Dòng sự kiện:
Vẻ 'trầm tư' của ga Hà Nội trước đề xuất di dời khỏi nội đô
15/08/2017 19:02:35
Trước những ồn ào tranh cãi về đề xuất di dời ga Hà Nội ra khỏi nội đô, hoạt động tại ga Hà Nội vẫn diễn ra bình thường nhưng có vẻ trầm lắng hơn.

Ga Hà Nội trước đây có tên gọi là ga Hàng Cỏ, do Pháp xây dựng và khánh thành năm 1902. Năm 1975 khi đất nước thống nhất, ga Hàng Cỏ được xây dựng lại từ đống đổ nát và đổi tên thành ga Hà Nội, trở thành ga vận chuyển hành khách lớn nhất cả nước.

Ga Hà Nội không chỉ là cửa ngõ trung tâm cho sự phát triển về mặt kinh tế - văn hóa - xã hội mà còn là biểu tượng gắn bó với con người Thủ đô hơn 100 năm nay. Mỗi ngày, ga Hà Nội vận chuyển hàng ngàn lượt hành khách, với hành chục đoàn tàu (cả hàng hóa) vào Nam, ra Bắc.

Ngày 9/8, trong một hội nghị về an toàn giao thông, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, với khoảng 10km đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm với rất nhiều đường ngang giao cắt, đường sắt chạy qua nội đô là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng xung đột giao thông dẫn đến tắc đường và tai nạn.

Thiếu tướng Phạm Xuân Bình đã đưa ra đề xuất là di dời ga Hà Nội và hệ thống đường sắt ra khỏi nội đô nhằm giảm tải cho giao thông trong nội thành. Đề xuất này đã gặp phải rất nhiều ý kiến trái chiều.

Khi nghe thông tin này, nhiều người dân sống xung quanh ga Hà Nội rất ngỡ ngàng bởi với họ những con tàu, đường sắt, nhà ga đặc biệt là tiếng còi tàu đã trở thành một phần cuộc sống.

Bà L.K.T bán bún ốc trên đường Lê Duẩn vừa xua tay vừa lắc đầu: "Không, không được. Di dời ga Hà Nội là không được. Ngày trước có lần cũng đề xuất chuyển ga Hà Nội ra ngoại thành, người dân đã phản đối rồi mà". Rồi bà kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ngày trẻ đi buôn, những ngày ế ẩm chẳng có xu nào trong túi phải trốn vé tàu để về nhà.

Công tác phục vụ tại ga Hà Nội được hành khách đánh giá là ngày càng chu đáo, tận tình hơn.

Phòng đợi tàu cũng được nâng cấp, sửa sang như lắp thêm hệ thống thang máy, máy bán hàng tự động... để phục vụ khách hàng.

 

Anh L.X.P (Thanh Xuân, Hà Nội) đi du lịch Cửa Lò (Nghệ An) cho biết: "Nếu chuyển ga Hà Nội ra ngoại thành thì đi lại rất vất vả, hành lý lỉnh kỉnh".

 

Chị V.T.H (Ba Đình, Hà Nội) về thăm quê ở TP Hồ Chí Minh chị lựa chọn đi tàu một phần là thói quen, một phần là ga tàu gần nhà trọ. Bởi với chị, ra sân bay Tân Sơn Nhất thì xa quá.

Còn chị V.T.L, nhân viên vệ sinh trong ga Hà Nội chia sẻ: "Chị đã làm việc ở ga Hà Nội 15 năm rồi. Chị có nghe con gái nói về việc đề xuất di dời ga Hà Nội ra Thường Tín. Chị nghĩ ga tàu trong nội thành sẽ thuận tiện cho khách đi lại".

 

Cầu thang đi bộ có mái che chạy cắt ngang 9 đường ke ga cho khách xuống tàu.

 

Ga Hà Nội "trầm tư" trước đề xuất di dời ra ngoại thành.

 

Chú Đ.M.K một nhân viên đường sắt chia sẻ: "Việc di dời ga Hà Nội phải được tính toán kỹ lưỡng chứ không thể ngày một ngày hai được. Thêm vào đó kinh phí rất lớn vừa xây dựng ga mới, vừa bảo tồn ga cũ. Chú làm việc ở đây cũng hơn 20 năm rồi. Bây giờ vắng tiếng còi tàu cũng thấy nhớ. 20 năm gắn bó chú đã chứng kiến những đổi thay của ga Hà Nội như nâng nền ga chính cao bằng mép tàu, cải tạo hệ thống nhà ga, nhà chờ, hệ thống đặt vé tự động, xây dựng cầu vượt cho người thân khách hàng đi lại đỡ vất vả..."

Mạnh Long - Dương Nga

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến