Dòng sự kiện:
Thực trạng ngân sách chưa được cải thiện nhiều
12/12/2018 06:16:21
Thực ra, trước đây, trong (báo cáo) quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính luôn đưa ra hai con số thâm hụt (bội chi) ngân sách.

Con số thứ nhất là thâm hụt theo thông lệ quốc tế (chuẩn IMF/GFS), tức là thâm hụt không bao gồm chi trả nợ gốc. Con số thứ hai là thâm hụt theo cách tính của Việt Nam, tức là thâm hụt bao gồm cả chi trả nợ gốc.

Cách tính thứ nhất thường thấp hơn cách tính thứ hai từ khoảng 1,5-3% GDP, tùy theo mức độ chi trả nợ gốc mỗi năm. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là trước đây Quốc hội (theo đề xuất của Bộ Tài chính) sử dụng cách tính thứ hai ở trên làm mục tiêu/kế hoạch để thực hiện. Còn từ năm 2017 đến nay, lại sử dụng cách tính thứ nhất mà không có một sự lý giải nào về sự khác nhau giữa hai con số. Do vậy, nếu các đại biểu Quốc hội và người dân không có chuyên môn thì dễ hiểu lầm là thực trạng ngân sách đã được cải thiện, trong khi thực tế lại không phải như vậy.

Thông tin về sự thay đổi quy mô tài sản nhà nước hàng năm cũng là một chỉ tiêu rất cần thiết để giám sát sự an toàn của nợ công.

Ví dụ, dự toán thâm hụt ngân sách năm 2018 hiện được công bố là 3,7% GDP, tuy nhiên nếu cộng thêm cả phần chi trả nợ gốc như cách tính trước đây thì có thể lên tới 6% GDP. Tôi cho rằng cách tính hiện nay phù hợp với thông lệ quốc tế hơn, nhưng trong thời gian đầu cần phải lý giải về sự khác biệt. Hoặc tốt nhất là để cả hai cách tính trong (báo cáo) quyết toán NSNN như trước đây.


Bức tranh về ngân sách và nợ công không thể thay đổi chỉ vì thay đổi cách tính. Thực trạng ngân sách và nợ công chưa thực sự có cải thiện tích cực ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, do quy mô nợ công ngày càng lớn nên chỉ riêng gánh nặng chi trả nợ lãi (chưa tính trả nợ gốc) đã lên tới khoảng 5 tỉ đô la Mỹ mỗi năm (dự toán năm 2018 là 113.000 tỉ đồng). Thứ nữa, nguồn thu ngân sách chỉ đủ hoặc dư không đáng kể sau khi thực hiện chi thường xuyên (tiêu dùng) của Nhà nước. Muốn đầu tư phát triển thì Chính phủ vẫn phải đi vay chứ không có tiết kiệm để thực hiện. Tỷ lệ thu NSNN/GDP có giảm trong những năm gần đây (nhưng vẫn còn cao hơn hoặc tương đương với các nước có cùng mức độ phát triển trong khu vực và trên thế giới) một phần là nhờ việc xã hội hóa các dịch vụ công. Điều đó có nghĩa là, người dân muốn hưởng những dịch vụ đó (giao thông, y tế, giáo dục...) thì lại phải chi trả, bên cạnh chi trả thuế, nhiều hơn trước đây.

Đặc biệt, trong thu NSNN những năm gần đây, có tới hàng trăm ngàn tỉ đồng thu từ việc bán vốn, cổ tức, lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước (dự toán năm 2018 là 119.000 tỉ đồng). Việc bán vốn từ doanh nghiệp nhà nước hoặc bán các tài sản nhà nước khác cũng đồng nghĩa với việc chúng ta nghèo đi (nhưng thâm hụt ngân sách lại không hề giảm). Rõ ràng, với cùng quy mô vay nợ (thâm hụt) mỗi năm thì khả năng chi trả của người giàu (nhiều tài sản) sẽ tốt hơn người nghèo.

Ngoài ra, quan hệ vay mượn và trả nợ giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thực sự là một “hộp đen” đối với công chúng. Những năm trước đây thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy thông tin Bộ Tài chính vay Ngân hàng Nhà nước hàng chục ngàn tỉ đồng để bù đắp thiếu hụt ngân sách. Tuy nhiên, thông tin trả nợ lại không thấy. Hiện nay, tỷ lệ cung tiền M2/GDP của Việt Nam đã vào khoảng 160-170%, tức là cao hơn rất nhiều con số 100-112% của những năm xảy ra lạm phát hai con số như năm 2008 và 2011. Đây thực sự là một rủi ro lớn nếu như giá cả thế giới đảo chiều đi lên.

Quy mô nợ công/GDP hiện nay được cho là dưới ngưỡng cho phép là 65%, và nợ chính phủ/GDP dưới ngưỡng cho phép 55%. Tuy nhiên, ở Việt Nam, công tác thống kê GDP còn nhiều bất cập. Để tránh bệnh thành tích thổi phồng GDP, và từ đó có thể gia tăng chi tiêu công thay vì quyết tâm thắt chặt thông qua tinh giản bộ máy và kiểm soát đầu tư công, Quốc hội nên đưa thêm chỉ tiêu nợ công/thu ngân sách và nợ chính phủ/thu ngân sách để giám sát. Đây là những chỉ tiêu phản ánh năng lực trả nợ và an toàn nợ công tốt hơn, và cũng dễ giám sát hơn, so với các chỉ tiêu về nợ công/GDP hay nợ chính phủ/GDP. Ngoài ra, thông tin về sự thay đổi quy mô tài sản nhà nước hàng năm cũng là một chỉ tiêu rất cần thiết để giám sát sự an toàn của nợ công.

Để tránh bệnh thành tích thổi phồng GDP, và từ đó có thể gia tăng chi tiêu công thay vì quyết tâm thắt chặt thông qua tinh giản bộ máy và kiểm soát đầu tư công, Quốc hội nên đưa thêm chỉ tiêu nợ công/thu ngân sách và nợ chính phủ/thu ngân sách để giám sát.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến