Dòng sự kiện:
Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn 'tiếp sức', đối tác mặc sức tung hoành (Bài 1)
22/11/2018 14:00:07
Trước các dấu hiệu vi phạm nguyên tắc về cạnh tranh, nhiều dấu hiệu tiềm ẩn tiêu cực, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Cục Phòng, chống tham nhũng vào cuộc yêu cầu Cty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn cung cấp các tài liệu.

Trước các dấu hiệu vi phạm nguyên tắc về cạnh tranh, nhiều dấu hiệu tiềm ẩn tiêu cực, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) vào cuộc yêu cầu Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) cung cấp các tài liệu liên quan.

Thực tế, Tổng Giám đốc BSR là ông Trần Ngọc Nguyên đã không tuân thủ các quy định về đấu thầu, ký kết các phụ lục không đúng về mặt pháp lý, đồng thời không phù hợp với quy chế kinh doanh do chính Hội đồng thành viên BSR yêu cầu thực hiện.

Nhà máy sản xuất của Cty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Nguy cơ BSR thiệt hại 3,5 triệu USD trong năm 2018

Lý giải các yêu cầu buộc BSR cần phải cung cấp tài liệu, trong văn bản 189/C.IV –P1 của Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) nêu rõ: Trong 6 tháng đầu năm 2018, BSR đã 4 lần bán số hàng xuất dư hàng tháng theo giá 15 USD/tấn, có 2 lần bán bổ sung hàng xuất dư hàng tháng theo giá giao ngay là 52 USD/tấn.

Như vậy, theo tính toán của Cục Phòng, chống tham nhũng, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, giá chào bán sản phẩm của BSR chênh lệch rất lớn so với giá thỏa thuận, tiềm ẩn tiêu cực, gây thiệt hại cho BSR tổng số tiền gần 2,9 triệu USD.

Cục Phòng, chống tham nhũng cũng lo lắng nếu BSR tiếp tục bán toàn bộ số hàng xuất dư hàng tháng trong 6 tháng cuối năm 2018 cho đối tác với giá 15USD/tấn có thể gây thiệt hại cho BSR gần 450.000USD nữa. Như vậy, nguy cơ trong năm 2018, BSR có thể thiệt hại gần 3,5 triệu USD rất rõ ràng.

Trong khi đó, thay vì phải mời rộng rãi các đối tác tham gia vào việc tiêu thụ sản phẩm hạt nhựa Polyproylene (PP), BSR lại tự lựa chọn 5 đối tác để cung cấp hàng hóa. Trong đó, đối tác được mua sản phẩm với số lượng lớn nhất là Công ty CP Nhựa OPEC với tổng khối lượng 4.100 tấn hàng tháng.

Ngoài ra, Công ty CP Nhựa OPEC cũng được mua 100% lượng hàng xuất dư hàng tháng mà không phân bổ cho các khách hàng khác theo tỉ lệ cũng gây nên những nghi vấn rất khó lý giải.

Tổng Giám đốc BSR thực hiện sai quy chế?

Tổng Giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên đã có dấu hiệu vi phạm Quy chế kinh doanh sản phẩm của BSR khi ký phụ lục không tuân thủ quy chế.

Theo đó, tại Điều 7.2 nêu rõ “quy chế kinh doanh quy định đối với sản lượng PP sản xuất vượt kế hoạch (nếu có) Tổng giám đốc sẽ bán chuyến theo hình thức chào giá cạnh tranh hoặc bán bổ sung cho khách hàng có hợp đồng dài hạn (theo tỉ lệ bao tiêu tương ứng với hợp đồng dài hạn đã ký) đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng cho tất cả khách hàng trên cơ sở phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh và thị trường, tăng hiệu quả cho nhà máy, báo cáo Hội đồng thành viên BSR phê duyệt kết quả thực hiện”.

Trong khi đó, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên lại thực hiện trái quy định bằng cách bán toàn bộ hàng xuất dư cho một đơn vị là Công ty CP Nhựa OPEC mà không phân bổ cho 4 đối tác đủ điều kiện khác, đồng thời cũng không thực hiện báo cáo Hội đồng thành viên của BSR phê duyệt phụ lục.

Chưa kể, việc ông Trần Ngọc Nguyên ký phụ lục 01 kèm theo hợp đồng 1118/BSR – OPEC ngày 24.12.2017 thực chất là hợp đồng bán chuyến (Spot) nhưng lại gắn vào thành phụ lục hợp đồng dài hạn (Term) là không đúng về mặt pháp lý.

Với việc được bao tiêu số lượng rất lớn trong tổng sản lượng sản phẩm hạt nhựa PP của BSR, đối tác của BSR là Cty CP Nhựa OPEC đã nắm trong tay tỉ lệ rất cao, hoàn toàn có thể chi phối thị phần của BSR cũng như tác động đáng kể tới thị phần hạt nhựa toàn quốc. Vậy tỉ lệ sản phẩm của BSR mà Cty CP Nhựa OPEC nắm giữ là bao nhiêu? Khả năng tác động của Cty CP Nhựa OPEC tới thị trường toàn quốc như thế nào?

Theo Lao động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến