Dòng sự kiện:
Tiêu hủy tiền giả sẽ theo quy định như đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông
15/11/2018 13:25:07
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.

Ảnh minh họa

Trong Đề cương xây dựng nghị định này, NHNN đã trình Chính phủ đưa ra một số Quy định về việc đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.

Theo đó, đối với thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, trong trường hợp phát hiện tiền giả thì các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức được phép giao dịch ngoại tệ tiền mặt lập biên bản, thu giữ.

Trường hợp phát hiện tiền nghi giả: các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức được phép giao dịch ngoại tệ tiền mặt lập biên bản, tạm thu giữ để đưa đi giám định. Trường hợp phát hiện dấu hiệu liên quan đến việc làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả: các tổ chức, cá nhân thông báo ngay cho cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển hoặc cơ quan hải quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an là cơ quan giám định tiền. Trường hợp chưa có sự thống nhất về kết quả giám định tiền, kết luận giám định của NHNN có giá trị thực hiện.

Xử lý kết quả sau khi giám định, thì cơ quan, tổ chức thu giữ tiền giả; tạm thu giữ tiền nghi giả có trách nhiệm hoàn trả cho tổ chức, cá nhân nếu không phải tiền giả; Thực hiện thu giữ nếu là tiền giả và thông báo bằng văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền cho tổ chức, cá nhân có tiền giả.

Đối với tiền giả, tiền nghi giả giám định theo yêu cầu của cơ quan công an, bộ đội biên phòng, hải quan, cảnh sát biển, sau khi giám định sẽ được trả lại đơn vị đề nghị giám định.

Dự kiến Nghị định cũng đưa ra các quy định về giao nộp, thu nhận tiền giả gồm trách nhiệm giao nộp tiền giả của các tổ chức, cá nhân; Đơn vị có trách nhiệm thu nhận tiền giả là : Ngân hàng Nhà nước, cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển hoặc cơ quan hải quan nơi gần nhất.

Về tiêu hủy tiền giả sẽ được quy định: NHNN tổ chức thu hồi, tiêu hủy tiền giả theo quy định như đối với tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông; Việc tiêu hủy tiền giả là tang vật, vật chứng của các vụ án thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo đánh giá tác động xây dựng Nghị định này, NHNN cho biết, Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam (Quyết định 130) được xây dựng trên cơ sở Luật Ngân hàng Nhà nước số 01/1997-QH10 ngày 12/12/1997, quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn việc làm tiền giả; tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả và phá hoại tiền Việt Nam. Tuy nhiên, sau 15 năm thi hành, Quyết định 130 đã bộc lộ một số hạn chế về cơ sở pháp lý và thực tiễn thi hành chưa phù hợp với thực tế hiện nay.

Do vậy, theo NHNN, việc ban hành Nghị định về xử lý tiền giả, tiền nghi giả và bảo vệ tiền Việt Nam sẽ nâng cao giá trị pháp lý của các quy định pháp luật và bảo đảm cho các quy định pháp luật về công tác đấu tranh, phòng, chống tiền giả (tiền giả tiền Việt Nam và ngoại tệ giả), đảm bảo thống nhất với quy định của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, hình thức văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định sẽ quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong công tác phát hiện, thu giữ tiền giả, tiền nghi giả trong giao dịch tiền mặt, giám định tiền giả, tiền nghi giả, giao nhận, bảo quản, vận chuyển, tiêu hủy tiền giả để hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn.

Xem nội dung đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam tại đây.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến