Dòng sự kiện:
TS Nguyễn Trí Hiếu: Chuyên gia kinh tế của World Bank nói chưa đầy đủ
08/09/2017 05:01:40
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng lập luận VAT thấp mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo của chuyên gia Sebastian Eckhardt chưa đầy đủ, đồng thời kiến nghị giữ nguyên mức thuế đối với các mặt hàng thiết yếu.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã có đề xuất thay đổi một số sắc thuế, trong đó đề nghị tăng thuế VAT. Đề xuất này đã gặp phải phản ứng của người dân cũng như nhiều chuyên gia kinh tế do lo ngại giá cả sẽ tăng cao, đặc biệt là ảnh hưởng tới người nghèo.

Ông Sebastian Eckhardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thì lại cho rằng các hộ gia đình giàu thường tiêu dùng nhiều hơn, dùng nhiều hàng hoá đắt đỏ hơn nên những đối tượng này “trả phần lớn thuế VAT”.

Theo ông Eckhardt, 20% người nghèo nhất ở Việt Nam chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế VAT, trong khi người giàu chi trả gần 40% số tiền này. Ông Eckhardt lý giải thêm, nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế VAT thấp, thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đánh giá thuế suất VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Tuy vậy, phân tích của Sebastian Eckhardt đã vấp phải sự chỉ trích của các chuyên gia kinh tế trong nước. Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập phản bác rằng lập luận này chưa đầy đủ.

“Đúng là thuế suất VAT ở mức 10% thì những người có thu nhập cao đóng góp nhiều hơn so với những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên đó là cái nhìn về phía ngân sách.

Về phía người dân, người giàu không bị ảnh hưởng nhiều khi tăng thuế bởi tỉ lệ phần trăm tiêu dùng trên thu nhập của người giàu không bằng người nghèo.

Tôi không đồng ý với ông Sebastian Eckhardt bởi chuyên gia này nhìn dưới góc nhìn số học và đóng góp cho ngân sách. Còn tác động đến chất lượng đời sống của người dân chưa đề cập đến. Ông ấy cũng không đề cập đến vấn đề sử dụng vốn, tham nhũng, lãng phí, hiệu quả sử dụng ngân sách,…”, TS. Hiếu nói.

Ông Hiếu cho rằng, Bộ Tài chính cần nghiên cứu đầy đủ, sâu rộng về tác động của việc tăng thuế VAT đối với đại bộ phận người dân, đặc biệt là những người nghèo:

“Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là trên 2.000 USD nhưng có những người chỉ có thu nhập vài chục, vài trăm USD/ năm nhưng cũng có những người có thu nhập lên đến vài trăm nghìn USD/ năm .

Cần nghiên cứu, khảo sát kỹ và kết luận nếu tăng thuế thu nhập như vậy thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tất cả các tầng lớp khác nhau nếu vừa giảm thuế thu nhập cá nhân, vừa tăng thuế giá trị gia tăng”.

Theo chuyên gia này, việc Bộ Tài chính và chuyên gia Sebastian Eckhardt đưa ra so sánh thuế giá trị gia tăng của Việt Nam thấp hơn nhiều so với nhiều nước, trong đó có châu Âu (thuế VAT có thể lên tới 20% hoặc cao hơn) là không thuyết phục.

“Bên châu Âu thu nhập bình quân đầu người từ 40.000 USD trở lên. Ngay cả khi thuế giá trị gia tăng lên tới 20%, thu nhập của người dân vẫn còn để nuôi sống bản thân và gia đình. Hơn nữa hệ thống giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội của họ rất tốt. So sánh như vậy là chưa thuyết phục”, TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ý kiến cho rằng cần giảm ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp để khu vực doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn vào ngân sách cũng cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ:

“Những doanh nghiệp lớn có thể chịu được mức thuế suất cao nhưng những doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp khó có thể “kham” nổi. Cần tính toán những mức thuế suất khác nhau, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp”.

Ông Hiếu đề xuất giữ nguyên mức thuế suất thuế VAT ưu đãi cho các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng giáo dục, y tế,…nhưng tăng thuế VAT đối với các mặt hàng xa xỉ, đắt tiền, những mặt hàng ảnh hưởng tới sức khỏe như ô tô, rượu, bia, thuốc lá,…

“Những người có thu nhập cao có thể chịu được mức thuế VAT cao hơn khi mua những hàng hóa đắt tiến, xa xỉ phẩm. Điều này sẽ giảm tác động tiêu cực của việc tăng thuế VAT đối với người có thu nhập thấp nhưng vẫn phù hợp với xu hướng cải cách thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính”, ông Hiếu nói.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình Fulbright Việt Nam cũng khẳng định nhóm có thu nhập thấp sẽ chịu gánh nặng thuế VAT bằng 1,9 lần so với nhóm có thu nhập cao nhất. Ông Vũ Thành Tự Anh nhận định, việc cho rằng nguồn gốc của thâm hụt ngân sách và nợ công là do hụt thu, từ đó lấy lý do để tăng thuế là cách nhìn "phiến diện". 

TS Tự Anh cho biết thuế VAT ở một số nước châu Á khác như Đài Loan chỉ là 5%, Thái Lan và Singapore là 7% đều thấp hơn Việt Nam. "Biện pháp quan trọng để giảm nợ công và thâm hụt ngân sách là phải tiết giảm và tăng hiệu quả chi tiêu, không phải là tăng thuế", ông Tự Anh cho biết.

Tâm Hằng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến