Dòng sự kiện:
Chứng khoán phái sinh 'vỗ sóng'
16/07/2018 09:14:22
Chưa bao giờ kể từ khi ra đời, thị trường chứng khoán phái sinh (hợp đồng tương lai) “xôm tụ” như những ngày này. Số hợp đồng giao dịch hàng ngày và giá trị giao dịch danh nghĩa tăng chóng mặt.

Thận trọng với chứng khoán phát sinh.

Ngày 6-7-2018, tổng khối lượng hợp đồng giao dịch đạt con số cao nhất 163.341 đơn vị, giá trị giao dịch danh nghĩa hơn 14.300 tỉ đồng. Các nhà môi giới đều nhận định số lượng trên sẽ nhanh chóng bị vượt qua và với những biến động từ bên ngoài đang “vỗ sóng” vào chứng khoán Việt Nam như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền, số lượng hợp đồng có thể nhanh chóng vươn tới 300.000 đơn vị, giá trị giao dịch danh nghĩa 25.000-30.000 tỉ đồng.Theo cập nhật trên trang web của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, tỷ lệ ký quỹ ban đầu đối với các hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 có hiệu lực từ ngày 22-6-2018 tiếp tục là 10%. Như vậy giá trị giao dịch thật đã trên 1.000 tỉ đồng/ngày và đang tiến về 1.500-2.000 tỉ đồng/ngày, gấp đôi giá trị giao dịch của thị trường cơ sở Hnx và bằng 35-50% giá trị giao dịch của Hose tùy phiên.

Hãy để thị trường lên tiếng và chỉ có thị trường mới tác động chính xác đến quyết định của nhà đầu tư. Ảnh: THÀNH HOA

Khác hẳn năm ngoái (thị trường phái sinh khai trương tháng 8-2017) và quí 1 năm nay, các lệnh đặt mua và đặt bán hợp đồng tương lai ở mức 100 đơn vị/lần đặt ngày càng phổ biến (trước đây thường dưới 10 đơn vị/lần đặt, tối thiểu là 1 đơn vị/lần đặt). Bảng điện tử phái sinh “nhảy” nhanh đến mức nhiều nhà đầu tư phải canh các bước giá cách giá khớp 2-3 giá để vào lệnh.Trong một thị trường giá xuống, các hợp đồng tương lai đang phát huy tác dụng không chỉ do tỷ lệ ký quỹ thấp áp dụng cho toàn thị trường mà chủ yếu nhờ giao dịch T+0 và bán khống. Chưa kể độ giãn giao dịch trong phiên của VN30 ngày một mở rộng, khoảng cách giữa mức cao nhất và thấp nhất của chỉ số trong ngày có thể đạt 50 điểm. Nếu bán khống, nhà đầu tư có nhiều cơ hội để cover (mua lại) và ngược lại, họ có thể cắt lỗ ngay trong phiên mà không phải chờ đợi lâu. Tại thị trường cơ sở, biên độ của mỗi cổ phiếu biến động nhỏ hơn, thanh khoản thấp hơn và giả sử nếu có lỗ/ lãi ngay T+1 cũng không thể chốt lời hoặc cắt lỗ. Có cổ phiếu T+1 nhà đầu tư còn lãi, sang T+3 đã lỗ, thậm chí lỗ nặng. Hơn nữa đầu tư vào thị trường cơ sở phải có vốn nhiều, nếu ký quỹ cũng chỉ được tối đa 50%.

Sự thành công của chứng khoán phái sinh, nhìn sâu xa còn có sự vận động của yếu tố lịch sử, cụ thể là “cơn khát” bán khống và giao dịch T+1 hoặc T+0 mà giới đầu tư đã mỏi mòn trông đợi từ gần hai thập kỷ qua nhưng vẫn không được đáp ứng. Xuất phát cả từ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, cơ quan quản lý thị trường đã để những cơ hội phát triển thị trường vuột qua tầm tay. Và nay, sự hiện diện của chứng khoán phái sinh đã và đang khắc sâu hơn những dấu trừ của thị trường cơ sở.

Từ tháng 9-2017 đến đầu tháng 4-2018, khi VN-Index bước vào giai đoạn tăng trưởng nhờ ảnh hưởng tích cực của kinh tế vĩ mô, thị trường đã đi lên bộc phát mà không có bất cứ một động thái kích thích bền vững nào từ phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cũng như Hose và Hnx. Việc kiểm soát giao dịch ký quỹ bị buông lỏng và chỉ đến thời điểm tổng lượng cho vay margin căng như dây đàn, các công ty chứng khoán buộc phải tự xử lý, SSC mới lên tiếng về khả năng điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ tối đa từ 50% về 40%. Sau lần đánh tiếng ấy, đến nay sự điều chỉnh vẫn chưa diễn ra. Bây giờ khi nhu cầu sử dụng dịch vụ ký quỹ của nhà đầu tư rất thấp, sự điều chỉnh nên được thực hiện (vì nếu thực hiện cũng không ảnh hưởng đến thị trường) thì lại không thấy SSC đả động đến nữa.

Bên cạnh đó vừa qua sự niêm yết của một số cổ phiếu đã làm thị trường bị “méo mó”. Một số cổ phiếu với sự trợ giúp mua thỏa thuận của khối ngoại đã đẩy giá chào sàn ngày niêm yết lên mức không tưởng như Công ty cổ phần tập đoàn Yeah1 (YEG-Hose). Đa số những người làm trong lĩnh vực báo chí, phát thanh truyền hình đều hiểu rõ hoạt động của một doanh nghiệp khởi đầu là trang thông tin điện tử và đến nay vẫn chưa được biết đến nhiều, khó có thể có giá chào sàn 300.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất thị trường như YEG, bỏ xa các tên tuổi khác như VNM, Sabeco, VIC. Cho đến khi rớt giá 25%, tương đương 75.000 đồng/cổ phiếu, còn 225.000 đồng/cổ phiếu ngày 6-7-2018, chỉ số P/E của YEG vẫn còn 104,6 lần!

Nên nhớ ở Việt Nam, báo chí truyền thông, phát thanh truyền hình là hoạt động đặc thù, do Nhà nước quản lý 100% và không có ngoại lệ. Nước ngoài chưa được phép đầu tư vào báo chí, trừ mảng quảng cáo, tiếp thị. Vậy liệu việc vốn ngoại tham gia vào YEG đã đúng quy định của Nhà nước? SSC và Hose phải nắm rõ điều này, nhất là với một công ty có liên quan đến truyền tải thông tin lần đầu tiên niêm yết như YEG.

Thêm một điều không thể không đề cập, dù đã phản ánh không dưới một lần, chứng khoán cần vận động, phát triển theo quy luật thị trường. Trong vòng năm tháng qua, mỗi khi thị trường biến động mạnh, đại diện SSC lại lên tiếng trấn an và kêu gọi nhà đầu tư bình tĩnh, đầu tư lâu dài theo giá trị. Đại diện cơ quan quản lý đã lên tiếng ba lần trong năm tháng - một tần suất mà chưa bao giờ thị trường được chứng kiến. Đồng tiền liền khúc ruột. Có những nhà đầu tư lắng nghe đại diện cơ quan quản lý, mua vào cổ phiếu từ lần kêu gọi đầu tiên, bây giờ có thể họ đang bị lỗ, SSC liệu có bù đắp cho họ không? Niềm tin trong chứng khoán là thứ không thể dựng xây bằng những lời hiệu triệu. Hãy để thị trường lên tiếng và chỉ có thị trường mới tác động chính xác đến quyết định của nhà đầu tư. 

Ở Việt Nam, báo chí truyền thông, phát thanh truyền hình là hoạt động đặc thù, do Nhà nước quản lý 100% và không có ngoại lệ. Nước ngoài chưa được phép đầu tư vào báo chí, trừ mảng quảng cáo, tiếp thị. Vậy liệu việc vốn ngoại tham gia vào YEG đã đúng quy định của Nhà nước?

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến