Dòng sự kiện:
Ứng xử ra sao khi bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em?
25/07/2017 18:18:18
Nhiều người vô tình trở thành nạn nhân bị hành hung do bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em. Nếu rơi vào trường hợp trên, chúng ta nên ứng xử như thế nào để bảo vệ bản thân trước sự quá khích của đám đông?

Trao đổi với PV An ninh tiền tệ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất đưa quan điểm, thời gian gần đây truyền thông đại chúng đăng tải nhiều thông tin liên quan tới việc bắt cóc trẻ em. Đặc biệt ở Quảng Bình xảy ra vụ việc bé trai bị bắt cóc và hãm hại khiến cho tâm lý của cộng đồng lúc nào cũng bất an, nhất là đối với những gia đình có con nhỏ.

Đó chính là một trong những lý do khiến cho tình trạng bị đánh oan do nghi ngờ bắt cóc trẻ em thường xuyên xảy ra suốt thời gian qua.

Người dân Sóc Sơn vây đánh người phụ nữ bị tình nghi bắt cóc trẻ em

Đề cập đến câu chuyện 2 người phụ nữ ở Sóc Sơn bị đánh bầm dập vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em, chuyên gia Nguyễn An Chất cho hay, sự việc xảy ra như một phản ứng tất yếu trong thời điểm này. Nhưng suy cho cùng, việc người dân bị kích động, dẫn đến những hành vi quá khích gây thương tích cho người tình nghi là sai. 

Khi tâm lý đám đông đang phẫn nộ bức xúc; sẵn sàng dùng bạo lực để giải toả, ông Chất cũng đã đưa ra một số giải pháp cần thiết để “cứu nguy” cho người bị tình nghi. 

“Không nên la hét, phản đối, hay cố gắng dùng bạo lực để chống trả. Người bị tình nghi nên cố gắng thuyết phục một trong số những người ở đám đông đang phấn khích và cầu cứu người đó. Hãy giải trình cho họ tin tưởng, ngừng lại việc đánh đập”, vị chuyên gia nói.

Ông cũng khuyên người bị nghi oan nên cố gắng tìm cách liên hệ sớm nhất với đại diện địa phương hoặc cơ quan công an để được can thiệp, bảo vệ kịp thời. Cơ quan chính quyền sẽ đưa ra những nhận định, chứng minh người bị nghi oan có trong sạch hay không. 

Những trận đánh oan vì bị tình nghi bắt cóc trẻ em cũng cho thấy rằng, lòng tin giữa con người với con người đang dần bị giảm đi trong xã hội có đầy những sự xấu xa; còn sự hoài nghi, quá khích trong cộng đồng tăng lên cao độ ở mức khó kiểm soát. 

Ngày 22/7, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip về vụ việc 2 người phụ nữ bán tăm bị hàng chục người dân ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, vây đánh vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em. Lực lượng chức năng sau đó xác định, 2 phụ nữ này là thành viên của HTX Tình thương huyện Mỹ Đức đến thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn bán tăm gây quỹ tình thương, không phải là những đối tượng bắt cóc.

Tại Hải Dương, hôm 20/7 vừa qua cũng xảy ra vụ việc anh Trịnh Mạnh Hải (SN 1980), trú tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai - Giám đốc kinh doanh của Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi DANREDS bị người dân thôn Đồng Hởi, xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà bắt giữ, đánh đập và đốt xe ô tô vì nghi thôi miên, bắt cóc trẻ em sau khi anh Hải vào nhà dân hỏi mua đồ gỗ.

Trước đó, tại Quảng Bình xảy ra 2 vụ đánh nhầm người do tình nghi bắt cóc trẻ em. Ngày 5/7, người dân tổ dân phố 8, phường Quảng Phong, TX Ba Đồn đã bắt và đánh hội đồng 2 người đi làm nghề phun thuốc diệt muỗi.

Ngày 15/7, người dân thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, TX Ba Đồn lại vây đánh một thành niên cũng được nghi là bắt cóc trẻ em.

Phong Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến