Dòng sự kiện:
Thu thuế thương mại điện tử: Vướng nhiều mặt
10/05/2019 06:01:23
Chủ thể kinh doanh thương mại điện tử có nhiều mánh lới để tránh kê khai và nộp thuế. Sự phối hợp, hỗ trợ giữa các đơn vị liên quan còn lỏng lẻo. Bản chất của nhiều loại hình kinh doanh vẫn chưa thể gọi tên.

Đó là những trở ngại khiến nỗ lực kiểm soát và thu thuế thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Những khoảng mờ về giao dịch

Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuộc Tổng cục Thuế, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử vẫn còn một số hạn chế và gây khó cho công tác quản lý thuế.

Đó là, việc cấp phép đăng ký kinh doanh còn gặp vướng mắc do một số hoạt động thương mại điện tử chưa có trong danh mục các ngành nghề kinh doanh. Điều này vô hình trung gây khó khăn cho công tác quản lý trong việc phân loại đúng ngành nghề, thu nhập để xác định nghĩa vụ thuế.

Bên cạnh đó, việc xác định đúng bản chất giao dịch để đánh thuế đối với các giao dịch kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ cũng gặp khó khăn. Ví dụ, hình thức kinh doanh vận tải, hành khách qua hợp đồng điện tử là loại hình “kinh doanh công nghệ” hay “hợp đồng điện tử” vẫn còn là vấn đề chưa thống nhất. Trong khi đó, việc xác định rõ loại hình kinh doanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ về mặt pháp lý mà còn về nghĩa vụ thuế phát sinh tương ứng với từng hình thức giao dịch.

Về hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, sản phẩm số trên website và các trang mạng xã hội, thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng website để quảng bá sản phẩm, hàng hóa kết hợp bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng là cá nhân, nhưng không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh chỉ sử dụng website, mạng xã hội để thực hiện quảng cáo sản phẩm nhưng việc bán hàng lại thông qua điện thoại, tin nhắn. Họ bán hàng thu tiền mặt hoặc sử dụng dịch vụ giao hàng thu tiền hộ”, ông Huy cho biết.

Giám sát dữ liệu và thanh toán

Những kẽ hở trong quản lý hoạt động thương mại điện tử nói trên cho thấy, việc kiểm soát các giao dịch và dòng tiền thanh toán là điều kiện cần và đủ để thu được thuế với hoạt động này.

Từ phía doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử, ông Phạm Đạt - CEO của sàn fado.vn cho rằng, Chính phủ nên xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung của các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới ra - vào Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới theo hình thức B2C (business to customer) phải cập nhật thông tin theo đơn hàng, phương thức thanh toán và logistics cho hải quan theo thời gian thực.

“Dữ liệu tại đó sẽ được các cơ quan hải quan, thuế, Ngân hàng Nhà nước, Cục Đo lường kiểm định Việt Nam cùng giám sát, khai thác, đối soát và kiểm tra. Đây là cơ sở để cơ quan hải quan xác định giá trị sản phẩm xuất nhập khẩu, cơ quan thuế xác định doanh thu và truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới”, ông Đạt nói.

Từ phía cơ quan thuế, theo Vụ Chính sách thuế, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, đơn vị có liên quan để có thể quản lý kinh doanh và kiểm soát thuế với hoạt động này.

Đáng chú ý, đơn vị này đề xuất Ngân hàng Nhà nước xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử. Thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử.

Đối với ngân hàng thương mại, Vụ Chính sách thuế đề xuất cung cấp thông tin về số tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản. Đồng thời, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.

Theo báo Đấu thầu

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến