Dòng sự kiện:
Từ nhiệm khỏi ngân hàng hay doanh nghiệp?
23/11/2017 11:48:57
Luật mới quy định, nhiều doanh nhân tên tuổi ngành ngân hàng sẽ không được làm chủ tịch nhà băng kiêm doanh nghiệp.

Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua chiều 20/11. Theo đó, nhiều điều khoản, quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo sẽ có hiệu lực từ 15/1/2018. 

Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của một tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Bên cạnh đó, các vị trí khác trong ban điều hành của ngân hàng như Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc cũng không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị hay Ban kiểm soát của ngân hàng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của ngân hàng. Bản thân Phó tổng giám đốc mỗi ngân hàng cũng không được làm Tổng giám đốc hay Phó giám đốc ở bất cứ doanh nghiệp nào khác.

Thị trường tài chính hiện nay đang có rất nhiều người nắm giữa chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty khác. Với quy định mới, nhiều lãnh đạo ngân hàng sẽ phải lựa chọn từ nhiệm khỏi ngân hàng hoặc doanh nghiệp cho mình đứng đầu Điểm danh qua có tể thấy một vài nhân vật như:  Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh là Chủ tịch HĐQT của CTCP Him Lam; Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú là Chủ tịch HĐQT của Doji Group; Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh là Phó Chủ tịch HĐQT của Masan Group;Chủ tịch VIBank Đặng Khắc Vỹ là Chủ tịch Công ty Mareven Food Holdings; Chủ tịch Kiên Long Bank Võ Quốc Thắng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Đồng Tâm Group; Chủ tịch ABBank Vũ Văn Tiền là Chủ tịch Geleximco,...

Nhiều sếp ngân hàng không còn được làm chủ công ty sân sau

Ví như ông Đỗ Quang Hiển (hay được biết đến với tên gọi "bầu" Hiển  ông Đỗ Quang Hiển là Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng SHB nhưng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị ở nhiều công ty như:  Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm SHB-Vinacomin, Công ty Cổ phần Khai thác Chế biến khoáng sản T&T Hà Giang, Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp SHB…  Không những thế ông còn được biết đến với vai trò là ông bầu của đội bóng SHB Đà Nẵng.

Gần đây, tên tuổi doanh nhân này được dư luận chú ý với hàng loạt thương vụ thâu tóm những DNNN được cổ phần hoá, thoái vốn với tiến độ nhanh gọn khiến giới đầu tư cũng phải ngả mũ. Cụ thể, T&T Group của Bầu Hiển đã và đang thực hiện hàng loạt thương vụ thâu tóm DNNN lớn như Bệnh viện Giao thông Vận tải (nắm 51,43% vốn điều lệ), Bia Việt Hà, Cảng Quảng Ninh, Vegetexco, Vigecam, tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor)…

Đáng chú ý là loạt doanh nghiệp nhà nước được Bầu Hiển mua cổ phần đều sở hữu những quỹ đất vàng tại cả Hà Nội và TP.HCM khiến dư luận đồn đoán phải chăng doanh nhân này đang vung tay thâu tóm doanh nghiệp với mục đích chính là đất?

Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, có ý kiến cho rằng quy định của Luật là quá chặt, sẽ tác động lớn đến thực trạng vừa quản lý, điều hành tổ chức tín dụng và doanh nghiệp khác hiện nay.

Tuy nhiên với quy định hiện hành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng đồng thời được đảm nhiệm người quản lý của doanh nghiệp khác. Thực tế này đã phát sinh những hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến hoạt động ngân hàng và an toàn hệ thống. Quy định của Luật nhằm thực hiện yêu cầu công khai, minh bạch, phòng chống rủi ro cho cả hoạt động tín dụng và sản xuất, báo cáo của Ủy ban Kinh tế viết.

Cũng theo báo cáo giải trình, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, việc bầu, bổ nhiệm, bổ sung thay thế Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng thực hiện theo Luật này và Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.

Điều này đồng nghĩa với việc có thời gian chuyển tiếp, theo đó các chức danh này vẫn được đảm nhiệm người quản lý của doanh nghiệp khác (nếu có) cho đến khi hết nhiệm kỳ hiện nay, không gây xáo trộn hoạt động của tổ chức tín dụng.

Nói về vấn đề này, luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng công ý cho rằng: Quy định mới của luât tổ chức tín dụng sẽ góp phần làm giảm tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng.

 

Luật sư Kiên phân tích thêm, khi một lãnh đạo TCTD không được kiêm nhiệm hai chức danh tương đương tại Ngân hàng và doanh nghiệp thì sẽ khó xảy ra tình trạng "bắt tay" gữa các ngân hàng cùng một ông chủ gây lũng loạn thị trường tài chính. Quy định này là bước tiến mới nhằm thắt chặt hơn vấn đề sở hữu chéo và đảm bảo hoạt động an toàn của toàn hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

Hoàng Dung

 


 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến