Dòng sự kiện:
Từ các vụ cướp ngân hàng, nói đến vấn đề an ninh
20/09/2018 10:05:24
Ngân hàng lại là nơi lưu trữ nhiều tiền bạc, là mục tiêu nhìn ngó của tội phạm. Nói đến hành vi cướp tài sản tại ngân hàng là nói đến sự táo tợn của những kẻ gây án. Làm sao để tăng cường công tác an ninh ở đây?

Thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng với tính chất manh động, thủ đoạn tinh vi, cộng với sự liều lĩnh của đối tượng gây án đã khiến dư luận rất lo ngại về công tác bảo vệ tại ngân hàng, cũng như sự an toàn của nhân viên và khách hàng khi đến  giao dịch.

An ninh lỏng lẻo, tội phạm lên kế hoạch kỹ càng

Tại CQĐT, các đối tượng bị bắt giữ có lời khai về nguyên nhân phạm tội khá giống nhau, đó là do thiếu tiền hoặc nợ nần nhiều. Các đối tượng này nhắm đến ngân hàng vì qua mạng xã hội và báo chí thấy nhiều vụ cướp thực hiện trót lọt.

Một lãnh đạo của Phòng Phòng chống tội phạm có tổ chức và có yếu tố nước ngoài, Cục Cảnh sát hình sự cho biết, công tác bảo vệ ở nhiều ngân hàng hiện nay còn mỏng, có nơi không bố trí bảo vệ bên trong và ngoài cửa để đảm bảo cho việc nhân viên bảo vệ là người phát hiện vụ việc ngay lập tức và có phương án để đối phó.

Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Châu Thành (Tiền Giang) nơi xảy ra vụ cướp vào chiều 13/9.

Hệ thống báo động và phát tín hiệu còn thiếu, nhiều khi bị trục trặc; nhân viên bảo vệ ít và kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Nhân viên ngân hàng còn thiếu nhiều kỹ năng để xử lý những tình huống phát sinh, ví dụ khi xảy ra vụ cướp thì ngay lập tức phải làm gì.

Đặc biệt khi xuất hiện đối tượng có vũ khí thì các ngân hàng, nhân viên bảo vệ không kịp thường xuyên cập nhật các thủ đoạn phạm tội truyền thống hay phạm tội phi truyền thống, các loại phạm tội mới... Nơi trông giữ phương tiện của khách hàng thì nhiều nơi còn sát với đường giao thông, khi khách hàng giao dịch xong cầm một túi tiền ra mà ngay cạnh đường giao thông thì đó cũng là cơ hội rất là thuận lợi để cho các đối tượng cướp giật.

Phân tích về các vụ cướp ngân hàng xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, Đại tá, PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm cho biết, đối tượng gây ra vụ cướp ngân hàng tại các trụ sở nơi trung tâm đông đúc rất hiếm khi xảy ra. Còn thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ cướp ngân hàng ở những chi nhánh nằm ở thị trấn, huyện lỵ nơi không có đông người đến giao dịch.

Lý giải nguyên nhân này, Đại tá, PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn cho biết, ở những địa bàn trung tâm thành phố, trụ sở ngân hàng lớn thường được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Từ hệ thống camera quan sát, đến lực lượng bảo vệ chuyên trách được bố trí đầy đủ, tinh thần cảnh giác, phương án xử lý tình huống đều có… Còn những chi nhánh ngân hàng không phải ở trung tâm, người có trách nhiệm tại đây thường có tâm lý chủ quan nghĩ sẽ không có cướp nên công tác phòng ngừa lơ là; từ phương tiện quan sát, lực lượng bảo vệ, cách thức phòng vệ, cách thức xử lý tình huống khi xảy ra không được quan tâm đúng mức.

Đặc biệt, những đối tượng muốn thực hiện hành vi cướp ngân hàng, chúng đã nghiên cứu, tìm hiểu những nơi có sự lơ là, mất cảnh giác để thực hiện hành vi.

Cần tăng cường an ninh ở các ngân hàng như thế nào?

Cướp giật nói chung và cướp tài sản tại ngân hàng nói riêng là nói đến sự manh động, liều lĩnh của đối tượng gây án. Nhưng cướp ngân hàng thường tạo ra sự lan tỏa thông tin xấu đến an ninh, trật tự xã hội, làm tâm lý nhiều người hoang mang.

Theo một lãnh đạo của Phòng Phòng chống tội phạm có tổ chức và có yếu tố nước ngoài, Cục Cảnh sát hình sự, do đặc thù của ngành nghề ngân hàng liên quan đến tiền nên vấn đề an ninh đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, mỗi ngân hàng, mỗi đơn vị kinh doanh đều tự trang bị cho mình những phương tiện cần thiết để đảm bảo an toàn cho các hoạt động của mình.

Một số ngân hàng lớn đã đầu tư trang thiết bị, biện pháp an ninh như hệ thống cảm biến nhiệt, cảm biến hồng ngoại, hệ thống camera, hệ thống báo động... nhưng cần tăng cường, chú trọng đào tạo nghiệp vụ và các kỹ năng mềm cho nhân viên ngân hàng, ứng xử trong tình huống xảy ra cướp.

Ngoài ra, nên chăng có quy định riêng về công cụ hỗ trợ vũ khí cho bảo vệ ngân hàng, đồng thời gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ trước pháp luật khi sử dụng vũ khí.

Hình ảnh vụ cướp ngân hàng Vietinbank Tiền Giang từ camera.

Cục Cảnh sát hình sự đã đề xuất với lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và các thủ trưởng cấp trên chỉ đạo Viện Khoa học hình sự nghiên cứu các thiết bị an ninh để phục vụ cho công tác bảo vệ, phát hiện và điều tra các đối tượng cướp ngân hàng.

Ngoài ra, Cục Cảnh sát Hình sự thường xuyên tổng hợp, thông báo các phương thức, thủ đoạn phạm tội đang diễn ra phổ biến cũng như các phương thức thủ đoạn phạm tội mới cho Công an các đơn vị, địa phương để triển khai; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác cũng như công tác phòng ngừa.

Cục Cảnh sát hình sự cũng đã hướng dẫn và đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, rà soát, quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự về tội cướp, cướp giật tại các địa phương. Đồng thời triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn các kỹ năng, xử lý các tình huống cho các ngân hàng trên địa bàn.

Về phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước vẫn thường xuyên yêu cầu các ngân hàng phải tăng cường công tác giám sát, bảo vệ, đảm bảo an toàn tài sản tại nơi giao dịch; nhân viên bảo vệ phải có sức khỏe, nghiệp vụ để xử lý kịp thời các tình huống, không được rời vị trí trực và thực hiện đúng quy định khi thực thi nhiệm vụ; xây dựng phương án bảo vệ chống đột nhập, cướp tiền, tài sản dưới mọi hình thức; Thường xuyên tổ chức diễn tập tình huống cho nhân viên và bảo vệ ngân hàng….

Tuy nhiên những cảnh báo đó từ cơ quan quản lý dường như chưa đủ mạnh khiến các ngân hàng bắt buộc phải thực hiện đảm bảo an toàn một cách chủ động.

Thiết nghĩ Ngân hàng Nhà nước, cơ quan công an cần có thêm những biện pháp để các ngân hàng nhận thức được rõ hơn và tuân thủ nghiêm chỉnh hơn trong công tác an toàn, an ninh trong giao dịch ngân hàng. Và tự mỗi ngân hàng cũng phải nhận thức nghiêm khắc hơn vai trò đảm bảo an ninh để không còn xảy ra các vụ cướp ngân hàng khác trong thời gian tới.

Tuệ An

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến