Dòng sự kiện:
Vì đâu BIDV và Vietinbank đồng loạt tăng lãi suất huy động tiền gửi?
22/11/2017 18:07:08
Tại ngày 30/09/2017, BIDV hay Vietinbank có số dư tiền gửi khách hàng thấp hơn số dư cho vay khách hàng.

BIDV và Vietinbank đang được hưởng lợi mạnh mẽ từ việc quản lý tiền gửi của Kho bạc Nhà nước. Sự sụt giảm tiền gửi của Kho bạc Nhà nước sẽ tác động đến thanh khoản của BIDV và Vietinbank. 

Ảnh minh họa.

Theo biểu lãi suất mới nhất của Ngân hàng BIDV (mã BID), các khoản tiền gửi VNĐ kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng sẽ được áp dùng mức lãi suất 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Lãi suất áp dụng tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2%/năm – tương đương với kỳ hạn 6 tháng trước đây. Các khoản tiền gửi kỳ hạn 364 ngày trở lên ngân hàng BIDV áp dụng mức lãi suất cào bằng 6,9%/năm.

Ngân hàng VietinBank (mã CTG) cũng đã tăng lãi suất tiền gửi VNĐ. Với các kỳ hạn dưới 6 tháng Vietinbank giữ nguyên lãi suất nhưng lãi suất áp cho tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 9 tháng đã tăng từ mức 5,5- 5,7% lên 5,8%/năm; lãi suất áp cho tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,8%/năm.

Ngược lại với tình hình của Vietinbank và BIDV, cũng là ngân hàng TMCP Nhà nước, Vietcombank lại cắt giảm lãi suất huy động. Vì đâu BIDV và Vietinbank phải tăng lãi suất huy động tiền gửi VND, khi mà trước đó cả 2 ngân hàng này đều đã tung ra các sản phẩm huy động tiền gửi kèm khuyến mãi?

Huy động tiền gửi đáp ứng như cầu tín dụng mùa cuối năm

Năm 2017, Ngân hàng BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng huy động tiền gửi trên thị trường một là 16,5%; tăng trưởng tín dụng 16%; Ngân hàng Vietinbank đặt kế hoạch tăng trưởng huy động 15%, tăng trưởng tín dụng 16%.

9 tháng đầu năm, Vietinbank và BIDV đã đi được 71,2% và 81% kế hoạch huy động vốn cả năm. Tuy nhiên, đối với Vietinbank, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2017 đi nhanh hơn tăng trưởng huy động, đến cuối tháng 9/2017, tăng trưởng tín dụng đã hoàn thành 75,7% kế hoạch cả năm.

Trong khi đó, BIDV mặc dù tăng trưởng tín dụng chỉ mới hoàn thành 72,8% kế hoạch tín dụng cả năm (chưa điều chỉnh theo mục tiêu chung tăng trưởng 21%), nhưng BIDV đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho từng nhóm đối tượng khách hàng, như gói ưu đãi 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vì vậy, việc các ngân hàng tăng hút tiền gửi khu vực dân cư bằng lãi suất là điều dễ hiểu, nhằm đảm bảo nguồn vốn cho vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm.

Dự phòng cho trường hợp tiền gửi của Kho bạc Nhà nước sụt giảm

Tại ngày 30/09/2017, BIDV hay Vietinbank đều có số dư tiền gửi khách hàng thấp hơn số dư cho vay khách hàng.

Thuyết minh báo cáo tài chính của 2 ngân hàng cho thấy, cả BIDV và Vietinbank đều đang được hưởng lợi mạnh mẽ từ việc quản lý tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Tại ngày 30/09/2017, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại BIDV là 41.282,7 tỷ đồng; Vietinbank là 26.431 tỷ đồng. Trong khi đó, vào thời điểm cuối năm 2016, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại BIDV là 28,847 tỷ đồng; tại Vietinbank là 190 triệu đồng.

Với lịch sử như vậy, giới tài chính dự báo, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước ở BIDV và Vietinbank sẽ sụt giảm trong những tháng cuối năm 2017 khi Chính phủ thực hiện thanh quyết toán vốn/nợ. 

Vì vậy, Vietinbank và BIDV sẽ phải đẩy mạnh huy động vốn trên thị trường một, dự phòng cho trường hợp nói trên cũng như giảm vay Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khác. Công cụ lãi suất sẽ được sử dụng nhất là khi lãi suất huy động ở các ngân hàng này vẫn thấp so với nhiều ngân hàng khác trên thị trường.

 Theo BizLIVE

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến