Dòng sự kiện:
Tồn kho gần 750.000 tấn đường: VSSA kêu khó
27/05/2017 17:43:30
Số đường tồn kho hiện nay của Việt Nam là gần 750.000 tấn trong khi các doanh nghiệp đang phải chịu cạnh tranh không công bằng về giá.

Đường tồn kho cao nhất từ trước

Ngày 24/5, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) đã tổ chức hội nghị để bàn giải pháp tiêu thụ đường bền vững và đối phó với đường nhập lậu.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, tính đến ngày 19/5, số đường tồn kho đầu vụ là 479.915 tấn, tổng số đường sản xuất là 1.361.379 tấn, tiêu thụ 1.093.070 tấn. Như vậy, số đường tồn kho hiện nay là 748.224 tấn, cao nhất từ trước đến nay.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng lượng đường tồn kho cao mức kỷ lục như hiện nay.

Hiện nay Việt Nam đang tồn kho gần 750.000 tấn đường. Ảnh: Dân trí

Thứ nhất là năm nay do tác động của thời tiết nên các nhà máy đường vào vụ ép chậm hơn mọi năm. Thứ hai chênh lệch giá tiêu thụ trong nước và đường nhập lậu còn cao từ đầu vụ. Thứ ba, lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan về chậm và tồn đọng. Cuối cùng là tình trạng buôn lậu đường qua biên giới tăng mạnh so với năm trước.

Theo ông Doanh các doanh nghiệp đang phải chịu cạnh tranh không công bằng về giá mà nguyên nhân là do từ đầu vụ, các nhà máy đã ký hợp đồng mua mía nguyên liệu từ nông dân với giá cao hơn vụ trước nên sẽ bị thua lỗ, có thể phải đóng cửa nếu hạ giá bán để cạnh tranh với đường lậu.

Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam lo ngại, đường lậu không những làm ảnh hưởng đến các nhà máy, nông dân mà còn gây thiệt hại cho nhà nước vì không thể thu được thuế, mỗi năm ít nhất vài trăm tỉ đồng.

Để giải quyết tình trạng trên, phía Hiệp hội Mía đường cũng như các doanh nghiệp cũng nêu ra một số giải pháp nổi bật như các công ty, nhà máy đường cần dự báo chính xác số lượng đường trong vụ, báo cáo cơ quan chức năng, các bộ ngành để dự báo chính xác cân đối cung cầu hàng năm để xây dựng kế hoạch sản xuất ổn định trong năm.

Ngoài ra, từng công ty, nhà máy đường cần xây dựng, củng cố hệ thống mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, chú trọng khách hàng truyền thống, ổn định lâu dài; xây dựng kế hoạch tiêu thụ và giá cả linh hoạt, không tạo chênh lệch giá lớn giữa đường trong nước và đường nhập lậu...

Phải có giải pháp căn cơ

Tình trạng đường Việt Nam tồn kho với số lượng lớn, không cạnh tranh được về mặt giá cả đối với đường nhập khẩu đã được nhắc đến từ lâu. Dù nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng đến thời điểm này, người nông dân trồng mía vẫn liên tiếp gặp bất lợi.

Hồi tháng 6 năm ngoái, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính áp dụng và duy trì mức bảo hộ cao nhất cho ngành đường theo các cam kết theo lộ trình đã ký.

VSSA cho biết, trong xu hướng hội nhập sâu rộng như hiện nay, ngành mía đường là một trong các ngành nông nghiệp bị tổn thương cao nhất với mặt hàng đường là mặt hàng nhạy cảm mà trong tất cả các Hiệp định thương mại tự do đã đề cập.

Các chuyên gia cho rằng đường Việt Nam giá cao đang là một trở ngại lớn trong việc cạnh tranh

Hiệp hội Mía đường cũng cho rằng việc dành ưu đãi thuế nhập khẩu 0%, thuế VAT 0%, miễn trừ các hàng rào kỹ thuật với một số mặt hàng do các nhà đầu tư Việt Nam sản xuất tại Lào khi nhập khẩu vào Việt Nam là sự ưu đãi quá mức so với sản xuất trong nước.

Việc này góp phần gây nên khó khăn cho sản xuất trong nước trong khi điều kiện sản xuất trong nước không được lợi thế như sản xuất tại Lào.

Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, một trong những khó khăn lớn nhất với ngành mía đường VN hiện nay đó là giá thành sản xuất còn quá cao do năng suất mía thấp. Do đó ngoài việc nâng cao chất lượng đường thì vấn đề giảm giá thành sản phẩm cần phải hết sức chú ý.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên trưởng tiểu vùng mía đường khu vực ĐBSCL, thừa nhận do chưa thể cơ giới hóa đại trà trên đồng mía, mà chủ yếu canh tác bằng thủ công từ khâu trồng mía đến đánh lá, đào hộc rồi thu hoạch... khiến chi phí giá thành cây mía và đường tăng cao.

PGS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên trưởng khoa nông nghiệp Trường đại học Cần Thơ cũng cho rằng, nếu muốn cải thiện tình trạng này, cần gấp rút quy hoạch lại đồng mía một cách căn cơ gắn vùng nguyên liệu với các nhà máy đường. Đẩy mạnh đầu tư giống mới nhằm tăng năng suất, chất lượng mía và phải làm đồng bộ nhiều giải pháp giúp nông dân sống được từ cây mía.

Theo Đất Việt

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến