Dòng sự kiện:
Vì sao dòng vốn 135.000 tỷ đăng ký rót vào nông nghiệp công nghệ cao chưa chảy?
20/05/2017 16:23:06
Có tới 135.000 tỷ đồng được đăng ký rót vào nông nghiệp công nghệ cao, song đến nay mới chỉ vài chục doanh nghiệp tiếp cận được gói tín dụng này. Vậy đâu là nguyên nhân?

“Chúng tôi cùng chung chiến tuyến”

Các hướng dẫn về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ngân hàng Nhà nước ban hành. Với gần chục ngân hàng đăng ký tham gia, gói tín dụng này đã lên tới 130.000 - 140.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, đến nay, rất ít doanh nghiệp (DN), dự án được giải ngân từ gói tín dụng này. Trong đó, cho vay nhiều nhất là Agribank (18 DN). Nhiều DN cho hay, thủ tục của ngân hàng vẫn rất chặt chẽ, dù tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra khá đơn giản.

Phản hồi ý kiến của DN, phía ngân hàng cho hay, thời gian qua, dù “mỏi mắt” mong được rót vốn cho các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, song lại rất ít dự án đạt được các tiêu chí để ngân hàng yên tâm rót vốn.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết: “Nhiều người vẫn nghĩ rằng, ngân hàng và DN ở hai đầu chiến tuyến. Nhưng sự thật không phải thế, ngân hàng đứng chung chiến tuyến với DN, ngân hàng rót vốn cho DN tức là đã trở thành một nhà đầu tư. Vì vậy, ngân hàng luôn mong muốn DN có các dự án hiệu quả, khả thi và có khả năng thu hồi vốn”.

Quan trọng nhất là tính khả thi của dự án

Vấn đề DN kêu ca nhiều nhất khi vay vốn thực hiện dự án nông nghiệp là tài sản thế chấp, do giá trị đất nông nghiệp rất thấp, trong khi tài sản trên đất, nhà xưởng… không được coi là tài sản thế chấp. Tuy vậy, nhiều ngân hàng khẳng định, nếu có dự án khả thi, họ không cần tài sản thế chấp.

“Chúng tôi không cần tài sản đảm bảo, mà chỉ nhìn vào tính khả thi và các yếu tố rủi ro của dự án, từ khâu đầu tư cho đến khâu sản xuất, tiêu thụ và khả năng thu hồi vốn”, bà Nguyễn Thị Phượng nói.


 Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nếu chỉ dựa vào vốn rất khó thành công

Thực tế, thời gian qua, nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao như Dự án nhà máy trứng gà của Công ty ĐTK (Phú Thọ), Công ty Ba Huân (Hà Nội)… đã được ngân hàng rót vốn cho vay hàng trăm tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp.

Đương nhiên, để ngân hàng mạnh dạn cho vay, DN cũng phải “mở toang” cửa, minh bạch tất cả thông tin, mời ngân hàng vào ngay từ đầu, từ khâu lập dự án đến giám sát xây dựng dự án, quản lý dòng tiền,  đầu ra của sản phẩm...

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN Group) nhận xét, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nếu chỉ dựa vào vốn rất khó thành công. Nếu có vốn mà không định hình được sản phẩm, không định hướng được thị trường, thì nguy cơ thất bại là rất lớn.

“Cơ sở nền tảng để quyết định đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao phải là nhu cầu của thị trường và chỉ những nông sản có giá trị cao mới có thể ứng dụng trọn gói công nghệ cao vào sản xuất, vì chi phí sản xuất cao hơn rất nhiều”, ông Hưng cho biết.

Có thông tin cho hay, đang có hiện tượng một số DN đua lập dự án nông nghiệp công nghệ cao với mong muốn được vay vốn từ gói 100.000 tỷ đồng, dù tính khả thi về đầu ra chưa được kiểm chứng.

Đầu ra của nông sản luôn trong tình trạng bấp bênh. Trong khi đó, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao thường có giá bán cao, nên việc tìm đầu ra càng khó hơn. Chính vì vậy, nếu vay và cho vay dễ dãi, hậu quả về sau với DN và ngân hàng sẽ rất lớn. Cuộc khủng hoảng thịt lợn diễn ra thời gian qua là một bài học điển hình về đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.

Mai An (Tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến