Điện máy Trần Anh: Ông hoàng một thời ngủ quên trên dĩ vãng
20/02/2017 15:07:45
ANTT.VN - Nhà đầu tư “trót” đổ tiền vào mã TAG có muốn bán ra để lựa chọn các rổ trứng khác để đón sóng thị trường, tìm kiếm lợi nhuận thì khả năng tìm được đối tác để thực hiện giao dịch như “mò kim đáy bể”, chưa kể TAG từ lâu đã không còn là món hàng khiến nhiều người mặn mà.

Tin liên quan

Đóng băng thanh khoản, người nhà chủ tịch nắm quyền chi phối

Người nhà chủ tịch Trần Xuân Kiên nắm giữ 56% vốn của Trần Anh

Ngày 16/02/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 131/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (mã CK: TAG).

Theo đó, CTCP Thế giới số Trần Anh bị phạt tiền 50 triệu đồng do công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội không đúng thời hạn về doanh nghiệp kiểm toán đã ký hợp đồng kiểm toán Báo cáo tài chính cho các năm 2016, 2017, 2018.

Liên quan đến cổ phiếu TAG của công ty này, câu hỏi về tính thanh khoản của cổ phiếu TAG trên sàn chứng khoán vẫn là vấn đề nhức nhối của nhà đầu tư “trót” đổ tiền vào mã này.

Chốt phiên giao dịch ngày 20/02, hiện mức giá cổ phiếu đang đứng yên ở mức 44.600 đồng/CP tuy nhiên điều kỳ lạ ở chỗ, hơn 1 tháng qua cổ phiếu TAG không có thanh khoản.

Phiên ghi nhận giao dịch gần nhất trước đây là 09/01/2017 với số lượng cổ phiếu khớp lệnh chỉ là 118 đơn vị đưa giá CP giảm từ 49.500 đồng xuống mức 44.600 đồng/CP như hiện nay. Như vậy, chỉ với một giao dịch nhỏ lẻ, giá cổ phiếu TAG đã giảm tới 10% mà không hề đi theo sóng thị trường.

Trước đó, tính thanh khoản của cổ phiếu TAG đã được cổ đông CTCP Thế giới số Trần Anh nêu ra tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên.

Đối với các doanh nghiệp khác, nhà đầu tư quan tâm đến đến kết quả kinh doanh, lợi nhuận hay mức chi trả cổ tức hàng năm, nhưng đối với một mã cổ phiếu tưởng chừng như đang “ngủ say” trên chính thị trường chứng khoán đầy biến động như TAG lại khiến nhiều cổ đông lo lắng.

Cổ đông TAG cho rằng thanh khoản kém khiến kế hoạch mua cổ phiếu quỹ để thu hút người lao động cũng như phát hành cho đối tác chiến lược sẽ khó.

Cơ cấu sở hữu TAG tại thời điểm ngày 31/12/2016

ANTT.VN cũng đã từng phân tích về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thanh khoản cực kém của TAG một phần không nhỏ do tính cô đặc trong cơ cấu sở hữu, đặc biệt với tỷ lệ chi phối của gia đình chủ tịch Trần Xuân Kiên đã lên mức gần 56% vốn của Trần Anh.

Cụ thể, hiện ông Trần Xuân Kiên và vợ là bà Đỗ Thị Thu Hường đang nắm trong tay tổng cộng 11 triệu cổ phiếu TAG – tương ứng tỷ lệ sở hữu 44% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, chị vợ ông Kiên là bà Đỗ Thị Kim Liên sở hữu 5,88% vốn, hai vợ chồng em gái ông Kiên là bà Trần Thị Vân Trang và Hoàng Anh Tuấn cũng đang nắm giữ 6% vốn của Trần Anh.

Ngoài các cổ đông cá nhân là người nhà của chủ tịch Trần Xuân Kiên, 30,82% vốn còn lại của Trần Anh – tương đương 7,7 triệu cổ phiếu TAG do Tập đoàn NOJIMA của Nhật Bản nắm giữ. Như vậy lượng cổ phiếu TAG đang lưu hành tự do trên thị trường chỉ khoảng 3 triệu đơn vị - tương ứng 12% vốn.

Với thị giá hiện nay, dù nhà đầu tư “trót” đổ tiền vào mã TAG có muốn bán ra để lựa chọn các rổ trứng khác để đón sóng thị trường, tìm kiếm lợi nhuận thì khả năng tìm được đối tác để thực hiện giao dịch cũng như “mò kim đáy bể”, chưa kể TAG từ lâu đã không còn là món hàng khiến nhiều người mặn mà.

Người hùng điện máy sẽ thu hộ tiền điện nước

Ngày 16/2 vừa qua, TAG mới chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản thông qua việc thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh như triển khai các dịch vụ thu hộ tiền điện nước, điện thoại, vé máy bay, thu hộ học phí, nạp tiền điện thoại, nạp thẻ game...

Bên cạnh đó, Trần Anh cũng dự kiến thay đổi năm tài chính là 01/04 đến 31/03 hàng năm (trước đây là 01/01 đến 31/12 hàng năm); tạm ứng cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 8% (mỗi cổ đông sở hữu 1CP được nhận 800 đồng)... Thời gian thực hiện dự kiến cuối tháng 2 đầu tháng 3/2017.

Cũng với tỷ lệ sở hữu như trên, tiếng nói của cổ đông nhỏ lẻ trong việc thông qua/phủ quyết các tờ trình mà HĐQT Trần Anh đề xuất tại đại hội đồng cổ đông cũng hầu như không có tác dụng (87% vốn trong tay người nhà chủ tịch Trần Xuân Kiên và cổ đông lớn ngoại quốc).

Về tình hình kinh doanh năm 2016, doanh thu thuần mà Trần Anh ghi nhận đạt 4.098 tỷ đồng – chỉ đạt 87,4% kế hoạch đề ra. Con số này so với mức doanh thu của tân binh Thế giới số (Digiworld) cũng chỉ nhỉnh hơn chút, còn so với mức doanh thu 44.613 tỷ đồng trong năm của Thế Giới Di Động khiến không ít cổ đông lắc đầu ngao ngán. 

Cách đây khoảng 7-8 năm, khi chưa xuất hiện những tân binh trên thị trường điện máy như Thế giới Số, Thế giới Di động với hệ thống Điện Máy Xanh làm mưa làm gió thị trường thời gian qua thì Trần Anh luôn là thương hiệu được người tiêu dùng nghĩ đến khi có nhu cầu. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của các mặt hàng điện tử, các nhà phân phối đua nhau mở rộng thị phần và các chiến dịch quảng cáo hút khách thì Trần Anh liên tục sảy chân với các scandal không đáng có như chiêu trò người mẫu mặc bikini dắt xe cho khách, nhân viên bồng súng đứng gác trước cửa... lại khiến hình ảnh của siêu thị điện máy trở nên phản cảm, không phù hợp.

Những scandal trong chiêu trò PR ảnh hưởng lớn đến thương hiệu Trần Anh

Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến