Dòng sự kiện:
Vì sao ngân hàng vẫn ồ ạt lên sàn
02/06/2018 14:03:38
Với những chuyển biến tích cực về hoạt động kinh doanh của ngành NH cùng với nỗ lực cải tổ hoạt động minh bạch hơn, các chuyên gia đánh giá sức hút của nhóm cổ phiếu “vua” sẽ không giảm sút.

Sau HDBank, TPBank, Techcombank cũng đã công bố về kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại HoSE vào ngày 4/6 tới đây. Tuy còn vài ngày nữa mới lên sàn, nhưng cổ phiếu Techcombank đang gây sự chú ý cao khi giá một cổ phiếu NH này lên tới 128.000 đồng/cổ phiếu. Bởi đã từ rất lâu rồi chưa có cổ phiếu dòng NH chạm mốc 100.000 đồng/cổ phiếu chưa nói đến vượt như vậy. Liệu Techcombank có tự tin quá khi đưa ra mức giá vậy không?

Lãnh đạo một NH nhìn nhận, không phải vô cớ mà Techcombank đưa ra mức giá như vậy. Trước khi thực hiện niêm yết, các NH đều chủ động chào bán các NĐT tiềm năng lớn. Dựa trên đánh giá của NĐT này, các bên cùng ngồi bàn bạc mức giá chào bán. Techcombank cũng không phải ngoại lệ.

“Sự đột phá về giá cổ phiếu của Techcombank sẽ tạo cú hích cho thị trường. Vì trước nay mọi người quen trả giá cổ phiếu NHTMCP với giá thấp, giờ có thể quen dần với mặt bằng giá mới ở mức cao hơn”, vị này bình luận thêm.

Trước đó, trả lời báo giới chia sẻ lý do NH đưa mức giá cao vượt trội, Tổng giám đốc Techcombank ông Nguyễn Lê Quốc Anh cũng cho biết, giá trị của NH là yếu tố quyết định giá trị của cổ phiếu. Techcombank đang được định giá ở mức 6,5 tỷ USD và lượng đăng ký mua cổ phiếu của các NĐT nước ngoài đạt trên 4 tỷ USD - rất cao so với số lượng cổ phiếu của Techcombank.

Cho dù thị trường chứng khoán hiện tại không được thuận lợi nhưng có thể thấy các NH vẫn rất tự tin với kế hoạch lên sàn của mình. Cơ sở cho niềm tin đó khá vững chắc đó là tăng trưởng về lợi nhuận trong năm 2017 rất tốt và ngay trong quý I/2018, nhiều nhà băng đã báo lãi cao.

Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2018 là 4.359 tỷ đồng, tăng trưởng 59% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ. HDBank cũng công bố kết quả kinh doanh quý I ấn tượng với lợi nhuận đạt 1.045 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2017. OCB báo lãi hơn 600 tỷ đồng bứt phá mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2017… Nợ xấu tại các NH đang được xử lý rất tích cực, hoạt động bán lẻ tốt hơn giúp các NH cải thiện cơ cấu lợi nhuận…

Ngoài những lý do trên, theo Tổng giám đốc OCB ông Nguyễn Đình Tùng việc lên sàn cũng là yêu cầu bắt buộc của NHNN, quan trọng hơn nữa là NH muốn tăng niềm tin với NĐT trong nước cũng như quốc tế thì không có cách nào khác phải lên sàn. Hơn thế, đây cũng là kênh giúp NH tăng vốn khá tốt.

Trước đó, lãnh đạo NH này cũng cho biết, OCB đang trong quá trình đàm phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để gọi vốn ngoại (với giới hạn sở hữu dành cho NĐT nước ngoài là 23,66%) trước khi đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE. Sau khi BNP Paribas thoái vốn khỏi OCB, hiện tỷ lệ sở hữu của khối NĐT nước ngoài tại NH này chỉ là 4,98% vốn điều lệ.

Thực tế là vậy, nhưng cũng không phủ nhận thời điểm này các NH lên sàn cũng gặp những bất lợi nhất là về giá cổ phiếu so với thời kỳ thị trường tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, kỳ vọng của các NH cũng như các NĐT chiến lược nhìn về dài hạn chứ không phải trong thời gian trước mắt. Các NĐT chiến lược khi đầu tư vào lĩnh vực NH họ xác định là đầu tư dài hạn ít nhất từ 3-5 năm thậm chí là 10 năm chứ không đầu tư hời hợt như các lĩnh vực khác.

Thời gian vừa qua giá cổ phiếu NH sụt giảm mạnh nhưng cổ phiếu vẫn còn dư địa tăng và giữ vai trò quan trọng trên thị trường chứng khoán. Cụ thể trong mấy phiên vừa qua, cổ phiếu NH đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Trong 3 phiên trở lại đây, những cổ phiếu dẫn dắt thị trường như VCB, VPB hay cả HDB có bước tăng giá ngoạn mục. Từ ngưỡng thấp nhất là 46.800 của ngày 28/5, cổ phiếu VCB đã tăng vọt lên 52.900 đồng/ cổ phiếu phiên sáng 31/5, mức tăng trong 3 ngày đạt 13%. Cũng trong 3 ngày qua mã VPB của VPBank tăng từ mức 38.800 lên mức 44.700 đồng/cổ phiếu với tỷ lệ tăng lên đến 15%. HDB của HDBank có bước bứt phá mạnh nhất từ ngưỡng 32.800 đồng phiên 28/5 đã đạt ngưỡng 38.450 đồng/cổ phiếu phiên 31/5, mức tăng 17%.

Với những chuyển biến tích cực về hoạt động kinh doanh của ngành NH cùng với nỗ lực cải tổ hoạt động minh bạch hơn, các chuyên gia đánh giá sức hút của nhóm cổ phiếu “vua” trên thị trường chứng khoán vẫn không hề giảm sút. “So với nhiều lĩnh vực khác, các NH kinh doanh bài bản, được giám sát chặt chẽ hơn từ NHNN. Đây là một điểm cộng đối với cổ phiếu NH trong mắt các NĐT”, một chuyên gia NH nhìn nhận.

Tất nhiên, không phải NH nào cũng có được may mắn đó mà cũng sẽ có sự phân hóa trên thị trường. Dòng tiền đầu tư của NĐT ngày càng thông minh nên sẽ chọn những NH hoạt động hiệu quả. Ngược lại, NH kém hiệu quả, nợ xấu cao vẫn khó thu hút NĐT rót vốn.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến