Dòng sự kiện:
Vũ khí mạnh nhất là tình yêu với Thủ đô, với Tổ quốc
14/12/2016 09:29:04
Cách đây đúng 70 năm, tiếng súng của quân dân Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Thời gian đã xa nhưng ấn tượng về những ngày đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp ở Thủ đô, quyết liệt và hào hùng, vẫn lắng đọng mãi.

Tin liên quan

Các chiến sĩ Quyết tử của Trung đội 2 Tiểu đoàn 102 khu Đông Thành (năm 1947) - Đại tá Nguyễn Trọng Hàm thứ ba từ phải sang trái.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô, nhiều năm nay là Trưởng Ban liên lạc truyền thống quyết tử Liên khu I anh hùng, mặc dù đã tròn 95 tuổi nhưng vẫn khỏe và minh mẫn tuyệt vời. Bằng chất giọng sang sảng, nhớ không thiếu một chi tiết nào, Đại tá Hàm kể cho chúng tôi nghe về những ngày hào hùng của Hà Nội mùa đông năm 1946.

Hà Nội mùa đông năm ấy, trời rét nhiều, những ngày tháng Chạp, gió heo may về, lạnh giá. Thực dân Pháp xâm lược thường xuyên khiêu khích gây căng thẳng làm bầu không khí Thành phố thêm ảm đạm, u buồn. Thực dân Pháp bội ước Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Thỏa ước 19/4/1946, sau khi đổ bộ trái phép lên Ðà Nẵng, Ðồ Sơn, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, tiến hành gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội. Quân và dân Hà Nội trả lời đanh thép bằng khẩu hiệu "Sống chết với Thủ đô" giăng khắp các đường phố, gửi trọn ý chí quyết tâm giữ vững độc lập.

Chiến công và sự hy sinh

Sáng 19/12/1946, cuộc họp nhận chỉ thị của cán bộ tự vệ Thành phố trở thành lễ tuyên thệ, thề quyết tử bảo vệ Thủ đô của đội Vệ quốc đoàn bảo vệ Thủ đô. 20h3' tối 19/12, toàn Thành phố đèn điện phụt tắt, từ pháo đài Láng, đại bác của quân ta gầm lên nã đạn vào quân giặc tập trung trong Thành cổ, mở đầu cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng. Công nhân phá Nhà máy điện Yên Phụ, tắt đèn. Các lực lượng vũ trang, tự vệ đồng loạt tiến công các vị trí của địch. Cột điện, cây cối đổ rầm rầm. Tiếng cuốc đào đường, tiếng xe bò chở đất, cát, gạch đắp ụ súng hối hả. Toa xe điện bị lật nhào ở các ngã ba, ngã tư đường phố. Bàn ghế, hòm xiểng, sập gụ, tủ chè được đưa ra làm chướng ngại vật. Những ụ súng  bằng kiện sợi, kiện gai ở phố Hàng Bông, Hàng Gai, các thùng đồ sứ ở phố Hàng Bát, các bao tải đường ở phố Hàng Bồ thể hiện tấm lòng của người dân thủ đô với kháng chiến. Cả Hà Nội bắt đầu cuộc kháng chiến tình nguyện và kiên định. Sau các ụ súng, dưới giao thông hào, các chiến sĩ đọc cho nhau nghe lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vững thêm chí khí giết giặc, cứu nước.

Bất kỳ chỗ nào, giặc Pháp cũng vấp phải sức chiến đấu quyết liệt của quân và dân Hà Nội. Ở Bắc Bộ phủ, chiến sĩ ta vừa chặn giặc vừa hát bài "Diệt phát-xít". Nhân dân Hà Nội phát huy nhiều sáng kiến giết giặc. Các đường phố chính địch cơ động, ta bố trí mìn thật và giả xen kẽ để nghi binh, diệt địch, ngăn bước tiến của chúng. Trên các mũi tiến công của địch, nơi nào cũng xuất hiện những tổ bắn tỉa. Các lỗ tường nối liền xuyên qua từng nhà dọc các dãy  phố đã hình thành "trận đồ bát quái", để chiến sĩ ta cơ động đánh địch. "Mỗi người dân là một người lính - Mỗi nhà là một pháo đài - Mỗi khu phố là một chiến tuyến". Ðội quyết tử quân ôm bom ba càng luôn túc trực, sẵn sàng lao vào xe tăng địch. Công nhân, thanh niên, học sinh, viên chức, tiểu thương... đều trở thành lực lượng tự vệ cùng đồng bào ở các khu phố hăng hái, sôi nổi sẵn sàng chiến đấu. Phụ nữ trực tiếp cứu thương, tiếp tế, địch vận, thiếu niên xung phong làm trinh sát, liên lạc. Ðường giao thông từ Hà Nội đi các nơi bị triệt phá. Liên lạc của địch ở Hà Nội với các căn cứ khác bị tê liệt.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô. Ảnh: VGP/Phương Liên

Lực lượng của ta ở Liên khu I gồm hai đại đội Vệ quốc đoàn, một trung đội tự vệ chiến đấu, hơn 2.000 thanh niên nam nữ tự vệ và công an xung phong. Ngoài bãi sông Hồng, có đại đội Hồng Hà gồm tự vệ các bãi Phúc Xá, Tân Lập, Nghĩa An, Nghĩa Dũng, khoảng 100 người. Nhân dân trong Thành phố chưa kịp tản cư, dồn về đây tới hơn 40.000 người. Từ đêm 23/12 các lực lượng vũ trang chiến đấu trong Liên khu I kiên quyết trụ bám, kìm chân địch ở trung tâm Thành phố. Ðịa bàn Liên khu I có nhà máy điện, nhà máy nước, đầu mối giao thông nối với sân bay Gia Lâm, tập trung các cơ quan chủ yếu của lãnh đạo và chính quyền cách mạng được xác định là khu vực trọng yếu. Ðịa hình phức tạp, đường phố hẹp, nhiều ngõ ngách sâu, nhà cửa nông sâu, cao thấp tạo thành khối kiến trúc liên kết thuận lợi cho chiến thuật phòng ngự và đánh du kích trong Thành phố nên địa bàn này trở thành "chốt thép" thu hút lực lượng và giữ chân địch.

Ta và địch giằng co từng căn nhà, góc phố, đối diện nhau ngay trên hai dãy số chẵn, số lẻ từng đường phố. Các phố Cửa Ðông,  Hàng Bát, Hàng Vải, Hàng Bút ở sát nơi đóng quân trong thành của địch mà sau hai tuần lễ chúng vẫn không chiếm được. Ở phố Hàng Gai, chúng ta giữ dãy nhà số chẵn, địch chiếm dãy nhà số lẻ. Ban đêm, các chiến sĩ ta luồn vào các khu địch chiếm đánh tập kích, quấy rối, đốt phá. Hàng trăm trận chiến giáp lá cà khiến thực dân Pháp không kịp trở tay. Sau mười ngày chiến đấu, ta đã giành quyền kiểm soát khu vực giới hạn phía nam từ ngã tư Ðường Thành qua Hàng Bông, Hàng Gai, sang Cầu Gỗ, Hàng Thùng, phía tây từ ngã tư Hàng Bông-Ðường Thành qua Hàng Ðiếu, Hàng Gà lên Hàng Cót, phía bắc từ Hàng Lược sang Hàng Khoai, phía đông là đường Bờ Sông, hai đoạn phố Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải. Trận địa bám trụ của Liên khu I được tiếp tục củng cố ngày càng vững chắc, tạo thêm khó khăn cho địch. Sự vững chắc có yếu tố chính là ý chí, lòng tin của những con người đã được thử thách, đã rút ra nhiều kinh nghiệm qua mười ngày vật lộn, ghìm chân một kẻ thù mạnh hơn mình gấp nhiều lần.

Trong hơn 2.000 chiến sĩ gia nhập Vệ quốc đoàn bảo vệ Thủ đô năm 1946, nhiều người đã hy sinh anh dũng để bảo vệ chính quyền non trẻ, giành giật với địch từng khu nhà, góc phố bằng những vũ khí thô sơ nhất. Và sau khi được lệnh rút đợt 1, một số người hình thành Tiểu đoàn Bình Ca trấn thủ ở ATK, 1.200 chiến sĩ nhận nhiệm vụ ở lại đã tiếp tục chiến đấu trong một tương quan lực lượng chênh lệch đến khó tin. Họ là những chiến sĩ đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô và cũng là “Đội cảm tử” đã khiến kẻ địch vừa khiếp sợ vừa khâm phục.

Bản anh hùng ca

Ngày 6/1/1947, Trung đoàn Liên khu I chính thức thành lập, phần lớn chiến sĩ của Trung đoàn là công nhân và nhân dân lao động. Trước những khó khăn về bảo đảm lương thực đối với nhân dân và quân đội, Liên khu ủy nhận được chỉ thị giảm bớt số người trong liên khu, chỉ giữ lại quân số khoảng 500 người. Việc sắp xếp lại lực lượng thật không dễ, bởi lẽ rất nhiều người không muốn rời Liên khu I. Sáng 14/1/1947, những người ở lại tuyên thệ tại rạp Tố Như (phố Hàng Bạc). Các chiến sĩ quyết tử, đeo khăn quàng đỏ, tượng trưng cho tinh thần quyết chiến thắng và sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do, tuyên thệ: "Chúng ta thề sống chết với thủ đô Hà Nội... Giặc Pháp muốn chiếm Thủ đô, nhưng chúng ta còn thì Thủ đô không bao giờ mất". Ngày 15/1/1947, với trung gian là các lãnh sự Trung Quốc, Anh và Mỹ, ta và Pháp cử đoàn đại biểu gặp nhau ở Ô Chợ Dừa để bàn việc ngừng bắn tạm thời, nhằm giải quyết vấn đề thương binh và để ngoại kiều cùng thường dân tản cư. Số người ở lại vượt xa con số dự định, lên tới 1.200 người. Vì trên thực tế, có cả trăm người trong danh sách những người ra trước, đã chia tay từ biệt đơn vị đến địa điểm tập trung để cùng nhân dân tản cư công khai, nhưng phút cuối cùng quay trở lại.

Ðêm giao thừa Tết Nguyên đán Ðinh Hợi, Trung đội I của Tiểu đoàn 102 gồm các chiến sĩ của khu Hoàn Kiếm bơi ra giữa Hồ Gươm, cắm cờ đỏ sao vàng lên đỉnh Tháp Rùa. Sáng mùng một Tết, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô và đồng bào Liên khu I xúc động được đọc thư Bác Hồ gửi "Các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô". Lời Bác tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ: "Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Từ hậu phương, đồng bào gửi quà Tết, bánh chưng, kẹo, mứt, thịt, hoa quả cho các chiến sĩ. Ðội du kích Hồng Hà đã vượt con đường máu lửa dưới gầm cầu Long Biên để chuyển quà hậu phương vào. Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô còn nhận được cành đào cùng hoa lay ơn, thược dược...

Từ đầu tháng 2, có thêm viện binh, xe tăng, pháo lớn, máy bay yểm trợ, quân Pháp mở những đợt tiến công quyết liệt vào Liên khu I. Những trận đánh dữ dội diễn ra tại nhà Xô-va (nay là Trường Nguyễn Huệ), Trường Ke (nay là Trường Trần Nhật Duật). Ðây là hai chốt bảo đảm cửa ngõ ra vào liên lạc, tiếp tế duy nhất nối liền Liên khu với bên ngoài, phải bảo vệ bằng mọi giá. Ở cả hai nơi, địch đã phải bỏ dở cuộc tiến công. Tại nhà Xô-va, địch để lại bốn chục xác chết. Từ trong thành, địch đánh ra các phố Hàng Thiếc, Hàng Nón, Hàng Bồ, từ phía bắc, địch đánh xuống chợ Ðồng Xuân, Hàng Chiếu, Hàng Ðường, ném bom ác liệt vào các phố Hàng Bạc, Hàng Mắm, Mã Mây. Ta và địch giành giật nhau từng ngôi nhà, góc phố. Quân địch phải dùng trọng pháo phá sập hầu hết các ngôi nhà trong phố, rồi cho xe tăng xông vào.

Ba ngày 11, 12 và 13/2/1947, quân Pháp bí mật rút khỏi các vị trí giáp chợ Ðồng Xuân rồi cho máy bay ném bom dữ dội xuống phố Hàng Khoai, Hàng Giấy, Hàng Ðường, Hàng Lược, Hàng Cót, Hàng Chiếu. Sáng sớm 14/2/1947, cả khu Ðồng Xuân rung chuyển. Quân Pháp dùng máy bay ném bom theo trục đường Hàng Mã, Hàng Chiếu đến Ô Quan Chưởng, dùng đại bác nã vào các phố Hàng Rươi, Hàng Lược, Hàng Ðồng, Lò Rèn, Hàng Sắt phối hợp hỏa lực dọn đường... Xe bọc thép chở một trung đội địch tiến vào theo đường Hàng Giấy xuống phố Ðồng Xuân. Bốn xe tăng, xe bọc thép ở ngã ba Hàng Khoai, Trần Nhật Duật. Súng trung liên của ta đặt trên những ngôi nhà cao bắn chặn quyết liệt. Lính Pháp vào gần chợ thì vấp phải hỏa lực tiểu liên, lựu đạn, chai cháy từ trong ném ra. Ðịch phải ngừng đợt tiến công. Ðến 9h, địch mở đợt tiến công thứ hai. Các loại súng thi nhau trút đạn vào chợ. 12h trưa, địch mở cuộc tiến công lần thứ ba. Các loại hỏa lực địch bắn dồn dập, xe tăng địch yểm hộ cho bộ binh xông vào trong chợ. Hai tiểu đội của ta ào ra đánh giáp lá cà. Khi hết đạn, các chiến sĩ dùng dao găm, báng súng, chai xăng cờ-rếp, chai vôi bột đá sỏi... dũng cảm chiến đấu giáp lá cà. Hơn 200 tên địch bị giết, ba xe bọc thép bị phá hủy. Ðêm hôm đó, bị ta tập kích bất ngờ, địch phải bỏ trống khu chợ Ðồng Xuân.

Sau khi gây thiệt hại nặng và giam chân địch được hai tháng, chấp hành chỉ thị của cấp trên, đêm 17/2/1947, được sự giúp đỡ của nhân dân các xã Tứ Tổng, Tầm Xá, Ngọc Thụy, Trung đoàn Thủ đô bí mật, kỷ luật bám sát đội hình luồn qua phía bắc cầu Long Biên theo mép sông Hồng lên Tứ Tổng, lên Nghi Tàm vượt sông Hồng, thoát khỏi vòng vây của giặc Pháp an toàn.

Trung đoàn Thủ đô bám trụ kìm chân địch 60 ngày đêm và hoàn thành cuộc rút lui an toàn với 1.200 người vượt vòng vây dày đặc của địch qua sông Hồng, quân không thiếu một người, vũ khí không thiếu một khẩu súng, đã tạo nên chiến thắng mang ý nghĩa chiến lược, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc tạo tiền đề quyết chiến quyết thắng giành độc lập, thống nhất nước nhà và đã được Bác Hồ khen: "Các chú giữ được một tháng đã là thắng lợi mà kéo dài hai tháng là đại thắng lợi". Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã có thư động viên: "... Các chiến sĩ đã chiến đấu hai tháng ròng rã để giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa thủ đô Hà Nội, các chiến sĩ đã nêu cao tinh thần oanh liệt của dân Việt và thanh danh rực rỡ của quân đội quốc gia Việt Nam. Các chiến sĩ lại mở được con đường máu vượt qua vòng vây quân địch để thực hiện chỉ thị bảo toàn chủ lực... Trung đoàn Thủ đô đã làm cho Liên khu I ngày nay thành một Liên khu lịch sử. Ðặt tên cho Trung đoàn ấy không có một tên nào oanh liệt hơn là tên Trung đoàn Thủ đô".

Cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhưng có một điều vẫn vẹn nguyên trong Đại tá Nguyễn Trọng Hàm suốt những năm tháng qua đó là niềm tự hào của một người Hà Nội đã luôn chiến đấu, sống, làm việc hết sức mình vì Hà Nội mến yêu.

Theo Báo Chính phủ 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến