẫn còn thiếu và yếu so với các DN ngoại.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB nhận định, dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả logistics, mà bằng chứng là việc thứ hạng của Việt Nam theo chỉ số năng lực logistics (LPI) đã giảm từ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2016. Sự sụt giảm này cho thấy các nền kinh tế khác đang có sự thăng tiến nhanh hơn nhiều so với Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh.

Hiện tại, cả nước có khoảng 3.000 DN dịch vụ logistics, hoạt động trong các lĩnh vực từ vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không cho đến giao nhận, kho bãi, đại lý hải quan, giám định, bốc dỡ hàng hóa… và đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế qua việc làm đại lý cho các DN nước ngoài là các chủ hàng, chủ tàu hoặc các nhà dịch vụ logistics quốc tế thuê lại.

Các DN Việt Nam hiện đang nắm giữ nhiều cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ hoạt động logistics như trung tâm logistics, kho bãi, cảng biển, sân bay, đường sắt… nhưng còn hoạt động đơn lẻ, chỉ phục vụ ở từng phân khúc nhất định, thiếu sự kết nối xuyên suốt để cung cấp dịch vụ logistics hoàn chỉnh mang tính tích hợp cao.

Một điểm yếu của các DN nội chính là chi phí dịch vụ chưa cạnh tranh, chất lượng cung cấp dịch vụ chưa cao dẫn đến khó cạnh tranh đối với các DN nước ngoài. Nguyên nhân chính là hạn chế về quy mô DN và vốn, về kinh nghiệm quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế.

Đặc biệt, chúng ta không có đầu mối nguồn hàng do Việt Nam chủ yếu xuất FOB và nhập CIF, ngoài ra có hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt. Do đó, việc giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ của Việt Nam là nhiệm vụ cấp thiết.

Ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 200/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây chính là động lực cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển.

Trong quyết định này đã đề ra 60 nhiệm vụ cụ thể thuộc 6 nhóm nội dung nhằm nâng cao năng lực cho DN, tạo ra môi trường triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ ở từng cấp để phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tập trung đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực để đảm bảo sự đòi hỏi của thị trường.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh: "Cần phải có những quyết tâm mới và biện pháp mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN logistics Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức cùng nhau thúc đẩy phát triển ngành logistics của Việt Nam lên một tầm cao mới trong khu vực và trên thế giới".

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến