Việc góp ý, phản biện, tranh luận với các dự án luật không chỉ ở nước ta mà ở mọi quốc gia là việc bình thường, đúng như quy trình làm luật. Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là dự thảo Luật Đặc khu) cũng không phải là ngoại lệ.

Theo lịch trình, dự án Luật Đặc khu sẽ được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Đo được “độ nóng” của dự án luật, cũng như trách nhiệm với cử tri và nhân dân cả nước, nhất là thời gian cho thuê đất 99 năm, Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe những ý kiến góp, phản biện, tranh luận của Đại biểu Quốc hội, của cử tri và nhân dân cả nước, của nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước.

Trước khi lùi thời điểm thông qua dự án Luật Đặc khu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông qua báo chí gửi thông điệp: “Chúng ta phải tiếp thu, lắng nghe những điều cần thiết để điều chỉnh luật, đảm bảo đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng phát triển bền vững, đảm bảo độc lập chủ quyền, tự do của đất nước một cách lâu dài, đảm bảo quyền lợi quốc gia dân tộc một cách căn bản, xuyên suốt trong quá trình gìn giữ non sông đất nước”.

Sau thông điệp lắng nghe ý kiến đa chiều, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cùng chung một ý chí là lùi việc thông qua dự án Luật Đặc khu đến kỳ họp sau để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật đảm bảo như ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời để dự án luật khi được thông qua và có hiệu lực thi hành sẽ sống được với thực tiễn.

Nhưng bất ngờ đã xảy ra! Lợi dụng lòng yêu nước, lợi dụng quyền tự do, dân chủ, cộng với việc bị kích động, xúi giục, một bộ phận người dân ở một số địa phương. Đặc biệt, một số người quá khích ở Bình Thuận đã tuần hành, tạo ra sự hỗn loạn về trật tự an ninh và an toàn giao thông ở những khu vực nhạy cảm, khu vực đông dân cư, tuyến giao thông huyết mạch...

Bình Thuận đã bình yên trở lại. Nhìn hình ảnh không ít người dân chất phác, lương thiện hôm qua nay sắp trở thành bị can vì chống người thi hành công vụ, đập phá tài sản công mà thấy xót xa, nhói lòng, và càng thấy cái giá phải trả vì sự cả tin, vì bị xúi giục, vì thiếu hiểu biết pháp luật... là quá lớn.

Những đối tượng quá khích chống người thi hành công vụ, đập phá tài sản công bước đầu đã khai ra những phần tử “giấu mặt”. Điều đó, cũng tương tự như “sự cố” môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung cách đây không lâu. Mọi hành vi gây bất an cho xã hội, làm thiệt hại đến kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trong và ngoài nước đều có nguyên nhân sâu xa  từ những đối tượng “giấu mặt”, kích động sự quá khích và tâm lý đám đông của bộ phận người dân thiếu thông tin, thiếu hiểu biết pháp luật...

Sẽ có rất nhiều bài học về một số “sự cố” xã hội không ai mong muốn như thời gian qua, nhưng trên hết, đa số nhân dân cả nước đều tin tưởng Đảng, Nhà nước mãi mãi đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân lên trên hết. Đồng thời, nhân dân cũng đòi hỏi luật pháp phải xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với những đối tượng vi phạm pháp luật gây phương hại đến lợi ích công, lợi ích riêng và sự mất trật tự an ninh, an toàn xã hội.

Theo Đảng Cộng Sản