Dòng sự kiện:
Tundra Việt Nam Fund giảm tỷ trọng cổ phiếu, tăng nắm giữ tiền mặt trong tháng 3
08/04/2019 07:00:49
Trong tháng 1/2019, tỷ trọng tiền mặt của Tundra là 2%, nhưng đã tăng lên 4% trỏng tháng 2 và đến cuối tháng 3 tỷ trọng tiền mặt của quỹ là 9%.

Theo báo cáo hoạt động của Tundra Vietnam Fund, trong tháng 3/2019, tăng trưởng NAV/share của quỹ đạt 1,6% (tính theo USD), nhỉnh hơn so với mức giảm 0,1% của Benchmark.

Tại thời điểm cuối quý 1/2019, tổng tài sản Tundra đạt 94 triệu USD, trong đó tỷ trọng cổ phiếu chiếm 91% và tiền mặt là 9%. Đáng chú ý, tỷ trọng tiền mặt của Tundra đang có xu hướng tăng lên trong những tháng gần đây. Trong tháng 1/2019, tỷ trọng tiền mặt của Tundra là 2%, nhưng đã tăng lên 4% tỏng tháng 2 và đến cuối tháng 3 tỷ trọng tiền mặt của quỹ là 9%.

Về cơ cấu danh mục cổ phiếu, FPT đang là cái tên chiếm tỷ trọng lớn nhất với 9,5%, xếp tiếp theo lần lượt là MSN (7%), VRE (6,2%), DXG (5,6%), VCB (4,9%)…

Theo Tundra, việc hiệu quả danh mục quỹ tốt hơn Benchmark trong tháng 3 có sự đóng góp không nhỏ từ các cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng (TNG, PAC, PNJ), vật liệu (HSG, BCC) và tài chính (VCB). Thêm vào đó, việc đặt cược vào các cổ phiếu bên ngoài Benchmark như KDF, FPT và CTG cũng đóng góp kết quả tích cực.

Trong khi đó, việc nắm giữ tỷ trọng không quá lớn với ngành bất động sản (chủ yếu VIC, VHM) đã tác động không tốt tới kết quả của quỹ. Một cổ phiếu nằm ngoài Benchmark là DXG cũng có kết quả không tích cực sau thông tin phát hành 25% cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Cũng trong tháng 3, Tundra đã bán ra một vài cổ phiếu bất động sản có thanh khoản thấp.

Các con số vĩ mô đã vẽ lên bức tranh tích cực

Đánh giá về xu hướng thị trường, Tundra cho biết TTCK Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong nửa đầu tháng 3. Tuy nhiên, những lo ngại về rủi ro bên ngoài đã xuất hiện trong nửa sau do các vấn đề liên quan đến đường cong lãi suất đảo ngược tại Mỹ làm tăng rủi ro suy thoái. Nhà đầu tư trong nước phản ứng thái quá với các yếu tố bên ngoài, trong khi khối ngoại nắm lấy cơ hội để tăng vị thế tại Việt Nam. Trong tháng 3, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 60 triệu USD và thanh khoản thị trường khá ổn với giá trị bình quân 240 triệu USD/ngày.

Trong tháng, các con số vĩ mô đã vẽ lên bức tranh tích cực với tăng trưởng GDP quý 1/2019 đạt 6,79%, cao hơn dự báo ban đầu ở mức 6,58%. Hầu hết các lĩnh vực đều tăng trưởng tốt trong quý 1, ngoại trừ khai khoáng với mức giảm 2,2%. CPI tháng 3 giảm 0,21% so với tháng trước. Chính phủ tăng giá điện thêm 8,3% sau khi trì hoãn hơn 2 năm, điều này có thể khiến CPI tăng thêm 0,3% trong những tháng tới.

Tổng vốn FDI cam kết trong quý 1/2019 tăng lên 10,8 tỷ USD (tăng 86,2% so với cùng kỳ), trong đó giải ngân 4,12 tỷ USD (tăng 6,2% so với cùng kỳ).

Về hoạt động thương mại, Việt Nam đã xuất khẩu 58,81 tỷ USD hàng hóa và nhập khẩu 57,98 tỷ USD trong quý 1/2019, tương đương với thặng dư thương mại 536 triệu USD. Chỉ số PMI tháng 3 tăng nhẹ lên 51,9 từ 51,2 vào tháng 2 và duy trì vùng tích cực (>50) trong 40 tháng liên tiếp, báo hiệu sự mở rộng liên tục của lĩnh vực sản xuất.

Theo Trí thức trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến