Dòng sự kiện:
Ngân hàng nào có nợ có khả năng mất vốn cao nhất?
21/05/2019 11:34:38
Nợ có khả năng mất vốn (nhóm nợ các ngân hàng phải trích lập dự phòng cụ thể tỷ lệ 100%) có xu hướng tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu năm 2019, mặc dù trước đó trong năm 2018 cũng đã tăng rất mạnh.

Số liệu thống kê từ Báo cáo tài chính quý 1/2019, 22 ngân hàng còn ôm hơn 84.200 tỷ đồng nợ xấu, tăng 5,6% so với thời điểm đầu năm.  Trong đó, nợ nhóm 5 cũng tăng theo với mức tăng của chung 23 ngân hàng là 4% lên con số hơn 46.400 tỷ đồng.

Nợ nhóm 5 là các khoản nợ được đánh giá là không còn khả năng thu hồi, mất vốn. Chủ yếu là các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu,…nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra trên 60 ngày mà vẫn chưa thu hồi được,…

Trong đó, VietinBank là ngân hàng với số nợ có nguy cơ mất vốn cao nhất, lên gần 10.500 tỷ đồng, tăng gần 11% so với thời điểm đầu năm. BIDV có số nợ xấu 17.800 tỷ đồng, trong đó hơn 7.200 tỷ đồng là nợ không có khả năng thu hồi. Tiếp đến là Sacombank, Vietcombank và SHB… Ngoài ra, nợ nhóm 5 vẫn có tỷ trọng lớn nhất  trong cơ cấu nợ xấu với 55%, trong khi đó, nợ nhóm 4 là 20%, nợ nhóm 3 là 25%. 

Tại nhiều nhà băng, nợ có khả năng mất vốn chiếm tới hơn 70% như Vietcombank (71%), Sacombank (87%), SHB (74%), Techcombank (79%), VIB (76%), ACB (79%),..

Ảnh minh hoạ

Cũng đến thời điểm này đã có 5/24 ngân hàng xóa sạch nợ tại VAMC bao gồm: Vietcombank, MBBank, Techcombank, OCB, ACB, VIB, nhưng theo thống kê từ 24 ngân hàng đã công bố báo cáo kiểm toán, đến cuối năm 2018, tổng lượng trái phiếu đặc biệt của VAMC mà các ngân hàng này đang nắm giữ lên tới 126,7 nghìn tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 0,5% so với cuối năm 2017.

Thực tế, con số này của cả hệ thống ngân hàng sẽ còn lớn hơn nhiều vì chưa kể đến các nhà băng còn lại trong hệ thống, bao gồm một số ngân hàng đã đẩy lượng nợ xấu khá lớn sang VAMC, chẳng hạn Agribank…

Hiện tại, Sacombank là ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất tại VAMC với 40.233 tỷ đồng tính đến cuối năm qua, giảm nhẹ 7,5% so với đầu năm 2018. Tiếp theo là những cái tên như SCB với dư nợ hơn 26.600 tỷ đồng, tăng 10,6%; BIDV hơn 14.100 tỷ đồng, giảm 36,8%…

Những con số này cho thấy, việc bán nợ cho VAMC không đồng nghĩa các ngân hàng sẽ thoát khỏi gánh nặng từ các khoản nợ xấu. Thực tế, số lượng nợ đã bán sẽ quay trở lại nhà băng sau 5 năm (thời hạn của trái phiếu đặc biệt) nếu vẫn chưa được xử lý.

Mới đây, NHNN đã dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 19/2013/TT-NHNN của Thống đốc NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC. Theo đó, tất cả các ngân hàng đang còn số dư trái phiếu đặc biệt của VAMC sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt. Thực tế, thời gian qua, các ngân hàng đều ý thức được do đang trong quá trình tái cơ cấu và đẩy mạnh xử lý nợ xấu, lợi nhuận thu về chủ yếu để trích lập dự phòng nên không ít ngân hàng vẫn nói “không” với việc chia cổ tức cho cổ đông, tiếp tục tích lũy của để dành cho các năm sau./. 

 Hoàng Dung

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến