Dòng sự kiện:
Vụ dân làng lật ô tô xuống ruộng ở Lạng Sơn: Trách nhiệm những người liên quan
19/07/2017 19:15:35
Trong vụ nhóm người đập phá nhà cửa, bàn thờ của một nhà dân đã bị cả làng bao vây, ném' xe xuống ruộng ở Lạng Sơn, Luật sư Trịnh Anh Dũng đã nêu quan điểm về trách nhiệm của những người liên quan.

Luật sư Trịnh Anh Dũng, văn phòng Luật sư Trịnh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay: "Hành vi của nhóm người kéo đến nhà anh Hoàng Văn Kính có dấu hiệu phạm vào tội Huỷ hoại tài sản hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại điều 143 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009”.

Liên quan đến lái xe taxi chở nhóm côn đồ đến làng đập phá tài sản, ông Dũng nói: "Nếu người lái taxi biết rõ rằng nhóm côn đồ thuê mình chở đi đập phá tài sản nhưng vẫn đồng ý chở, thì người lái xe có thể bị quy đồng phạm với nhóm đối tượng trên với vai trò giúp sức; hoặc có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội Không tố giác tội phạm quy định tại điều 314 Bộ luật Hình sự”.

2 xe ô tô bị lật ngửa dưới ruộng.

Về việc cả làng bao vây, "ném" xe của nhóm đối tượng xuống ruộng, ông Dũng chia sẻ: "Nếu hành vi chặn xe, lật xe do người dân thực hiện không nhằm mục đích làm hư hỏng chiếc xe, chỉ nhằm mục đích bắt giữ tội phạm, thì hành vi lật xe của người dân không bị coi là tội phạm.

Ngược lại, nếu người dân lật xe của nhóm người trên nhằm mục đích huỷ hoại hoặc làm hỏng chiếc xe ô tô, gây thiệt hại trên 2 triệu đồng thì hành vi trên của người dân cũng có dấu hiệu phạm vào tội Huỷ hoại tài sản hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại điều 143 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009".

Trước đó như An ninh tiền tệ đưa tin, vào khoảng 18h ngày 15/7, chị Nhung cùng nhóm người quen đi 3 ô tô về quê ở xã Hữu Liên. Trên đường đi, nhóm người này tạt qua xã Yên Thịnh định gặp anh Hoàng Văn Kính (34 tuổi, là chồng cũ) để giải quyết mâu thuẫn việc chăm sóc con.

Do anh Kính đi vắng nên nhóm thanh niên đã quay sang đập phá một số vật dụng trong nhà.

Trước hành động trên của nhóm thanh niên, người dân xã Yên Thịnh đã vây giữ các đối tượng, yêu cầu đền bù thiệt hại cho gia đình anh Kính. Đồng thời người dân cũng báo vụ việc lên chính quyền địa phương.

Bị khoảng hơn 1.000 người dân bao vây, nhóm người này cố thủ trong xe không chịu ra. Người dân đã yêu cầu ra khỏi xe để đưa về xã bàn giao cho cơ quan công an nhưng họ không chịu hợp tác và ngồi trong xe suốt 2 giờ đồng hồ.

Thấy vậy, dân đã hò nhau lật hai chiếc xe ô tô xuống ruộng. Lúc đó nhóm người này mới chui ra khỏi xe để thoát thân và về trụ sở công an làm việc.

Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Để che giấu tội phạm khác;

đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;

e) Tái phạm nguy hiểm;

g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm

Về dấu hiệu pháp lý:

Hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản làm cho tài sản mất giá trị sử dụng ở mức độ không còn hoặc khó có khả năng khôi phục lại được, hành vi được thực hiện bằng nhiều phương pháp, phương tiện khác nhau, các hành vi đập phá, đốt..

Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, người phạm tội biết hành vi của mình sẽ hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản nhưng vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả đó xảy ra, chấp nhận những thiệt hại đó để đạt được mục đích của mình. Động cơ phạm tội, người phạm tội có thể có nhiều động cơ khác nhau như: Thù hằn cá nhân, bất mãn với điều gì đó hoặc che dấu tội phạm…

Huy Tưởng

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến