Dòng sự kiện:
Vốn ngân hàng góp phần tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn
10/10/2018 11:19:44
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều chính sách cụ thể để đáp ứng tốt hơn nhu cầu về vốn cho sản xuất nông nghiệp cũng như chia sẻ, hỗ trợ kịp thời mỗi khi bà con gặp khó khăn do thiên tai…

Chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp ngày càng được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn. Qua đó cải thiện và nâng cao điều kiện sống của cư dân vùng nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn.

Ngân hàng đồng hành cùng bà con nông dân

Đáp ứng tốt hơn nhu cầu về vốn cho sản xuất nông nghiệp

Để đáp ứng tốt hơn với yêu cầu thực tế về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP với nhiều điểm mới.

Cụ thể, nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của cá nhân, hộ gia đình lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp: 100 triệu đồng (quy định tại Nghị định 55 là 50 triệu đồng); Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn: 200 triệu đồng (quy định tại Nghị định 55 là 100 triệu đồng).

Thứ hai, bổ sung cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác sản xuất trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được TCTD xem xét cho vay tối đa 70% nhu cầu vốn thực hiện dự án (Nghị định 55 chỉ quy định doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng chính sách này).

Thứ ba, bổ sung doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và không thuộc khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được TCTD xem xét cho vay tối đa 70% giá trị dự án (quy định cũ tại Nghị định 55 chỉ bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao mới được hưởng mức vay tối đa không có tài sản bảo đảm này).

Thứ tư, bổ sung quy định về việc TCTD được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng.

Thứ tư, bổ sung quy định về quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và tạo cơ sở pháp lý khuyến khích TCTD đẩy mạnh cho vay.

Nghị định 55 và nay là Nghị định 116 sẽ góp phần xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nông dân, cư dân ở nông thôn và chưa bao gồm chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Ngoài ra, NHNN được giao nhiệm vụ là đầu mối triển khai Nghị quyết 14 NQ-CP của Chính phủ đối với các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và mô hình liên kết chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu (Nghị quyết 14). Nghị quyết số 14 là một trong các giải pháp đột phá, tạo “cú hích” đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, qua đó cải thiện và nâng cao điều kiện sống của cư dân vùng nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Với việc ban hành Nghị định 116/2018/NÐ-CP nói trên, cùng với các chính sách ưu đãi khác và việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận vốn ngân hàng, chủ trương đẩy mạnh tín dụng trong nông nghiệp đang được áp dụng hiệu quả. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến cuối tháng 8/2018, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 12% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng khoảng 23% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Qua đó, góp phần ngăn chặn những hoạt động tín dụng bất hợp pháp đang gây nhiều hệ lụy xấu trong đời sống người dân nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

Hỗ trợ bà con khi gặp khó

Không chỉ tháo gỡ khó khăn về vốn cho bà con nông dân sản xuất nông nghiệp thủy sản, thời gian qua, mỗi khi đồng bào trên cả nước gặp khó khăn do thiên tai (như rét đậm rét hại năm 2016, thủy sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, mưa bão…), ngành Ngân hàng luôn có những hành động kịp thời, thiết thực nhằm giúp bà con khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Trước ảnh hưởng của cơn bão số 12 tại khu vực Trung bộ, Tây Nguyên năm 2017 và mưa lớn, lũ quét tại một số tỉnh miền núi phía Bắc tháng 6/2018, NHNN đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các TCTD và NHCSXH chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất và hoàn tất các thủ tục khoanh nợ theo quy định; NHCSXH cân đối nguồn vốn để tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các địa phương bị thiệt hại.

Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng chính sách cũng được triển khai hiệu quả, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tnh đến 31/8/2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng 6,52% so với năm 2017, với hơn 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ. Hiện nay, NHCSXH đang triển khai cho vay khoảng 20 chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các chương trình khác từ nguồn vốn ủy thác của địa phương, cá nhân và các tổ chức nước ngoài.

NHNN

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến