Dòng sự kiện:
Thuế và Hải quan: Cần tiếp tục cải thiện khâu thực thi
17/05/2017 10:42:42
Cộng đồng DN đã ghi nhận sự thay đổi tích cực từ cơ quan thuế khi đã nhìn nhận DN là “người đồng hành”.

Chuyển biến tích cực

Các báo cáo khảo sát mức độ hài lòng của DN với ngành thuế và hải quan năm 2016 do VCCI công bố gần đây cho thấy những kết quả tích cực. Cộng đồng DN đã ghi nhận sự thay đổi tích cực từ cơ quan thuế khi đã nhìn nhận DN là “người đồng hành” của cơ quan thuế, thay vì là “đối tượng quản lý” như trước đây. Việc cắt giảm nhiều thủ tục hành chính cũng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN.

Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua các quy định hải quan và cơ chế thuế quan thuận lợi cho DN


84% DN cho rằng cơ quan thuế đã thường xuyên phối hợp để khắc phục sự cố kịp thời. Hơn 90% DN cho biết “hoàn toàn hài lòng” về việc tiếp cận thông tin thủ tục hành chính (TTHC) về hải quan qua trang web của ngành Hải quan; 86% DN cho biết, cơ quan hải quan (CQHQ) cung cấp thông tin thống nhất; 84% đánh giá thông tin là sẵn có, dễ tìm và 87% DN cho biết các biểu mẫu TTHC hải quan dễ điền…

Tại Hội thảo: “Thay đổi trong bối cảnh thương mại, hải quan và thuế tại Việt Nam: Những quy định mới về hải quan và thuế” do EuroCham tổ chức ngày 16/5, ông Thomas McClelland, Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá thuộc EuroCham cho biết: “Tôi có cơ hội làm việc với rất nhiều NĐT nước ngoài và họ đều nói rất quan tâm, phấn khích và muốn làm ăn kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã thấy thực sự có những thay đổi trong thuế và hải quan. Hệ thống tự khai thuế, tự đánh giá thuế ở Việt Nam hiện nay rõ ràng đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây, đặc biệt về mẫu khai thuế, thời gian để làm hồ sơ, nộp hồ sơ thuế… đã cải thiện hơn rất nhiều” - ông Thomas McClelland ghi nhận.

Loại bỏ những phiền hà

Cải thiện được nhiều như thế, nhưng khó khăn, vướng mắc đối với cộng đồng DN liên quan đến thuế và hải quan vẫn còn rất lớn. Khảo sát của VCCI cho thấy, vẫn có 31% DN cho biết phải chi trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện TTHC hải quan, có tới 55% DN từng gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật thuế trong năm gần nhất; 41% DN gặp phiền hà trong thực hiện TTHC thuế.

Trong đó, các DN FDI là nhóm có tỷ lệ gặp phiền hà cao nhất, chiếm tỷ lệ tới 53%. DN vẫn bị thanh kiểm tra nhiều, trong đó ngoài cơ quan thuế còn có thêm một số tổ chức, cơ quan khác và nhiều nội dung thanh, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp.

Những vướng mắc, hạn chế đó cũng là những vấn đề được ông Thomas McClelland nêu ra: “Vấn đề không phải ở chỗ các NĐT nước ngoài có đầu tư ở Việt Nam hay không, mà là liệu các chính sách về thuế, hải quan ở Việt Nam có thực sự khuyến khích các DN đến và mở rộng đầu tư ở Việt Nam không”.

Theo ông, mặc dù khuôn khổ chính sách thuế đang tiếp tục được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong khâu diễn giải và thực hiện, đặc biệt là ở các cơ quan thuế địa phương. “Đơn cử trong vấn đề hoàn thuế VAT còn gặp nhiều khó khăn. Liệu DN có muốn phải mất tới 2-3 năm mới được hoàn thuế, hay phải kiện nhau, dẫn nhau ra tòa để giải quyết không? Tôi nghĩ các DN hoàn toàn không muốn vướng phải những rắc rối, vướng mắc như vậy” - ông Thomas McClelland nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, khung thuế của Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tập trung vào bản chất hơn hình thức, theo nguyên tắc của các quy định về thuế mới đây, chẳng hạn như Nghị định 20 về chuyển giá. Tuy nhiên, trên thực tế, các DN thành viên của Eurocham nhận thấy, các vi phạm hành chính dường như ngày càng trở thành trọng tâm của những rắc rối về thuế và hải quan trong thời gian gần đây.

“Bản chất của hành vi vi phạm hành chính, chẳng hạn như mâu thuẫn trong khai báo hải quan hoặc sai sót trong thủ tục phi thuế quan, đơn giản chỉ là một lỗi hành chính, không thể sử dụng làm cơ sở pháp lý để cơ quan hải quan hoặc cơ quan thuế áp dụng nợ thuế và khoản phạt hoặc từ chối hoàn thuế”, vị này phân tích.

Cùng quan điểm trên, ông Shivam Misra, đồng Chủ tịch Tiểu ban Rượu vang - Rượu mạnh thuộc EuroCham, cho biết: “Cộng đồng DN châu Âu rất quan ngại đến khung pháp lý và cách thức thực thi quy định hải quan. Đặc biệt, khi sai sót hành chính được sử dụng là cơ sở đánh giá hoặc áp đặt mức phạt nặng mà không cần dựa trên những quy tắc công bằng.

Điều này làm suy yếu lòng tin của các DN đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Chúng tôi muốn hợp tác và hỗ trợ Chính phủ nhằm khuyến khích hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhưng nếu các DN không nhận được sự hỗ trợ trong hoạt động kinh doanh thì nỗ lực trên rất khó thành công”.

Ông Thomas McClelland cho rằng, để giải quyết được những vướng mắc hạn chế đối với ngành thuế và hải quan thì trong thời gian tới đây, cần tập trung vào một số vấn đề như: Sớm có thông tư hướng dẫn Nghị định 20 về chuyển giá (đã có hiệu lực từ 1/5/2017); Nghiên cứu chuyên sâu của các bộ ngành về các dịch vụ xuất khẩu có mức thuế bằng 0; Có các hướng dẫn cụ thể về ưu đãi cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin; Xem lại thuế suất thuế thu nhập cá nhân và phạm vi áp dụng (ví dụ, mở rộng cơ sở thuế từ thu nhập từ việc làm sang thu nhập kinh doanh).

Một trong những mục tiêu lớn đặt ra là đến hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4. Trong đó, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục nộp thuế và BHXH không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế là 119 giờ và bảo hiểm là 49 giờ); thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu…

Theo các chuyên gia, để đạt được các mục tiêu trên cần tiếp tục có những nỗ lực rất lớn trong việc tiếp tục hoàn thiện các khung khổ, chính sách về thuế và hải quan cũng như cải thiện mạnh mẽ khâu diễn giải, thực thi ở các cấp địa phương.

“Các DN của chúng tôi rất muốn có thể làm ăn kinh doanh ở Việt Nam dễ dàng hơn, đầu tư nhiều hơn. Nhưng họ chỉ có thể làm được như vậy nếu Việt Nam có một hành lang luật pháp rõ ràng và minh bạch hơn”, ông Thomas McClelland nhấn mạnh.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra DN. Theo đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với DN; giải quyết việc chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra DN để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của DN, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 17/5/2017.

Đồng thời, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước rà soát để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm toán; không để xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017.

Theo TBNH

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến