Dòng sự kiện:
VN-Index phục hồi, thị trường tích cực trở lại
15/04/2018 11:08:27
Một số chuyên gia nhận định, thị trường đã ổn định trở lại và sẽ tích lũy lại vùng giá này một thời gian, đợi kết quả kinh doanh quý I và sẽ bật tăng trở lại.

Sau 2 phiên chao đảo, thậm chí giảm sâu tới 31 điểm vào ngày 11/4, ngày 12/4, chỉ số VN-Index đã hồi phục trở lại. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số này tăng 5,91 điểm, lên 1.173,02 điểm, tương đương 0,51%. Khối lượng giao dịch trong phiên đạt gần 180 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch đạt gần 6.000 tỷ đồng. Trong phiên đã có 157 mã tăng giá, 53 mã đứng giá và 131 mã giảm giá. Dù chỉ là phiên phục hồi nhẹ nhưng đã cho thấy áp lực bán đã giảm và tâm lý NĐT tích cực hơn.

Với những tín hiệu tích cực này, một số chuyên gia nhận định, thị trường đã ổn định trở lại và sẽ tích lũy lại vùng giá này một thời gian, đợi kết quả kinh doanh quý I và sẽ bật tăng trở lại. “Xu hướng thị trường có thể sẽ đi ngang với những phiên tăng giảm xen kẽ ở biên độ hẹp. NĐT vẫn có thể giao dịch mua vào những mã có lợi nhuận triển vọng tốt trong năm 2018”, một chuyên gia phân tích.

Nhìn lại phiên giao dịch sáng 12/4 , chỉ số VN-Index đã nhảy múa, có lúc đã tăng hơn 3 điểm, rồi lại đảo chiều giảm 2 điểm. Nhiều cổ phiếu lớn đã hồi phục và tăng giá như: CTG, VIC, FPT, MSN, MWG, VNM, BMP… giúp VN-Index kết phiên sáng chỉ còn giảm 0,82 điểm, khối lượng cổ phiếu giao dịch chưa đến 100 triệu đơn vị và giá trị chưa đến 3.000 tỷ đồng.

Sang phiên chiều, nhờ nhóm dầu khí và nguyên vật liệu, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng hơn 1 điểm, lên mức 1.168,19 điểm, trong khi đó, nhóm ngân hàng vẫn chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, ngay sau đó, các mã ACB, BID, CTG, EIB đã bật tăng nhẹ trở lại đưa VNI lên 1.169,32 điểm. Sự hồi phục này cũng xóa tan những nghi ngại của phiên giao dịch trước đó (ngày 11/4) khi chỉ số VN-Index mất đi 31,01 điểm (-2,59%) xuống còn 1.167,11 điểm; VN30-Index giảm 30,86 điểm (-2,64%).

Khi đó, nhiều CTCK cho rằng, điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới tín hiệu xu hướng ngắn hạn, thậm chí một số CTCK còn thận trọng hơn khi nhận định: sẽ là quá sớm nếu thực hiện bắt đáy lúc này, bởi thị trường đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ tin tức liên quan đến quan hệ Trung - Mỹ và một số thông tin không chính thức liên quan tới tỷ lệ margin của các CTCK. Họ khuyến nghị NĐT nên thận trọng, tạm dừng các hành động giao dịch liên tục và bám sát diễn biến chỉ số trong phiên 12/4.

Ở phía NĐT, ông Đặng Đình Hiệp - một NĐT với 22 năm kinh nghiệm cho biết, VN-Index, chỉ số chứng khoán chính của Việt Nam đã giảm tới 31,01 điểm là mức giảm mạnh thứ nhì, chỉ sau mức giảm 43,52 điểm trong “ngày thứ hai đen tối” (5/2/2018) do có khủng hoảng lớn trên TTCK Mỹ và toàn cầu.

Nhưng những diễn biến của thị trường trong phiên giao dịch ngày 12/4 đã khiến NĐT này lạc quan hơn bởi trước đó, ông đã xây dựng 2 khả năng/kịch bản sẽ xảy ra trong 2 ngày 12 và 13/4/2018. Kịch bản 1, ngày 12/4, chỉ số chứng khoán chính của Việt Nam sẽ có những lúc giảm và tăng điểm xen kẽ hệt như ngày 6/3/2018 (từ mức 1093,48 điểm ngày 5/3/2018 tăng lên 1120,29 điểm vào ngày 6/3, rồi lại bị giảm vào ngày 7/3 và tăng trở lại trong ngày 8/3); Kịch bản 2, VN-Index sẽ tiếp tục giảm điểm, nhưng chỉ giảm nhẹ (mức giảm từ 10 đến dưới 20 điểm), để sang tuần tới (16/4 - 20/4/2018), sẽ tăng trở lại, phục hồi mức 1.200 điểm, là ngưỡng kháng cự của ngày 9/4/2018.

Song, ông Hiệp nghiêng nhiều hơn về kịch bản 1 bởi những ngày gần đây, đã xuất hiện những tín hiệu hạ nhiệt, giảm mức căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung - 2 nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới. Ông Tập Cận Bình cũng đã lên tiếng, sẵn sàng xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán và ngỏ ý sẽ xem xét lại việc giảm thiểu mức thâm hụt thặng dư thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Còn ông Donald Trump cũng nương nhẹ các ngôn từ trong lời phát biểu đáp lại các biện pháp trả đũa tương ứng mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, điểm nhấn chính vẫn là nội lực của nền kinh tế Việt Nam khi trong quý I/2018, mức tăng trưởng GDP vẫn được duy trì, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 và là mức tăng GDP cao nhất, bền vững trong Khu vực châu Á với đà gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, gia tăng mức dự trữ ngoại hối lên trên 60 tỷ USD... “Như vậy, rõ ràng chúng ta có thể tin tưởng rằng, không có lý do gì để tác động xấu tới TTCK Việt Nam trong thời gian tới”, ông Đặng Đình Hiệp nhìn nhận.

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến