Dòng sự kiện:
Vì sao dự án bò sữa gần 4000 tỷ ‘chết yểu’, đẩy người dân vào cảnh ‘dở khóc dở cười’?
12/05/2018 12:54:06
Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa rục rịch xây dựng tại xã Công Bình (Nông Cống) và Thanh Tân (Như Thanh), Thanh Hóa, bất ngờ bị hủy bỏ, khiến hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh “tiến hoái lưỡng nan”.

Đẩy người dân vào cảnh “dở khóc, dở cười”

Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 17/5/2017. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Hai thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (Công ty được thành lập từ góp vốn, công nghệ của Công ty TNHH Một thành viên Yên Mỹ và Công ty Cổ phần Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH, có địa chỉ tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống).

Tổng mức đầu tư của dự án là 3.800 tỷ đồng. Quy mô dự án được triển khai tại 3 xã Yên Mỹ, Công Bình (huyện Nông Cống) và Thanh Tân (huyện Như Thanh) với tổng diện tích 1.354 ha.

Cơ quan chức năng ráo riết phối hợp tiến hành thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để doanh nghiệp thực hiện dự án. Đươc sự vận động của chính quyền địa phương, hơn 150 hộ dân thuộc 3 xã đã đồng ý nhường lại đất đai, nhà cửa, bỏ lại ruộng đồng, hoa màu, sẵn sàng khăn gói đến nơi tái định cư xây dựng cuộc sống mới.

Dự án chết yểu khiến người dân bức xúc

Chịu ảnh hưởng của dự án có gần 100 ha đất ở, đất nông nghiệp, đất vườn của gần 40 hộ dân xã Công Bình và gần 30 ha đất của 117 hộ gia đình ở xã Thanh Tân. Đến tháng 10/2017, công tác kiểm kê, đo đếm diện tích đất đai, nhà cửa của bà con đã hoàn thành.

Được thông báo dự án sẽ sớm triển khai, người dân phải ngừng mọi hoạt động sản xuất, vì thế bà con cũng vội vàng bán tống bán tháo vật nuôi, hoa màu để sớm di dời và nhường mặt bằng sạch cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi mọi công tác để di dời dường như đã hoàn tất thì chủ đầu tư lại bất ngờ thông báo dừng dự án. Thông tin khiến người dân hoang mang cực độ, bởi cuộc sống lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

Bà Lê Thị Chức (xã Công Bình, Nông Cống) cho biết, bà giao 1,6ha trồng mía cho dự án từ trước tháng 6/2017.

“Thời điểm đó, tôi phải chặt cả mía non và keo non để bán, nhanh chóng nhường đất cho dự án. Từ đó đến nay, tôi cũng như nhiều gia đình khác dài cổ chờ đền bù để di dời đến nơi khác. Nay doanh nghiệp lại nói không làm nữa khiến cuộc sống của gia đình tôi bị đảo lộn”, bà Chức nói.

Hơn 150 hộ dân khác ở 3 xã cũng đang trong cảnh “ngồi trên đống lửa” đỏ mắt chờ câu trả lời xác đáng từ chủ đầu tư.

Bà Lê Thị Việt (51 tuổi, xã Công Bình) cho biết: “ Theo kế hoạch thì gia đình tôi sẽ nhận được 4,1 tỷ đồng tiền đền bù đối với hơn 8 ha đất (bao gồm nhà cửa, đất trồng). Từ tháng 10/2017, gia đình tôi vội vã bán non 3,8 ha đồi keo non, 4,5 ha mía non và 1 cặp bò để nhường đất cho dự án và chuẩn bị đi đến nơi tái định cư. Đến nay, chúng tôi không biết sống như thế nào, giống như bị lừa dối vậy”.


Do kinh phí giải phóng mặt bằng lớn

Ông Đinh Xuân Dùng, Chủ tịch UBND xã Công Bình, huyện Nông Cống tỏ ra bức xúc cho biết, khi có chủ trương thực hiện dự án, chính quyền địa phương đã rất tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, mất nhiều tháng trời để vân động thu hồi đất, kiểm kê, đong đếm diện tích…gặp nhiều khó khăn.

Được biết, huyện Nông Cống cũng đã gửi văn bản đề nghị doanh nghiệp chuyển kinh phí bồi thường cho người dân nhưng đến nay chủ đầu tư chưa hồi âm. Phương án trước mắt là người dân sẽ trở lại tiếp tục canh tác và sản xuất.

Trong buổi làm việc giữa UBND huyện Nông Cống, chủ đầu tư và người dân xã Công Bình trước đó, ông Phạm Tuấn Hiệp - Phó tổng giám đốc Công ty cho rằng: “Do kinh phí giải phóng mặt bằng lớn, Công ty không đủ khả năng thực hiện việc ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo phương án được duyệt. Công ty đề nghị UBND tỉnh cho phép Công ty được thuê đất đã giải phóng mặt bằng để tiếp tục dự án nhưng không được UBND tỉnh chấp thuận”.

Khi doanh nghiệp thông báo ngừng dự án, người dân phải nhanh chóng trở lại sản xuất

Theo báo cáo của Công ty TNHH Hai thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ gửi Sở TN&MT Thanh Hóa, số tiền bồi thường hỗ trợ GPMB tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình, huyện Nông Cống giai đoạn 1 là hơn 147 tỷ đồng.

Như vậy, với diện tích 1 ha thì dự kiến số tiền bồi thường GPMB công ty phải ứng trước là khoảng 720 triệu đồng. Để thực hiện GPMB toàn bộ dự án với diện tích 125 ha thì kinh phí bồi thường, hỗ trợ công ty phải chi trả khoảng 90 tỷ đồng.

Công ty này cho rằng kinh phí bồi thường GPMB đối với một dự án nông nghiệp như dự án tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình là quá cao nên đề nghị UBND tỉnh cho phép được thuê đất đã GPMB để tiếp tục thực hiện dự án. Trường hợp UBND tỉnh không thống nhất hỗ trợ kinh phí GPMB tại vị trí thực hiện dự án đã được chấp thuận thì công ty đề nghị được thay đổi vị trí thực hiện dự án.

Về điều này, UBND tỉnh Thanh Hóa trả lời, ngân sách tỉnh hàng năm không đủ chi cho công tác bồi thường, GPMB các dự án đầu tư không thuộc ngân sách Nhà nước. Do đó, công ty đề nghị được thuê đất đã GPMB và không ứng trước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiên dự án là không có cơ sở để xem xét, giải quyết.

Lương Diễn
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến