Dòng sự kiện:
VinaCapital chính thức 'chia tay' Ba Huân
09/10/2018 12:03:51
Ba Huân điều chỉnh giảm vốn điều lệ còn 222 tỷ đồng sau khi chính thức chấm dứt hợp tác đầu tư với VinaCapital.

Trong thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp ngày 3/10, Công ty cổ phần Ba Huân đã điều chỉnh vốn điều lệ từ 280 tỷ đồng xuống còn 222 tỷ.

Danh sách cổ đông không thay đổi, nhưng cơ cấu lại biến động mạnh khi Hawke Investments Pte. Ltd (Singapore) giảm tỷ lệ nắm giữ còn 16,39%. Tỷ lệ này đúng bằng giá trị trước khi VinaCapital thông qua Hawke Investments góp vốn vào Ba Huân hồi cuối tháng 2. 

Thay đổi của nhà đầu tư nước ngoài kéo theo nguồn vốn tư nhân trong nước tăng từ 66,2% lên 83,6%. Giám đốc công ty là bà Phạm Thị Huân nắm giữ gần 64% trong số này, phần còn lại thuộc sở hữu của năm cổ đông sáng lập khác.

Tuy nhiên đến đầu tháng 7, bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân, đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ chấm dứt hợp tác với Quỹ đầu tư VinaCapital nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, cũng như giúp công ty giữ thương hiệu. Một trong những lý do khiến doanh nghiệp đưa ra quyết định này vì nhận thấy thỏa thuận hợp tác giữa bản tiếng Anh và tiếng Việt có nội dung không đúng hoặc không như trao đổi ban đầu.

VinaCapital chính thức rút vốn khỏi Ba Huân

Trước đó, hồi tháng 2, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý và Công ty CP Ba Huân đạt được thỏa thuận góp vốn đầu tư. Theo đó, VOF đầu tư 32,5 triệu USD (tương đương 730 tỉ đồng) để mua 33,77% cổ phần Công ty Ba Huân. Hai bên sẽ ký hợp đồng chính thức bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Hợp đồng tiếng Anh đã được ký. Tuy nhiên, khi hợp đồng bằng tiếng Việt được đưa ra, phía Ba Huân cho rằng phát hiện một số điều khoản VOF đưa ra rất ngặt nghèo, bất lợi cho Ba Huân.

Cụ thể, quỹ này tự đưa tỉ suất hoàn vốn đầu tư là 22% và giới hạn ngành nghề kinh doanh của Ba Huân chỉ gồm sản xuất, kinh doanh thịt gà và trứng gà, loại bỏ các ngành kinh doanh khác. VOF cũng quy định nếu Ba Huân không đạt được kết quả như trên sẽ bị phạt hoặc yêu cầu trả lại vốn đầu tư, cộng dồn với lãi suất 22% hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) tối thiểu 51% cổ phần công ty.

Chiều ngày 9/8, ông Don Lâm, Tổng giám đốc VinaCapital thông tin với báo Người Lao Động rằng thương vụ đầu tư vào Ba Huân chính thức chấm dứt. Trong lịch sử hơn 15 năm đầu tư tại Việt Nam với hơn 100 công ty đã góp vốn thì đây là thương vụ "trục trặc" hiếm có. Tuy nhiên, bài học rút ra sau thương vụ không thành công này là lẽ ra VinaCapital đã phải sớm dừng hợp tác với Ba Huân chứ không phải để chuyện xảy ra lùm xùm như vậy.

Mặc dù dừng hợp tác nhưng phía Ba Huân cũng cho biết là sau khi sắp xếp lại mọi việc nếu có cơ hội hai bên sẽ tiếp tục hợp tác trong thời gian tới.

Đặt vấn đề về việc VinaCapital có ngại đầu tư vào công ty tư nhân có yếu tố gia đình hay không, ông Don Lam cho biết chiến lược của VinaCapital ngay từ đầu là đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân, gia đình có hiệu quả và có khả năng tăng trưởng tốt. Đó cũng là đặc thù của các doanh nghiệp Việt Nam.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến