Dòng sự kiện:
Vô tư vi phạm công bố thông tin
20/03/2018 20:00:47
Sự kiện CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) suýt bị hủy niêm yết bắt buộc vì chậm công bố thông tin (CBTT), đã khiến giới đầu tư bất ngờ.

Bởi lâu nay, NĐT ít quan tâm đến các vi phạm trong việc CBTT và bản thân doanh nghiệp cũng vô tư vi phạm do các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

NĐT chịu thiệt

Ngày 8-2, Sở Giao dịch CK TPHCM (HOSE) có văn bản gửi đến HAG và HNG, lưu ý cả 2 công ty thực hiện tốt việc CBTT để tránh rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc. Trước đó, cơ quan này đã nhắc nhở HAG và HNG về việc chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2015 công ty mẹ và hợp nhất; chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2016 công ty mẹ và hợp nhất. Như vậy, 2 doanh nghiệp này đã chậm nộp BCTC kiểm toán 2 năm liên tiếp. Theo HOSE, nếu không thực hiện đầy đủ yêu cầu về thời gian nộp BCTC kiểm toán năm 2017, đây sẽ là năm thứ 3 HAG và HNG chậm CBTT. Điểm k Khoản 1 Điều 60 Nghị định 58/2012 của Chính phủ quy định: CK bị hủy bỏ niêm yết khi tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp BCTC trong 3 năm liên tiếp.

Hoàng Anh Gia Lai với năm thứ 3 liên tiếp vi phạm chậm công bố thông tin.

Trước và sau khi thông tin trên được công bố, 2 mã CP này rơi vào tình trạng bán tháo do NĐT lo ngại về khả năng CP bị hủy niêm yết. Cụ thể, HAG có 5 phiên giảm, từ mức hơn 8.000 đồng/CP xuống còn 6.100 đồng/CP (tương đương mức giảm lên đến 25%). Tương tự, HNG có 7 phiên giảm, từ 8.400 đồng/CP xuống còn 6.200 đồng/CP (tương đương mức giảm 26%). Điều đáng nói, trong thời điểm CP đón nhận thông tin xấu, lãnh đạo 2 doanh nghiệp này không hề có động thái trấn an NĐT. Sự im lặng của lãnh đạo doanh nghiệp càng khiến NĐT hoảng loạn và đặt lệnh bán bằng mọi giá, kéo CP giảm sâu.

Theo giới đầu tư, đối với doanh nghiệp niêm yết lâu năm trên TTCK như HAG, việc thường xuyên vi phạm quy định CBTT là hết sức khó hiểu. Càng khó hiểu hơn khi các lý do HAG và HNG đưa ra để giải thích cho sự chậm trễ này gần như giống nhau. Cụ thể, trong các công văn gởi đến HOSE xin gia hạn CBTT các BCTC riêng và hợp nhất kiểm toán, lý do cả 2 công ty đưa ra thường có nội dung: “Do có hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề, có nhiều công ty con, công ty liên kết ở nước ngoài (Lào, Campuchia). Việc tập hợp số liệu phục vụ công tác lập BCTC riêng và hợp nhất khá phức tạp và mất nhiều thời gian”. Cũng trong công văn này, cả 2 doanh nghiệp đều cho biết đang tích cực phối hợp với công ty kiểm toán và dự kiến có thể hoàn thành và CBTT BCTC trong thời gian sớm nhất.

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Thực tế, vi phạm CBTT đang trở thành phổ biến, không chỉ với doanh nghiệp chưa niêm yết mà ngay cả các doanh nghiệp niêm yết cũng vô tư vi phạm. Ngày 15-3, UBCKNN đã công bố quyết định xử phạt 60 triệu đồng đối với Tổng CTCP Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV (MVB) do hàng loạt sai phạm trong việc CBTT. Các vi phạm của MVB gồm: CBTT không đúng thời hạn BCTC riêng và hợp nhất quý IV-2016; chậm giải trình biến động lợi nhuận sau thuế thu đối với BCTC công ty mẹ và hợp nhất quý III-2016 và BCTC công ty mẹ và hợp nhất quý IV-2017; CBTT không đúng thời hạn trên phương tiện CBTT của UBCKNN về BCTC công ty mẹ và hợp nhất quý I và quý III-2016, BCTC hợp nhất quý I-2017; chậm giải trình biến động lợi nhuận sau thuế đối với BCTC công ty mẹ và hợp nhất quý I-2016, BCTC công ty mẹ và hợp nhất bán niên năm 2016 đã được soát xét, BCTC công ty mẹ và hợp nhất các quý I, II, III-2017, BCTC công ty mẹ và hợp nhất bán niên năm 2017 đã được soát xét.

Tương tự, với hơn 20 lỗi vi phạm về chậm trễ CBTT từ năm 2015 đến nay, nhưng CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc (HKB) chỉ bị UBCKNN xử phạt 70 triệu đồng. Mới đây, với hàng loạt giao dịch mua bán chui CP nhưng CTCP Đầu tư Passion Investment (PIF) chỉ bị UBCKNN xử phạt 62,5 triệu đồng. Cụ thể, ngày 25-5-2017, PIF đã mua 3.900 CP VTA (CTCP Vitaly), dẫn đến tỷ lệ sở hữu sau giao dịch là 400.000 CP, chiếm tỷ lệ 5% số CP đang lưu hành có quyền biểu quyết và trở thành cổ đông lớn của VTA. Tiếp theo ngày 8-8-2017, PIF bán 50.000 CP VTA, dẫn đến tỷ lệ sở hữu giảm xuống 4,37% và không còn là cổ đông lớn của VTA. Thế nhưng, đến ngày 15-9-2017, Sở Giao dịch CK Hà Nội (HNX) mới nhận được giải trình và báo cáo về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn của VTA.

Có thể nói, với chế tài như trên, việc doanh nghiệp vô tư vi phạm CBTT là điều không khó lý giải. Quay lại trường hợp HAG, dù liên tục sai phạm trong thời gian dài nhưng cuối tháng 1 vừa qua, UBCKNN cũng chỉ xử phạt số tiền 60 triệu đồng. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực CK, UBCKNN cần có giải pháp kiên quyết hơn nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch BCTC kiểm toán của công ty đại chúng công bố ra thị trường; tăng cường giám sát việc CBTT của tổ chức niêm yết, công tác giám sát chất lượng kiểm toán BCTC của các tổ chức kiểm toán được chấp thuận; xử lý nghiêm các tổ chức CBTT có nội dung không chính xác, sai lệch tại BCTC; xử lý tổ chức kiểm toán, kiểm toán thực hiện kiểm toán không đạt yêu cầu về chất lượng. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của doanh nghiệp. Việc vi phạm CBTT sẽ khiến uy tín và sức hút của doanh nghiệp giảm sút đáng kể trong mắt NĐT.

Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến