Dòng sự kiện:
Từ kế hoạch hành động đến những kỳ vọng lớn
18/01/2019 21:01:12
Hoạt động ngân hàng tiếp tục được kỳ vọng là một trong những điểm sáng lớn nhất góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Giữ chặt các chốt chặn

Ngay sau tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2019, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8/1/2019 về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2019.

Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo một số ngân hàng nhấn mạnh, Chỉ thị 01 được đánh giá có ý nghĩa quan trọng và coi là kim chỉ nam cho hoạt động của toàn hệ thống trong năm. Trên thực tế, kết quả hoạt động kinh doanh tích cực của các ngân hàng đều nhờ bám sát chỉ đạo một cách toàn diện tại Chỉ thị 01 của NHNN ngay từ đầu năm giúp ngân hàng chủ động trong xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, đảm bảo hoạt động an toàn hiệu quả.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chỉ thị 01 chính là một chương trình hành động tổng thể bao quát gần như tất cả các lĩnh vực trong ngành Ngân hàng cần phải giải quyết, nhiều vấn đề cụ thể, chi tiết đã được cơ quan điều hành đặt ra cho từng đơn vị liên quan.

Vietcombank đã đáp ứng đầy đủ chuẩn Basel II

Trong các mục tiêu tổng quát mà NHNN đặt ra tại Chỉ thị 01 đáng chú ý có hai chỉ tiêu định hướng được đánh giá “giữ” vị trí then chốt giúp NHNN đạt thành công trong những năm gần đây. Đó là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Năm 2019, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Chỉ tiêu đáng chú ý nữa là tiếp tục triển khai tích cực Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, trong đó, tập trung xử lý hiệu quả các TCTD yếu kém.

Đặc biệt, cơ quan điều hành lượng hóa con số nợ xấu mà các TCTD phải phấn đấu trong năm 2019 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu khác) dưới 5%.

Những chỉ tiêu trên được giới chuyên môn đánh giá mức độ hoàn thành là khá khả thi với phương thức điều hành như hiện nay của NHNN. Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, lạm phát năm 2019 dù áp lực vẫn còn nhưng không cao như năm trước. Nếu chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục phối hợp nhuần nhuyễn với chính sách giá, tài khóa thì mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% hoàn toàn khả thi.

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 chỉ ở mức 14% - cũng là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây nhưng nhận được sự đồng thuận cao. Đối với chỉ tiêu này, TS. Cấn Văn Lực còn đề xuất, NHNN cần phải nhất quán việc tăng trưởng tín dụng ở mức 14% không điều chỉnh chính sách này một cách dễ dàng.

“Năm 2018, tăng trưởng tín dụng ở mức 14% nhưng GDP vẫn đạt 7,08% chứng tỏ tăng trưởng kinh tế ngày càng bớt phụ thuộc hơn vào tín dụng. Một phần có thể do hiệu quả tín dụng đã được tăng lên và có một số dòng vốn khác đã hỗ trợ nền kinh tế như vốn tự có kinh tế tư nhân…”, TS. Cấn Văn Lực bổ sung thêm nhận định.

TS. Nguyễn Trí Hiếu tán đồng mục tiêu kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng ở mức 14% với lý do môi trường kinh doanh năm 2019 rủi ro hơn năm 2018. “Tuy chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đã được khơi mào từ năm 2018, nhưng mới chỉ là bước thăm dò. Có thể năm 2019, những biến động lớn mới xảy ra. Chưa kể tình hình địa chính trị, quân sự trên thế giới đang diễn ra phức tạp. Đặc biệt, Việt Nam chính thức tham gia vào CPTPP vừa là cơ hội nhưng cũng tạo thách thức sức ép cạnh tranh tương đối lớn với các DN Việt Nam. Với môi trường kinh doanh rủi ro hơn, chủ trương thắt chặt tín dụng, đặc biệt là lĩnh vực rủi ro là cần thiết”, TS. Hiếu nhận định. 

Mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về 2%, tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu về mức 5% được đánh giá là khá áp lực đối với các ngân hàng. Nhưng chỉ tiêu này vẫn có thể khả thi khi các vướng mắc tại Nghị quyết 42 sớm được tháo gỡ. Bên cạnh đó, cần sớm tăng vốn điều lệ cho VAMC để cơ quan này có thêm nguồn lực mua bán nợ đặc biệt là mua bán nợ xấu theo giá thị trường là giải pháp mà giới chuyên môn khuyến nghị để hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra. Tại Chỉ thị 01, vấn đề tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các TCTD được NHNN đặt ra. Nhưng để hạn chế tối đa những vi phạm xảy ra, đảm bảo hoạt động NH an toàn hơn, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh vai trò thanh gia giám sát cần phải nâng cao hơn, đa dạng phương pháp thanh tra. Đơn cử, sớm triển khai thanh tra giám sát theo chuẩn CAMELS kiểm soát toàn diện hơn rủi ro có thể phát sinh là giám sát tuân thủ như hiện nay. Đây là mô hình nhiều NHTW trên thế giới đang áp dụng.

Gần hơn với thông lệ quốc tế

Năm 2018 là một năm đáng nhớ đối với hệ thống ngân hàng khi 3 ngân hàng đầu tiên Vietcombank, VIB, OCB đã thực hiện chuẩn mực an toàn vốn Basel II theo quy định Thông tư 41/2016/TT-NHNN trước thời hạn. Sự kiện này đánh dấu nỗ lực của 3 ngân hàng nói riêng và toàn Ngành nói chung trong thời gian qua và là cột mốc ghi nhận bước phát triển quan trọng đưa hệ thống ngân hàng gần hơn với chuẩn mực quốc tế. Những ngân hàng trên cũng đã được cơ quan quản lý tặng “phần thưởng” cho nỗ lực của mình như cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn những ngân hàng khác…

Dường như mong muốn phần thưởng trên được tới tay nhiều ngân hàng hơn, tại Chỉ thị 01, một lần nữa, NHNN yêu cầu các TCTD phải sớm hoàn thiện từng bước triển khai hệ thống quản trị rủi ro theo lộ trình Basel II tại Việt Nam. “Các TCTD phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể để đảm bảo thực hiện đúng thời hạn Thông tư số 41 từ ngày 1/1/2020. Song song với đó, tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ và tuân thủ quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ”, Thống đốc NHNN giao nhiệm vụ cho các TCTD tại Chỉ thị 01.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một số ngân hàng, hiện tại các ngân hàng đều đang rất nỗ lực từ việc thu thập các dữ liệu hệ thống, đến tăng vốn… để có thể áp dụng đầy đủ các quy định tại Thông tư 41 một cách sớm nhất có thể. Nhìn từ thực tế hiện trạng sức khỏe của các ngân hàng, giới chuyên môn nhận định, khó có thể tất cả các ngân hàng hoàn thành mục tiêu áp dụng đầy đủ Thông tư 41 đúng hạn. Với quy định chặt chẽ đối với các loại rủi ro nhất là rủi ro tín dụng sẽ rất khó khăn đối với nhiều ngân hàng để có thể đáp ứng được.

Là ngân hàng mới nhất vừa được NHNN cấp chứng nhận hoàn thành quy định tại Thông tư 41 trước thời hạn, theo kinh nghiệm của Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng, những ngân hàng có thể sớm tuân thủ Basel II phải có hiện trạng kinh doanh, khả năng sinh lời tốt, danh mục tương đối an toàn. Ngoài ra, sự quyết tâm của HĐQT, ủng hộ của các cổ đông và đội ngũ nhân lực cao là yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng có thể về đích Basel II theo đúng lộ trình đặt ra. Với những yêu cầu cụ thể cùng cơ chế ưu ái cơ quan quản lý đã dành “tặng” cho các TCTD hoàn thành Thông tư 41, theo đánh giá của giới chuyên môn là động lực khuyến khích các ngân hàng phấn đấu về đích Basel II đúng hạn.

Ông Nirukt Sapru - Chủ tịch Nhóm Công tác ngân hàng kiêm Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc triển khai Basel II sẽ tiếp tục cải thiện các tiêu chuẩn quản trị trên thị trường và là một mắt xích có thể đóng góp và hỗ trợ tốt nhất cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2019. Trong quy trình này, các NH nên được chỉ định xếp hạng và hạn mức tăng trưởng tín dụng dựa trên vốn, tỷ lệ thanh khoản và chiến lược của họ.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao NHNN đã sớm ban hành Chỉ thị 01, 02 triển khai nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong năm 2018 trên tinh thần bám sát chỉ đạo của Chính phủ. Với kế hoạch hành động sớm của ngành Ngân hàng trong năm thông qua Chỉ thị 01, giới chuyên môn kỳ vọng NHNN tiếp tục có một năm điều hành trôi chảy hoạt động ngân hàng và đạt được kết quả tích cực đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, là một trong những điểm sáng lớn nhất của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến