Dòng sự kiện:
Tư duy chính sách cần theo kịp xu hướng công nghệ
17/11/2018 14:08:18
Thách thức trong phát triển NH số tại VN là rất nhiều, song một trong những nguyên do lớn nhất được nhiều chuyên gia nhận định tới từ việc chưa đủ khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi, thích ứng với bối cảnh số hoá.

Tại sao lại là khuôn khổ pháp lý? Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) chia sẻ thông qua một ví dụ nhỏ: Hãy hình dung một cách đơn giản nhất là khách hàng đến mở tài khoản. Nếu là ngân hàng số, khách hàng mở tài khoản sẽ không phải đến gặp mặt trực tiếp ở ngân hàng. Tuy nhiên, để thực hiện được việc “không phải gặp mặt trực tiếp” thì buộc chúng ta phải có cơ sở pháp lý cho phép NHTM làm điều đó.

Cần nghiên cứu đầy đủ để có hành lang pháp lý phù hợp, tạo điều kiện triển khai ngân hàng số thuận lợi

Hay như câu chuyện ứng dụng ChatBot trả lời. Khi khách hàng hỏi ngân hàng một vấn đề cần tư vấn. Nếu như trước kia, trả lời thắc mắc sẽ là một tổng đài viên, còn nếu là ngân hàng số sẽ là trả lời tự động. Nhưng câu hỏi đặt ra là trong trường hợp nếu tư vấn sai cho khách hàng, thiệt hại xảy ra ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Là máy tính hay do người lập trình? Hoặc hiện nay, nhiều nhà băng đã cho sử dụng dữ liệu lớn để phân tích hành vi khách hàng, từ đó ra quyết định cho các khoản vay dưới 50 triệu đồng mà không cần sự tham gia của con người. Nếu có rủi ro, câu chuyện pháp lý liên quan là vô cùng lớn.

Một trường hợp khác là nhiều ngân hàng hiện nay muốn triển khai điện toán đám mây, các hãng công nghệ đều cài đặt phần mềm ứng dụng, cài đặt database trên nền tảng điện toán đám mây. Song phải lưu ý rằng, lưu dữ liệu khách hàng trên nền tảng đó thì liệu có đúng quy định pháp luật hay không? Đặc biệt có thể nền tảng điện toán đám mây đó nằm ở nước ngoài. “Tất cả những câu chuyện dù là nhỏ nhất như vậy cũng đều phải có quy định”, ông Dũng cho hay.

Tại nhiều diễn đàn xoay quanh chủ đề 4.0 gần đây, rất nhiều chuyên gia nêu quan điểm rằng, 4.0 có thể không khó đối với Việt Nam, nhưng cần phải có một cơ sở pháp lý đầy đủ để triển khai. Theo đại diện Vụ Thanh toán, cần có nghiên cứu hết sức đầy đủ, cụ thể để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, tạo điều kiện cho triển khai ngân hàng số thuận lợi.

Một chuyên gia chia sẻ, điều quan trọng và lý tưởng nhất là tư duy chính sách có thể tiệm cận và theo kịp với xu hướng phát triển của công nghệ. Trao đổi với lãnh đạo một số NHTM, phần lớn đều nhận định ngoài tính chủ động của hệ thống ngân hàng, một trong những khía cạnh nổi bật cần sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách là phương pháp định danh khách hàng, theo đó cần có hành lang pháp lý cho phép và phải có dữ liệu để tiến hành e-KYC.

Trên thực tế hiện nay, đa số các quốc gia đều có kho dữ liệu về dân cư. Lấy đơn cử trường hợp tại Ấn Độ, Chính phủ nước này thúc đẩy tài chính toàn diện theo hướng số hoá với Cơ sở dữ liệu quốc gia mã định danh công dân duy nhất (Đề án Aadhaar). Trong đó có cơ chế xác thực khách hàng điện tử e-KYC, chia sẻ dữ liệu dân cư cho phép ngân hàng mở tài khoản cho người dân chưa tiếp cận dịch vụ tài chính không đòi hỏi giấy tờ, cho phép đơn vị bán hàng hoá, dịch vụ xác thực, chấp nhận thanh toán điện tử từ khách hàng dựa trên thông tin sinh trắc học như vân tay, mống mắt hay mã xác thực OTP qua tin nhắn SMS.

Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng thừa nhận, các quy định chặt chẽ về định danh khách hàng đã và đang hỗ trợ hiệu quả các nhà quản lý trong công tác phòng, chống rủi ro về tội phạm tài chính. Tuy nhiên, đối với bối cảnh kỷ nguyên số, với các cải cách, đổi mới về công nghệ trong ngành tài chính phát triển mạnh mẽ, những quy định truyền thống về định danh khách hàng đã không còn phù hợp.

Trong thời đại công nghệ số, ưu tiên hàng đầu của khách hàng khi lựa chọn sản phẩm, dịch vụ là tốc độ và sự tiện lợi. Trong khi hiện quy trình định danh để mở tài khoản mới cho khách hàng tại ngân hàng hiện còn khá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Cụ thể, sau khi nộp giấy đề nghị mở tài khoản, khách hàng cá nhân vẫn phải thực hiện định danh trực tiếp tại quầy giao dịch, có thể kéo dài tới vài ngày để sắp xếp thời gian. “Nhiều ngân hàng mất khách hàng tiềm năng trong chính khoảng thời gian chờ đợi này”, lãnh đạo TPBank cho hay. Đó là chưa kể với mỗi tài khoản mở mới tại các ngân hàng, khách hàng phải thực hiện lại thủ tục định danh từ đầu.

Để bắt kịp xu hướng số hoá của xã hội, cũng như tận dụng hiệu quả những công nghệ mới, theo chuyên gia, các ngân hàng Việt Nam cần nhanh chóng đổi mới, cải tiến phương pháp định danh khách hàng hiện tại. Tuy nhiên, để đạt được mục đích đó, các giải pháp này cần được hợp pháp hoá bởi cơ quan hoạch định chính sách. Theo đó cần nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý cho phép sử dụng công nghệ nhận diện sinh trắc học, chữ ký điện tử, cuộc gọi video trực tuyến để thực hiện định danh khách hàng trên các kênh giao dịch có thể đảm bảo hiệu quả như gặp mặt trực tiếp, thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Đồng thời xem xét khả năng định danh khách hàng thông qua giao dịch đến tài khoản ngân hàng khác của khách hàng; cho phép các ngân hàng chia sẻ thông tin nhận dạng của khách hàng với sự cho phép của khách hàng đó, thông qua công nghệ chuỗi khối hoặc kết nối cơ sở dữ liệu...

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến