Dòng sự kiện:
Tìm sự dung hoà giữa rủi ro và lợi nhuận
22/05/2018 06:06:48
Tăng thu từ dịch vụ là một trong những mục tiêu phát triển của nhiều NH, bởi đơn giản đây là nguồn thu ổn định và an toàn hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng.

Trích lập dự phòng tăng

Theo SSI Retail Research, lợi nhuận sau thuế quý I/2018 của các NH niêm yết tăng 51,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 36% trong năm 2017. Trong số đó, nhiều NH tăng trưởng gấp 2-3 lần như HDBank, TPBank, ACB… Nhiều ông lớn NH cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, SSI cũng đưa ra điểm đáng lưu ý là chi phí dự phòng rủi ro (DPRR) tín dụng được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong năm 2018 nhưng thực tế lại tăng rất cao, ở mức 50%, chủ yếu do mức tăng của BIDV và VPBank.

Với trường hợp BIDV, báo cáo tài chính công bố mới đây của NH này trong quý I/2018 cho thấy chi phí dự phòng đã lên tới 6.000 tỷ đồng. Cần phải lưu ý rằng tỷ lệ chi phí trích lập DPRR trên tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh giảm rõ rệt tại những NH có tỷ lệ nợ xấu thấp và đã xử lý hết, hoặc gần hết trái phiếu VAMC như ACB, MB, Vietcombank…

Như trường hợp của ACB, lợi nhuận của NH này quý I/2018 đạt 1.624 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017, tỷ lệ nợ xấu của NH này ở mức 0,7%. Do giảm tỷ lệ trích lập DPRR/lợi nhuận thuần từ 50,5% xuống còn 8,3% nên lợi nhuận trước thuế của ACB tăng gấp 2,5 lần lên 1.490 tỷ đồng.

Theo SSI, BIDV vốn đang sở hữu một lượng lớn trái phiếu VAMC chưa giải quyết thì tỷ lệ này tăng đáng kể, thể hiện nỗ lực của NH trong xử lý nợ xấu. VPBank cũng là nhà băng tăng chi phí trích DPRR nhằm xử lý các khoản nợ xấu tăng lên trong quý này. OCB cũng là trường hợp có chi phí DPRR tăng 89% lên mức 140 tỷ đồng.

Trao đổi với một chuyên gia tài chính, vị này cho rằng, trong bối cảnh hiện nay việc khó nhất là chọn được điểm dung hòa giữa rủi ro và lợi nhuận, khi nợ xấu vẫn luôn là vấn đề hiện hữu của mỗi nhà băng.

Chủ tịch HĐTV VAMC ông Nguyễn Tiến Đông mới đây cũng cho biết: VAMC mua nợ xấu chủ yếu bằng trái phiếu đặc biệt. Trước đây do nguồn lực có hạn nên chỉ tổ chức phân tích, phân loại những khoản nợ xấu đã mua về VAMC có giá trị từ 30 tỷ đồng trở lên. Sang năm 2018, VAMC sẽ bắt đầu đưa ra ngưỡng từ 10 tỷ đồng trở lên.

Chủ tịch VAMC cũng cho rằng nợ xấu là muôn hình vạn trạng, mà muốn xử lý được thì phải hiểu được. Chính vì thế, việc phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ VAMC và các TCTD để đưa ra phương án xử lý phù hợp với từng khoản nợ là vấn đề vô cùng quan trọng.

cạnh khác, quy định mang tính giám sát từ phía cơ quan quản lý cũng đóng góp đáng kể vào việc gia tăng chi phí của NH. Thời gian tới, theo TS. Lương Thái Bảo (Đại học Kinh tế Quốc dân), khi các nhà băng áp dụng Basel II phải chịu hai loại chi phí gia tăng là chi phí thực hiện (tính toán theo tổng giá trị hiện tại chiết khấu) và chi phí biến đổi (liên quan tới tuân thủ khuôn khổ quy định mới). Với mỗi nhà băng khác nhau sẽ có mức chi phí phát sinh khác nhau tuỳ thuộc vào quy mô, năng lực quản trị, chiến lược cũng như quy trình áp dụng chuẩn mực Basel II. Trong quá trình thực hiện Basel II, các NH cũng sẽ phải chịu chi phí biến đổi khác nhau. Đó là chưa kể chi phí cố định do việc phải tuân thủ mang lại, hay chi phí công bố thông tin…

Vẫn có kỳ vọng cho lợi nhuận

Trích lập DPRR tín dụng tăng cao ở một số NH, nhưng theo các chuyên gia khả năng sinh lời của các NH trong những tháng tới vẫn ở mức khá cao. Nhìn vào lợi nhuận quý I/2018 đã công bố của hệ thống NH, kỳ vọng này phần nào có thể hiểu được. Theo đó, phần lớn những NH đã niêm yết trên sàn chứng khoán lợi nhuận trước thuế tăng đáng kể: Vietcombank ở mức 4.359 tỷ đồng, cao gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2017; VietinBank lãi hơn 3.000 tỷ đồng; HDBank ở mức 1.045 tỷ đồng; VPBank trong 3 tháng đầu năm 2018 lợi nhuận trước thuế là 2.620 tỷ đồng…

Tăng trưởng thu nhập từ hoạt động kinh doanh đến từ cả thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi. Như trường hợp của SHB, NH này thu nhập lãi thuần quý I/2018 tăng hơn 16% ở mức 1.073 tỷ đồng, chi phí hoạt động tăng 12,9% song chi phí dự phòng giảm còn 66 tỷ đồng. Việc giảm chi phí DPRR tín dụng được xem là yếu tố góp phần hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của SHB. Thu nhập ngoài lãi tại một số NH cũng tăng trưởng mạnh, đơn cử như HDBank 472 tỷ đồng; VPBank 1,63 nghìn tỷ đồng; BIDV 2,1 nghìn tỷ đồng, MB là 940 tỷ đồng…

“Nhiều NH thu được lợi nhuận ấn tượng nhờ ghi nhận phần lớn danh mục đầu tư trái phiếu khi lợi tức trái phiếu có xu hướng giảm từ giữa năm ngoái. Thu nhập từ các khoản nợ xấu đã xoá cũng tăng mạnh tại nhiều NH, đóng góp nhiều hơn vào tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh so với cùng kỳ năm trước”, SSI nhận định.

Tăng thu từ dịch vụ là một trong những mục tiêu phát triển của nhiều NH, bởi đơn giản đây là nguồn thu ổn định và an toàn hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Kết thúc quý I/2018, VIB doanh thu tăng 49% so với cùng kỳ, trong đó lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 125%. VPBank cũng ghi nhận lãi từ dịch vụ đạt 314 tỷ đồng, Vietcombank đạt 881 tỷ đồng - tăng 35,5%... Chuyên gia cũng nhận thấy, lãi suất cho vay trung bình và hệ số NIM của các NH niêm yết đều cải thiện, hệ số NIM của các NH niêm yết trung bình tăng từ 3,98% vào quý I/2017 lên 4,07% vào quý I/2018 và ngày càng nhiều NH mở rộng mạnh mẽ sang mảng NH bán lẻ.

Với mảng bán lẻ, các NH đều có những tính toán riêng cho định hướng phát triển này. Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, NH này sẽ đón đầu, hợp tác với các tập đoàn tài chính cũng như các quỹ đầu tư nước ngoài để thúc đẩy mũi nhọn bán lẻ, khai thác các nguồn vốn, đầu tư cho các dự án, doanh nghiệp Việt Nam, qua đó giúp tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cho NH. Hay như tại MB, cơ cấu tín dụng của NH này cũng đang chuyển dịch theo hướng mở rộng bán lẻ tại các phòng giao dịch, hướng tới nhóm khách hàng cá nhân và DNNVV, tỷ lệ doanh thu từ bán lẻ lên tới 70% tổng doanh thu NH...

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến