Dòng sự kiện:
Vĩ mô tháng 5: biến động mạnh ở tỷ giá
07/06/2019 17:23:17
Trong tuần trước, Tổng cục Thống kê đã công bố những chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản của tháng 5. Theo đó, bức tranh chung cho thấy đà cải thiện nhẹ trong tháng vừa qua tại lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu...

Lũy kế năm tháng đầu năm, bán lẻ tăng 13,2% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2018.

Công nghiệp cải thiện, bán lẻ tăng tốt

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,6% trong tháng 5 và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Tính lũy kế năm tháng đầu năm, chỉ số này tăng 9,4%, mức tăng cao nhất kể từ đầu năm 2019 đến nay.

Trong chỉ số sản xuất công nghiệp, các nhóm ngành có mức tăng lũy kế cải thiện nhẹ trong tháng 5 là: điện tử, máy vi tính, quang học (tăng 3,1%); sản xuất và phân phối điện (tăng 10,3%); sản xuất thiết bị điện (tăng 10,2%)... Đáng chú ý, chỉ số sản xuất tại nhóm ngành điện tử, máy vi tính và quang học cải thiện đi kèm với sự bật tăng về kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này (13,2%).

Cầu tiêu dùng trong nước cũng đang là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế vĩ mô hiện tại của Việt Nam. Doanh số bán lẻ trong tháng 5-2019 tăng 1,94% so với tháng 4.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), những khó khăn của Huawei hiện tại do xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang (chưa biết bao giờ mới có thể dừng lại mà Huawei đang là mục tiêu trọng điểm của Mỹ) sẽ tạo thuận lợi cho Samsung, qua đó giúp xuất khẩu nhóm hàng điện thoại di động của Việt Nam gia tăng trong thời gian tới (ước tính có hơn 30% điện thoại của Samsung được sản xuất ở Việt Nam).

Ở chiều ngược lại, sản xuất tại các nhóm ngành có mức tăng lũy kế chậm lại trong tháng 5 là trang phục (8,3%); sản xuất xe có động cơ (14,7%); sản xuất giường tủ bàn ghế (10%)...

Cầu tiêu dùng trong nước cũng đang là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế vĩ mô hiện tại của Việt Nam. Doanh số bán lẻ trong tháng 5-2019 tăng 1,94% so với tháng 4. Lũy kế năm tháng đầu năm, bán lẻ tăng 13,2% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3-2018, cho thấy cầu tiêu dùng trong nước đang tăng trưởng khá tốt, giúp bù đắp một phần cho sự tăng trưởng chậm lại của xuất khẩu.

Đối với hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau khi đạt đỉnh trong tháng 2-2019, tốc độ tăng của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới đã chậm lại đáng kể trong ba tháng gần đây nhưng vẫn ở mức cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ hai năm gần nhất là 2018 và 2017.

Lũy kế năm tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký tăng 27%; vốn FDI thực hiện tăng 8% so với cùng kỳ. Trung Quốc là nhà đầu tư có vốn đăng ký mới lớn nhất với 1,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm 24%.

Trong số bảy dự án có vốn đầu tư lớn trên 200 triệu đô la Mỹ, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hồng Kông chiếm đến năm dự án, bao gồm: dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỉ đô la Mỹ tại Hà Nội; dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu đô la tại Tây Ninh; dự án nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu đô la, do Goertek (Hồng Kông) Co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh; dự án Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu đô la do Guizhou Advance Type Investment Co., Ltd (Trung Quốc) đầu tư tại Tiền Giang; dự án Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Hồng Kông) tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu đô la.

Những số liệu trên phần nào minh chứng cho nhận định: Việt Nam đang hưởng lợi khá rõ từ xu hướng dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc để tránh xung đột thương mại Mỹ - Trung.

Xuất khẩu dần hồi phục

Về hoạt động ngoại thương, xuất khẩu và nhập khẩu tăng khá tốt trong tháng 5 (lần lượt tăng 8% và 10% so với tháng trước), giúp mức tăng lũy kế dần cải thiện. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2018 thì tốc độ tăng lũy kế của xuất khẩu hiện vẫn thấp hơn nhiều (6,7% so với 15,8%).

Về cơ cấu, xuất khẩu, nhóm hàng điện tử, điện thoại di động đang trong xu hướng hồi phục nhẹ (tăng 13,2%) từ mức đáy vào tháng 1-2019. Xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như xung đột thương mại Mỹ - Trung như gỗ, dệt may, da giày, túi xách vẫn đang duy trì tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy vậy, xuất khẩu các nhóm hàng nông sản chính như thủy sản, gạo, sắn, cà phê... vẫn chưa có nhiều cải thiện trong tháng 5, ngoại trừ nhóm hàng rau củ đang hồi phục khá tốt trong hai tháng gần đây (tăng 8,3%).

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu có mức tăng cao gần gấp đôi xuất khẩu, trong đó một số mặt hàng có tốc độ tăng cao là: điện tử, máy tính, linh kiện (tăng 17,3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (tăng 15%, thể hiện nhu cầu đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp cao). Lũy kế năm tháng đầu năm, cán cân hàng hóa ước tính nhập siêu 1,3 tỉ đô la Mỹ (cùng kỳ năm 2018 xuất siêu 2,6 tỉ đô la).

Trên thị trường ngoại hối, xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang trở lại từ giữa tháng 5 đã khiến tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng biến động mạnh. So với cuối năm 2018, tiền đồng hiện đã giảm giá khoảng 0,8% so với đô la Mỹ. Trên thị trường thế giới, chỉ số đô la Mỹ có xu hướng tăng trong một tháng trở lại đây. So với cuối năm 2018, đô la Mỹ hiện đã tăng 1,9%.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, đô la Mỹ có thể duy trì xu hướng tăng nhẹ từ giờ cho tới cuối năm, đặc biệt có khả năng tăng mạnh nếu đàm phán thương mại Mỹ - Trung không đạt được thỏa thuận từ giờ tới cuối tháng 6 khi nhà đầu tư toàn cầu tìm đến các tài sản an toàn. Sau khi tăng giá tốt trong bốn tháng đầu năm, nhiều đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á đã yếu đi đáng kể, quay trở về trạng thái mất giá so với đô la Mỹ sau năm tháng đầu năm, trong đó mất giá mạnh nhất là đồng won của Hàn Quốc (-6,7%).

Những biến động khó lường trên thị trường tiền tệ thế giới, đặc biệt là đô la Mỹ và nhân dân tệ (hai đồng tiền của hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam) đang đặt ra nhiều thách thức hơn cho Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành tỷ giá từ giờ cho tới cuối năm. Tuy nhiên, với nhiều công cụ sẵn có và cán cân thanh toán tổng thể vẫn đang có mức thặng dư lớn, tỷ giá dù có biến động lớn hơn nhưng nhiều khả năng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của nhà điều hành.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến