Dòng sự kiện:
Xử lý nợ cho DATC: Nhìn từ kinh nghiệm các nước
03/08/2019 20:37:12
Đó là nội dung được rút ra từ những chia sẻ của các chuyên gia kinh tế quốc tế tham dự tại Hội nghị đào tạo Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) 2019.

Hội thảo do DATC phối hợp cùng Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức tại Hà Nội trong tháng 5/2019.

Hội thảo đào tạo IPAF 2019

Theo chia sẻ của các chuyên gia kinh tế quốc tế về mô hình công cụ của Chính phủ trong xử lý nợ xấu để đảm bảo ổn định tài chính tại Hội thảo đào tạo IPAF 2019, các công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (AMC) công đóng vai trò cần thiết đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Đối với một số AMC, sau khi hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt động và thành lập một tổ chức mới như BAM (Thái Lan). Trong khi đó, phần lớn các AMC công khác được Chính phủ chuyển đổi mô hình, không những mang lại nhiều lợi ích kinh tế, mà còn hỗ trợ các công tác khác trong xã hội.

Trong đó, điển hình nhất là Công ty Quản lý tài sản KAMCO - Hàn Quốc trở thành công cụ đắc lực trong quản lý toàn bộ tài sản công của Hàn Quốc, hay SAM - Thái Lan mở rộng mua bán nợ theo cơ chế thị trường. Tại châu Âu, NAMA (Ireland), SAREB (Tây Ban Nha), BAMC (Slovenia) cũng hoạt động theo đúng định hướng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị và tạo ra lợi nhuận hàng năm cho Chính phủ.

Bên cạnh việc thực hiện chức năng xử lý nợ, các AMC công đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang các lĩnh vực liên quan. Một mặt là công cụ của Chính phủ khi cần, mặt khác tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong đó, một số quốc gia châu Á thực hiện việc đa dạng hóa hoạt động kinh doanh.

Tại Hàn Quốc, KAMCO mở rộng hoạt động qua tập trung thu gom nợ và tài sản xấu để tiếp nhận, xử lý nợ của toàn ngành kinh tế (ngành tàu biển). Theo xu hướng của thị trường nợ xấu Thái Lan, SAM tích cực linh hoạt mô hình khi bắt đầu tiếp nhận xử lý cả các khoản nợ tín dụng khó đòi tại các ngân hàng trong nước. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc cũng ban hành thêm các quy định pháp lý, tạo điều kiện để 4 AMC lớn nhất nước này đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ con.

Cùng với việc đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, các AMC như SAM, KAMCO và 4 AMC Trung Quốc còn thực hiện áp dụng các phương thức xử lý nợ hiện đại và hiệu quả khác nhau như: Mua bán xử lý nợ theo lô, thu nợ chiết khấu, chia sẻ lãi lỗ, tham gia đấu giá nợ và tài sản…

Ngoài ra, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo lập cơ sở pháp lý, xác định điều kiện trong chuyển đổi mô hình từ cơ quan nhà nước sang cơ chế thị trường cũng được các chuyên gia kinh tế đề cao tại Hội thảo. Theo chia sẻ của Bà Hwang In Young đại diện Công ty Quản lý tài sản KAMCO - Hàn Quốc, KAMCO được bảo trợ bằng một bộ luật riêng với khung pháp lý về tái cấu trúc doanh nghiệp, quản lý tài sản công của Chính phủ. Đến nay, khi vấn đề nợ xấu tại Hàn Quốc đã dần đi vào ổn định, KAMCO được ban hành thêm các quy định pháp lý khác chuyển hướng sang quản lý toàn bộ tài sản công của Chính phủ Hàn Quốc thông qua hệ thống Onbid và mang lại nhiều lợi ích cho Chính phủ hàng năm.

Không chỉ tại Hàn Quốc, Chính phủ Trung Quốc, Thái Lan cũng đã ban hành thêm các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ, tạo lập, đa dạng hóa các chủ thể tham gia xử lý nợ và rút ngắn quy trình thủ tục xử lý nợ. Qua đó, giúp các AMC đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, vừa hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao.

Qua những chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực quản lý tài chính, mua bán, xử lý nợ xấu từ các nước, các chuyên gia kinh tế quốc tế cũng như thành viên Diễn đàn IPAF nhận thấy, để phát triển thị trường xử lý nợ xấu tại Việt Nam cần có một bộ khung pháp lý rõ ràng. Trong đó, bao gồm việc rút ngắn thủ tục xử lý nợ như kinh nghiệm của Trung Quốc, cũng như quy định về các phương án xử lý nợ cho phép và thúc đẩy việc các AMC tư nhân tham gia vào hoạt động xử lý nợ theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, Ireland, Tây Ban Nha để cùng với AMC công thúc đẩy hoạt động xử lý nợ.

Với DATC, là một AMC lâu năm và giàu thành tích trong lĩnh vực mua bán xử lý nợ, được thành lập ngày 5/6/2003 theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sự ra đời của DATC trong giai đoạn nợ xấu tồn đọng ở mức cao, được coi là một trong những giải pháp nhằm giúp các ngân hàng xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng; đồng thời, làm lành mạnh tài chính và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy nhanh việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam.

Trong hành trình của một định chế tài chính nhà nước, bên cạnh những thành quả không nhỏ của mình, DATC đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có cơ chế mang tính đột phá phù hợp với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực mua bán nợ. Theo đó, DATC cần được trao thêm các quyền như: quyền thực hiện các biện pháp phục hồi doanh nghiệp tái cơ cấu dưới hình thức cung cấp tài chính, quyền được phép tái cơ cấu doanh nghiệp không qua toà án nhằm rút gọn thời gian tái cơ cấu doanh nghiệp, hoặc phối hợp với các AMC nước ngoài xử lý nợ xấu liên quốc gia…

Nếu được phép đa dạng hóa phương thức hoạt động, DATC có thể phát huy năng lực hiệu quả, từ đó, phối hợp với các tổ chức, cơ quan trong ngành Tài chính đẩy mạnh hoạt động mua bán xử lý nợ; Thiết lập nên một thị trường mua bán xử lý nợ xấu phát triển mạnh mẽ.

Theo Tạp chí tài chính

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến