Dòng sự kiện:
Vì sao chứng khoán Mỹ bị bán tháo?
07/02/2018 13:16:08
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua ngày thứ Hai đen tối khi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm với số điểm kỷ lục 1.175 điểm.

Song, cú hoảng loạn trên thị trường lần này không phải do những tin tức xấu từ nền kinh tế mà xuất phát từ những nguyên nhân khác, bao gồm các lo ngại về khả năng lạm phát tăng nhanh, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1.175 điểm trong ngày 5-2. Ảnh: Whec.com

Cơn hoảng loạn sẽ qua?

Tính từ tháng 1-2017 đến tháng 1-2018, chỉ số Dow Jones đã tăng 26%. Đó là một mức tăng mạnh vì trong lịch sử, chỉ số này chỉ tăng trưởng trung bình 8% mỗi năm và chỉ có khoảng ba lần tăng trên 26% một năm. Đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ lần này kéo dài liên tục mà chưa một lần bị sụt giảm mạnh. Giới đầu tư có thể bắt đầu tạm rút khỏi thị trường và đặt câu hỏi liệu chứng khoán có thực sự đáng ở mức cao như vậy không?

Dù báo chí đang giật các tít báo động về cú hoảng loạn lần này, đây vẫn chưa phải là một đợt điều chỉnh thực sự, tức phải giảm 10% trở lên so với mức đỉnh gần nhất. Chỉ số Dow Jones đạt đỉnh của mọi thời đại vào ngày 26-1 và hiện tại, chỉ số này mới giảm 8,5% so với mức đỉnh đó. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng mới giảm 7% so với mức đỉnh gần nhất.

Ed Yardeni, chuyên gia phân tích chứng khoán kỳ cựu, cho biết đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu từ tháng 3-2009 và trong suốt những năm sau đó, thị trường mới trải qua bốn lần điều chỉnh chính thức nhưng cũng chứng kiến 60 cú giảm điểm gây hoảng loạn. Đây là những thời điểm mà thị trường nhúng xuống và mọi người dự báo điều tồi tệ sẽ xảy ra nhưng cuối cùng thị trường không bước vào đợt điều chỉnh thực sự.

“Bạn không thể rút ra được nhiều điều sau hai ngày điên rồ của thị trường. Tôi tin rằng cơn hoảng loạn này rồi cũng qua đi”, Yardeni nói.

Nền kinh tế Mỹ vẫn đang vận hành tốt và cú nhúng xuống của thị trường không có nghĩa là một cơn suy thoái kinh tế khác sắp diễn ra. Thực tế, nền kinh tế Mỹ đang khởi sắc khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm và số việc làm cũng như đà tăng trưởng kinh tế tăng rất vững chắc. Nhiều tổ chức kinh tế dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng cao hơn trong năm nay. Người tiêu dùng và các công ty Mỹ đều đang mở hầu bao để chi tiêu.

Chứng khoán lao dốc do nền kinh tế quá tốt?

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thị trường chứng khoán không giống như nền kinh tế. Thị trường sụt giảm không phải do các tin tức xấu từ nền kinh tế mà do có lẽ là do có quá nhiều tin tốt.

Erin Gibbs, giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Công ty phân tích thị trường S&P Global Market Intelligence, có trụ sở ở New York, nói: “Đây không phải là một cú sụp đổ của nền kinh tế mà là do nền kinh tế đang vận hành tốt hơn kỳ vọng và chúng ta cần đánh giá lại”.

Đợt bán tháo cổ phiếu bắt đầu vào hôm thứ Sáu tuần trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo số liệu hàng tháng về việc làm và lương bổng của người lao động. Báo cáo này cho thấy trong tháng 1-2018, giới doanh nghiệp Mỹ tuyển dụng thêm 200.000 việc làm. Đây là tháng thứ 88 liên tục, nền kinh tế Mỹ tạo thêm việc làm. Mức thu nhập của người lao động tăng trưởng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng tốt nhất kể từ năm 2009.

Tuy nhiên, giới đầu tư ở Phố Wall nhìn nhận những con số này khác với cách mà nhiều người đánh giá. Họ cho rằng khi các công ty trả lương nhiều hơn cho người lao động, điều này có nghĩa là lợi nhuận dành cho các cổ đông sẽ giảm xuống.

“Thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế”, Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng ở Công ty kiểm toán Grant Thornton, nói.

Giới đầu tư Phố Wall không chỉ hoảng sợ khi mức lương của người lao động tăng mà còn lo ngại về lạm phát. Về cơ bản, lạm phát của Mỹ đang tăng nhẹ khi các chỉ số giá của mọi thứ từ giá thuê nhà, thực phẩm, gas cho đến học phí đại học đều tăng. Lạm phát tăng nhẹ là tin tốt vì nó cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng lành mạnh. Nếu lạm phát tăng mạnh, đây sẽ là điều nguy hiểm vì nó khiến đồng tiền mất giá và nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Năm ngoái, lạm phát của Mỹ được khống chế tốt ở mức chỉ 1,7%. Song số liệu về mức tăng trưởng lương do Bộ Lao động mới công bố khiến giới đầu tư lo sợ nguy cơ lạm phát tăng nhanh trong năm nay khi luật cắt giảm thuế doanh nghiệp có hiệu lực, nhiều công ty bắt đầu trả tiền công cho người lao động cao hơn và giá cả hàng hóa và dịch vụ cũng bắt đầu tăng.

Nói ngắn gọn, Phố Wall đang lo sợ những gì có thể xảy ra trong 10 đến 18 tháng tới, chứ không phải hiện tại.

Lo ngại Fed tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng lo ngại viễn cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản của đồng đô la Mỹ nhanh hơn dự kiến để kiềm chế lạm phát.

Hầu như tất cả các giai đoạn suy thoái lớn trong lịch sử nước Mỹ đều ít nhất có phần do các động thái tăng lãi suất của Fed. Có thể hình dung như thế này: khi nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng, lương bổng và lạm phát sẽ tăng. Lúc đó, Fed sẽ phản ứng bằng cách tăng mạnh lãi suất. Điều này sẽ khiến giới doanh nghiệp và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và nền kinh tế sẽ bắt đầu loạng choạng.

Hiện tại, lãi suất cơ bản của đồng đô la Mỹ vẫn đang ở mực cực kỳ thấp chỉ 1,25-1,5%. Tuy nhiên, Fed đã tỏ ý sẽ tăng lãi suất ba đợt trong năm 2018 nên lãi suất vào cuối năm nay có thể sẽ ở mức 2,25%. Giờ đây, giới đầu tư Phố Wall lo sợ lạm phát có thể tăng nhanh trong năm nay, buộc Fed phải tăng lãi suất lên 2,5% thậm chí 3% trong năm 2018. Các kỳ vọng lãi suất tăng đã khiến lãi suất trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất trong bốn năm vào tuần trước. Nhiều nhà đầu tư đã quyết định thanh lý cổ phiếu để đầu tư vào trái phiếu, khiến đà bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ càng thêm trầm trọng.

Nhà kinh tế trưởng Diane Swonk cho rằng đợt bán tháo lần này cho thấy giới đầu tư muốn kiểm định rằng liệu thị trường đang được định giá ở mức tốt chưa từng có hay không.

Hơn nữa, giới đầu tư cũng bất an trước chủ tịch mới của Fed, ông Jerome H. Powell, người vừa nhậm chức hôm 5-2. Thị trường chứng khoán Mỹ yêu mến chủ tịch Fed tiền nhiệm Janet L. Yellen vì bà duy trì mức lãi suất thấp và tăng lãi suất từ từ. Tuy nhiên, giới đầu tư không rõ ông Powell, người xuất thân từ giới luật sư, sẽ điều hành lãi suất như thế nào.

“Có lẽ thị trường đang gửi đến ông Powell một thông điệp rằng: hãy tăng lãi suất từ từ”, chuyên gia phân tích chứng khoán Yardeni nhận định.

Tóm lại, thị trường chứng khoán Mỹ nhúng sâu xuống có vẻ giống như là một đợt kiểm định xem liệu giá cổ phiếu đang quá cao hay không. Điều này hoàn toàn lành mạnh. Mức giảm 1.175 điểm của chỉ số Dow Jones vào hôm 5-2 là mức giảm mạnh kỷ lục trong một ngày nếu xét về điểm số nhưng nếu xét về tỷ lệ giảm theo %, mức giảm này vẫn chưa lọt vào top 50 mức giảm mạnh nhất của Dow Jones trong lịch sử. Nền kinh tế Mỹ vẫn tốt và dù có những lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng nhưng điều này vẫn chưa xảy ra.

Giới phân tích nhận định trong ngắn hạn, các nhà đầu tư phải sẵn sàng đón nhận những phiên giao dịch biến động mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Do ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán Mỹ, các thị trường châu Á tiếp tục chìm ngập trong sắc đỏ trong ngày thứ hai liên tiếp. Chốt phiên giao dịch hôm 6-2, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 4,73% về mức thấp nhất trong bốn tháng. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11-2016. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông rớt 1.649 điểm (5,12%), mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8-2015.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 116 điểm (3,35%). Trong khi đó, chỉ số Taiex (Đài Loan) và chỉ số S&P/ASX 200 (Úc) lần lượt giảm 542 điểm (4,95%) và 192 điểm (3,2%).

Theo Saigon Times

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến