Dòng sự kiện:
Tín dụng tiêu dùng: Cần có khung pháp lý thích hợp
23/01/2018 09:02:24
Tín dụng tiêu dùng đang là thị trường có tiềm năng lớn tại Việt Nam, với dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, kinh tế phát triển mạnh.

Phát triển tín dụng tiêu dùng tác động tích cực tới cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả thị trường này, rất cần có khuôn khố pháp lý thích hợp, tăng cường tính công khai, minh bạch, để tránh nguy cơ rủi ro cho hệ thống ngân hàng.  

Vài năm gần đây, cho vay tiêu dùng tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất nhanh.

Còn nhiều dư địa để mở rộng cho vay tiêu dùng 

Cho vay tiêu dùng là hình thức tài trợ cho mục đích chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình giúp người tiêu dùng có thể trang trải các nhu cầu trong cuộc sống, trước khi họ có đủ khả năng về tài chính để hưởng thụ. Ngoài ý nghĩa kinh tế, tín dụng tiêu dùng còn giúp giảm tín dụng đen, vốn là một vấn đề nhức nhối của xã hội. 

Theo khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, việc tăng quy mô nợ hộ gia đình có tác động tích cực lên nền kinh tế khi tỷ trọng chiếm dưới 30% GDP và rủi ro khủng hoảng tài chính trong hệ thống ngân hàng gia tăng khi dư nợ hộ gia đình chiếm trên 70% GDP. Do đó, dư địa phát triển của ngành này vẫn còn khá lớn trong 3 năm tới.

Theo TS.Võ Trí Thành, đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam bởi các yếu tố như tầng lớp trung lưu tăng nhanh, nhu cầu tiêu dùng lớn… Hơn nữa, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các nền tảng công nghệ, các loại hình định chế phục vụ phát triển kinh doanh lĩnh vực này rất đa dạng, tiện ích. Trong khi đó, dù tăng trưởng nhanh những năm qua nhưng tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng tín dụng tại Việt Nam thực tế so với các nước trung bình ở ASEAN vẫn chỉ bằng một nửa.

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo về nguy cơ rủi ro trong hệ thống ngân hàng hiện nay với tín dụng tiêu dùng. Rủi ro đầu tiên là chúng ta kiểm soát tín dụng tiêu dùng với chuẩn mực chưa hợp lý. Tín dụng cho vay mua nhà, sửa nhà được tính chung vào trong tín dụng tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, tín dụng bất động sản phải được tính riêng để tín dụng tiêu dùng thực sự mang ý nghĩa tiêu dùng cá nhân, phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát. Trên thực tế, cho vay mua nhà có nhiều trường hợp không phục vụ nhu cầu mua nhà để ở, do đó cần có tiêu chí hợp lý để xác định rõ bức tranh về tín dụng tiêu dùng.

Đây cũng là quan điểm của TS.Võ Trí Thành. Theo ông Võ Trí Thành, một yêu cầu hàng đầu với tín dụng tiêu dùng hiện nay là việc giám sát gắn với tính minh bạch. Mặc dù cho vay tiêu dùng phân nhỏ rủi ro cho vay bằng cách phân nhỏ quy mô, nhưng điều này không có nghĩa là rủi ro tổng thể sẽ giảm. Hơn nữa, hiện nay số liệu thống kê về rủi ro tiêu dùng còn rất khác nhau. Việc không tách cho vay bất động sản với cho vay sửa chữa nhà có thể ảnh hưởng đến việc đánh giá đúng thực trạng cho vay tiêu dùng.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về tín dụng tiêu dùng đánh giá, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế trong 1 - 2 năm tới, việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng  tạo được động lực cho tổng cầu của nền kinh tế và thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước. Tuy nhiên, những rủi ro tiềm ẩn cũng không thể bỏ qua khi dòng vốn tín dụng tiêu dùng có thể chảy vào khu vực có tính đầu cơ cao. Điều này góp phần tạo nên sai lệch trong cách tính toán và số liệu công bố về dòng vốn tín dụng bất động sản. Theo VDSC, diễn biến này cũng mang tới rủi ro khi các tài sản trên được mang đi thế chấp và các ngân hàng đánh giá quá cao mức độ tín nhiệm của người đi vay.

Để tăng cường cơ chế kiểm soát rủi ro tín dụng tiêu dùng, bên cạnh việc tính toán lại chuẩn mực tính toán tín dụng tiêu dùng, ông Nguyễn Trí Hiếu cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước chủ trì việc xây dựng cơ chế xếp hạng điểm tín dụng cho mỗi cá nhân. Hiện nay, mặc dù đã có Trung tâm Thông tin Tín dụng cho các ngân hàng, nhưng vẫn chưa có việc xếp hạng điểm tín dụng cá nhân để kiểm soát rủi ro cho tín dụng cá nhân.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có cần có quy định về phá sản cho cá nhân chứ không chỉ cho doanh nghiệp. Theo đó, người nào không trả được nợ, thì có thể đưa ra tòa để cho phá sản, cho phép ngân hàng gom lại tài sản để thanh lý và xóa nợ. “Phải có khung pháp lý thích hợp để tín dụng tiêu dùng bớt rủi ro, không dẫn đến các diễn biến phức tạp khác”, ông Nguyễn Trí Hiếu đề nghị.

Theo Thời báo Tài chính

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến