Dòng sự kiện:
Trước ngày tuyên án, Cty Thiên Sơn nói không chung mục đích với bệnh viện
29/01/2019 09:04:45
Theo luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, sở dĩ Công ty Thiên Sơn hợp tác với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là vì muốn 'tìm kiếm lợi nhuận', chứ không phải là 'cùng chung mục đích công vụ vì xã hội'.

Các bị cáo tại tòa.

Bị cáo Đỗ Anh Tuấn không phải thực hiện "nhiệm vụ công"

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc công ty Thiên Sơn - sau khi ký hợp đồng 315 với Bệnh viện Hòa Bình lại ký hợp đồng số 05 với bị cáo Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc công ty Trâm Anh về việc sửa chữa này. Ông Tuấn, sau đó không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình, bỏ mặc Quốc tự mua hàng hóa, sửa chữa.

Luật sư Nguyễn Danh Huế - đại diện Bệnh viện đa khoa Hòa Bình - cho biết, Công ty Thiên Sơn đã chuyển nhượng 100% gói thầu cho Quốc nên đã vi phạm luật đấu thầu. Chính hành vi trái pháp luật này khiến Quốc tự ý sửa chữa hệ thống RO số 2, là nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa nghiêm trọng.

Về vấn đề này, đại diện Công ty Thiên Sơn khẳng định, không bán thầu, mà chỉ ký hợp đồng với Công ty Trâm Anh để đảm bảo các điều kiện của hợp đồng 315. Việc ký hợp đồng 05 hay không cũng không làm mất đi bản chất hợp đồng 315.

Đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng, hợp đồng 05 giữa Thiên Sơn và Trâm Anh được ký kết sau sự cố nên đây không phải là chuyển nhượng thầu. 

Theo VKS, Công ty Thiên Sơn cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thuê 5 máy chạy thận. Vì vậy, Công ty Thiên Sơn đang thực hiện nhiệm vụ công cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là khám chữa bệnh cho nhân dân, là chủ thể của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (trái) và luật sư Đinh Hương.

Phản bác luận điểm này, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương - bào chữa cho ông Đỗ Anh Tuấn - cho rằng, thân chủ bà không phải là chủ thể của tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bởi, ông Tuấn không phải là “người có chức vụ”, cũng không phải thực hiện “nhiệm vụ công”. Vì vậy, không thỏa mãn yếu tố chức vụ theo Điều 277 Bộ luật Hình sự quy định về “Khái niệm tội phạm về chức vụ”.

"Ông Đỗ Anh Tuấn chỉ là đại diện của Công ty Thiên Sơn, thực hiện việc ký hợp đồng cho thuê máy thận nhân tạo với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình", luật sư Đinh Hương nói; đồng thời cho biết, việc ký hợp đồng là “tìm kiếm lợi nhuận”, chứ không phải là “cùng chung mục đích công vụ vì xã hội” với bệnh viện.

Đồng thời, cũng trong phiên tòa, luật sư Phạm Quang Hưng - bào chữa cho Đỗ Anh Tuấn - đã viện dẫn Kết luận Giám định của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an để chỉ ra rằng, thủ phạm thực sự của vụ án là người sử dụng Florua - hóa chất gây tử vong 9 bệnh nhân. Song, vấn đề này vẫn chưa được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Hoàng Công Lương có được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo?

Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Hoàng Đình Khiếu - nguyên Trưởng khoa hồi sức tích cực khẳng định, đã giao nhiệm vụ cho Hoàng Công Lương phụ trách chuyên môn ở Đơn nguyên thận nhân tạo từ cuối 2015 đầu năm 2016. Việc này được nói các cuộc họp giao ban nên không có văn bản.

Bị cáo Hoàng Công Lương.

Tuy nhiên, bị cáo Lương khẳng định, chưa bao giờ được giao nhiệm vụ phụ trách đơn nguyên. Không có văn bản, giấy tờ nào chứng minh anh được giao nhiệm vụ quản lý đơn nguyên này. Anh chỉ làm chuyên môn điều trị cùng hai bác sĩ khác, công việc, chức trách như nhau.

VKS sau đó xác định, bị cáo Khiếu và Phó khoa Hoàng Công Tình, sau khi xảy ra sự cố đã sửa chữa sổ họp giao ban, ghi thêm phần phân công nhiệm vụ cho bị cáo Lương.

Đánh giá chứng cứ buộc bị cáo Lương tội Thiếu trách nhiệm là sổ giao ban không còn khách quan nên VKS chuyển sang cáo buộc phạm tội Vô ý làm chết người.

Theo Lao Động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến