Dòng sự kiện:
Tòa Tối cao kháng nghị vụ kiểm lâm được tuyên vô tội
02/08/2018 07:30:36
Không đồng ý với Bản án của TAND tỉnh Kon Tum đã tuyên vô tội cho những người cưa gỗ trắc trong rừng đặc dụng Đắk Uy, TAND Tối cao đã kháng nghị bản án này.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ vừa ký kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 07/2018/HS-PT ngày 1/6 của TAND tỉnh Kon Tum; đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm. Đồng thời, giữ nguyên quyết định của bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

Kháng nghị của TAND Tối cao cũng yêu cầu tạm đình chỉ thi hành bản án hình sự phúc thẩm số 07/2018/HS-PT của TAND tỉnh Kon Tum đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Theo hồ sơ vụ án, Phan Tiến Dũng là kiểm lâm của Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy. Tháng 4/2016, Lê Quốc Khánh xin Dũng vào rừng Đắk Uy cưa trộm cây gỗ trắc khô. Cả nể việc Khánh thường tìm thuê người làm cà phê cho mình nên Dũng đồng ý.

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm ngày 1/6.

Sự việc bị phát hiện, các đối tượng bị bắt và truy tố về tội trộm cắp tài sản. Tháng 9/2016, TAND huyện Đắk Hà đã tuyên phạt các bị cáo từ 12 - 15 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản.Khánh cùng ba người khác sau đó vào rừng cưa cây gỗ trắc đã chết khô và lấy đi một khúc gỗ dài hơn 2m, đường kinh 27,5cm, tổng khối lượng 0,123m3. Theo định giá, khúc gỗ có giá trị hơn 19 triệu đồng.

Sau phiên sơ thẩm, các bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan vì cho rằng, cây gỗ bị cưa là cây mọc tự nhiên được xem là tài nguyên nên không phải là đối tượng để xử lý theo tội Trộm cắp tài sản. Nếu rừng bị xâm hại thì xử lý về hành vi khai thác trái phép, nhưng khối lượng chưa đủ để xử lý hình sự, chỉ có thể xử phạt hành chính.

Tháng 3/2017, TAND tỉnh Kon Tum đã huỷ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại. Tiếp đó, tháng 9/2017, TAND tỉnh Kon Tum mở phiên xét xử sơ thẩm lần 2 và tuyên phạt các bị cáo từ 11 - 14 tháng tù, sau đó các bị cáo tiếp tục làm đơn kháng cáo.

Ngày 1/6, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm đã tuyên bố kiểm lâm Phan Tiến Dũng và các đồng phạm không phạm tội trộm cắp tài sản.

Vụ án này có một điểm đặc biệt là sau khi TAND tỉnh Kon Tum đã huỷ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại hồi tháng 3/2017, quá trình thực nghiệm điều tra, CQĐT đã đào gốc gỗ trắc từ rừng đặc dụng Đắk Uy mang về rồi chuyển qua Chi cục THADS huyện Đắk Hà quản lý. Do gốc gỗ quá to và nặng không thể để vào trong kho nên được để trong khuôn viên chi cục.

Ngày 26/7, CQĐT huyện Đắk Hà đã ban hành kết luận điều tra mới, thể hiện gốc gỗ trắc thuộc nhóm IIa, nặng 450kg (tương đương 0,45m3) do chính cơ quan điều tra đào mang về rồi chuyển giao cho Chi cục THADS huyện Đắk Hà cất giữ, bảo vệ và được xem là tang vật của vụ án trộm cắp tài sản.

Tuy nhiên, trong một đêm của tháng 2/2017, trộm đã lấy mất gốc gỗ trắc tang vật này. Riêng khúc gỗ trắc dài hơn 2m cất trong kho vẫn còn nguyên vẹn.

Theo VietNamNet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến