Dòng sự kiện:
Việt Nam soán ngôi vương của Singapore về IPO Đông Nam Á
27/12/2018 20:00:28
Việt Nam đã vượt qua Singapore, vọt lên đứng đầu bảng xếp hạng IPO năm 2018 của Đông Nam Á với 5 đợt IPO, huy động tới 2,6 tỷ USD.

Theo số liệu từ công ty tham vấn EY, Việt Nam năm 2018 có 5 đợt IPO, huy động 2,6 tỷ USD và đứng số 1 về xếp hạng IPO ở Đông Nam Á. Các thương vụ IPO lớn diễn ra sau khi chính phủ Việt Nam thúc đẩy tư nhân hóa, động thái đã được kỳ vọng từ lâu.

Singapore kết thúc năm 2018 với 13 đợt IPO, huy động khoảng 500 triệu USD, xếp thứ 4 Đông Nam Á, sau Thái Lan và Indonesia.

Một con đường trong một khu dân cư mới phát triển tại Hà Nội, Việt Nam

Nhưng việc rớt hạng của Singapore không liên quan nhiều đến sự trỗi dậy của Việt Nam, các chuyên gia nhận định. Thay vào đó, họ cho rằng, nền kinh tế mở của quốc đảo sư tử đồng nghĩa với việc nước này dễ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi sự phát triển trên toàn cầu và có rất nhiều lý do khiến các công ty hoãn kế hoạch niêm yết vào năm 2018.

"Trong nửa cuối năm 2018, các cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, căng thẳng chính trị và thị trường đầy biến động đã vô tình tác động đến tâm lý chung trong nền kinh tế, gây ra sự chậm trễ trong thời gian niêm yết của một số thương vụ IPO", Tay Hwee Ling, trưởng bộ phận dịch vụ chào bán và các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), Deloitte Đông Nam Á và Singapore đã nói với CNBC trong một email.

Màn trình diễn mờ nhạt của Singapore trong năm 2018 cũng phù hợp với sự sụt giảm trong hoạt động IPO trên toàn thế giới khi các công ty giữ lại các kế hoạch mở rộng thị trường trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị còn nhiều bất ổn. Singapore kết thúc năm 2018 với 13 thỏa thuận IPO, huy động được khoảng 500 triệu USD- số tiền thu được từ IPO cao thứ 4  ở Đông Nam Á sau Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, cũng theo dữ liệu từ công ty tham vấn EY.

Việt Nam, vốn thua xa các nước láng giềng lớn chỉ hai năm trước, đã nhảy vọt lên đỉnh vào năm 2018 với 5 đợt IPO huy động được 2,6 tỷ USD, EY cho biết. Các thương vụ IPO lớn ở nước này đã diễn ra sau khi chính phủ Việt Nam đẩy mạnh tư nhân hóa, động thái đã được chờ đợi từ lâu. IPO 1,35 tỷ USD của công ty bất động sản Vinhomes là thương vụ lớn nhất từ ​​trước đến nay tại nước này và lớn thứ hai trong năm 2018 của cả Đông Nam Á.

Với việc chính phủ Việt Nam dự kiến ​​sẽ chào bán cổ phần của mình trong nhiều công ty hơn nữa, quốc gia này rất có thể giữ vững vị trí số 1 về IPO của Đông Nam Á, ít nhất là đến năm 2021, theo một báo cáo từ Baker McKenzie và Oxford Economics. Singapore và Thái Lan lần lượt ở các vị trí tiếp theo.

Tham Tuck Seng, lãnh đạo thị trường vốn của PwC Singapore cho biết, sự trỗi dậy của Việt Nam - và các nước đang phát triển khác ở Đông Nam Á - có thể tăng cường cạnh tranh IPO giữa các sàn giao dịch chứng khoán trong khu vực. Điều đó làm gia tăng áp lực buộc Singapore phải khác biệt hơn nữa để nổi bật hơn.

Singapore đã từng là trung tâm thu hút vốn ở khu vực Đông Nam Á trong nhiều năm. Nhưng hàng loạt các sự kiện như một vụ sụp đổ cổ phiếu năm 2013 đã giáng đòn mạnh vào niềm tin của các nhà đầu tư, gây ra sự sụt giảm về khối lượng giao dịch và số lượng của các IPO. Nhưng đất nước đã bật trở lại vào năm 2016 và 2017 - và có khả năng có thể làm điều tương tự vào năm tới, đặc biệt là nếu tâm lý nhà đầu tư được cải thiện, theo Tay Hwee Ling.

"Tùy thuộc vào sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu, chúng tôi có thể hy vọng các IPO đã bị trì hoãn vào năm 2018 sẽ trở lại trong quý đầu tiên của năm 2019. Năm 2019 sẽ chứng kiến ​​sự gia tăng mạnh mẽ trên thị trường khi một số sáng kiến ​​của SGX trong năm 2018 trở thành hiện thực, bao gồm cả dự đoán về việc niêm yết cổ phiếu hai lớp đầu tiên", Tay nói.

Hải Yến/Theo CNBC 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến