Dòng sự kiện:
Lãi suất ngân hàng: Cửa giảm không thấy, cửa tăng rập rình
16/05/2018 10:10:39
Trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, yêu cầu về giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN và nền kinh tế được nhắc đến nhiều lần. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất trong năm 2018 được dự báo giữ ổn định nhiều hơn là đi xuống.

Điều kiện còn khó khăn

Có thể thấy, trong những tháng đầu năm 2018, thị trường tiền tệ - ngân hàng được thừa hưởng các yếu tố hỗ trợ từ năm 2017 nên duy trì trạng thái ổn định và có tăng trưởng tốt. Chính vì thế, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rốt ráo đưa ra nhiều yêu cầu về việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay để phù hợp với điều kiện kinh tế, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất kinh doanh. Do vậy, các DN từ đầu năm rất kỳ vọng về hướng đi lạc quan cho lãi suất, nhất là khi việc xử lý nợ xấu đã có tác động tích cực từ Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng của Quốc hội, giúp tạo cơ hội khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.

Từ những tín hiệu này, trong 2 tháng đầu năm 2018, nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%/năm về mức còn khoảng 6%/năm, nhưng là đối với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ. Trong khi còn lại đại đa số đối tượng vay vốn khác vẫn chưa được hưởng ưu đãi này. Hiện, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Mặc dù tình hình kinh tế có nhiều triển vọng nhưng các chuyên gia cho rằng, có 2 “biến số” khó đoán trước của thị trường tài chính tiền tệ là tỷ giá và lãi suất, bởi những tác động khó lường của nền kinh tế bên trong và bên ngoài; trong đó, “biến số” lãi suất vừa khó đoán và vừa không có nhiều điều kiện hỗ trợ thuận lợi để giảm xuống. Các điều kiện khó khăn được chỉ ra là: Sức ép lạm phát, lãi suất USD có xu hướng tăng khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn rục rịch tăng lãi suất, áp lực tăng vốn của các ngân hàng…

Theo báo cáo về thị trường tài chính tiền tệ của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), sau 3 tháng tích cực, sang tháng 4, tình hình có những thay đổi rõ rệt với thanh khoản hệ thống ngân hàng bớt dồi dào và lãi suất bắt đầu chuyển sang xu hướng tăng.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ và NHNN chủ trương giảm lãi suất tới cuối năm, nhưng lãi suất có 2 loại là lãi suất là đầu vào và lãi suất đầu ra, muốn giảm lãi suất đầu ra thì lãi suất đầu vào phải giảm. Bối cảnh hiện nay là một số ngân hàng lớn thì tìm cách giảm lãi suất đầu vào, nhưng các ngân hàng tầm trung và ngân hàng nhỏ lại cần tiếp tục huy động vốn để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng nên lãi suất đầu vào lại ở xu hướng tăng nhẹ.

Điều hành cần linh hoạt

Báo cáo về tình hình chính sách tiền tệ trong những năm qua, ông Phạm Thanh Hà, Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh từ năm 2012 và giữ ổn định trong năm 2017, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm. Tuy nhiên, để giữ được sự ổn định như vậy trong năm 2018 sẽ là thách thức khi có nhiều yếu tố tác động, đòi hỏi tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và quản lý giá của Nhà nước. Vì thế, trong điều kiện lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, thị trường ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, NHNN sẽ kiên trì điều hành công cụ chính sách tiền tệ, hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng còn nhiều khó khăn nên cần giữ chênh lệch đầu vào - đầu ra hợp lý để lợi nhuận cũng như tăng nguồn vốn dự phòng rủi ro, nhất là trong công tác xử lý nợ xấu. Do đó, việc giảm lãi suất có thể dựa vào NHNN khi NHNN có nhiều công cụ chính sách tiền tệ để bảo đảm, điều chỉnh lãi suất. Ví dụ, với lo ngại lãi suất tăng, NHNN có thể bơm thêm tiền để tạo thanh khoản lưu thông nhằm điều hòa lãi suất. Ngoài ra, NHNN có thể giảm lãi suất điều hành để kéo mặt bằng lãi suất giảm xuống; sử dụng chính sách tài khóa, giảm lãi suất trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ mặt bằng lãi suất chung.

Ngoài ra, để giảm lãi suất, các chuyên gia cho rằng cần phải tháo gỡ “nút thắt” về nợ xấu. Dù đã có điều kiện thuận lợi hơn để xử lý, nhưng chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực cho rằng, phải quyết liệt và đồng bộ hơn trong xử lý, nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Hiện công tác này vẫn còn nhiều vướng mắc về thẩm định giá để đấu giá, sự kết hợp giữa các cơ quan liên quan và thị trường mua bán nợ xấu vẫn chưa được phát triển đúng nghĩa. Vì thế, một mặt tháo gỡ vướng mắc, một mặt cần đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng để tránh nợ xấu mới phát sinh; bởi rõ ràng, các ngân hàng đang phải dồn nhiều cho chi phí dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ xấu hiện có. Do vậy, lãi suất sẽ có cửa giảm khi nguồn lực từ các khoản nợ xấu được giải phóng.

Trong điều hành chính sách tiền tệ, một vấn đề được các chuyên gia nhiều lần lên tiếng cảnh báo, đó là việc NHNN đang chịu áp lực đa mục tiêu, vừa giữ ổn định chính sách tiền tệ, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng góp phần vào tăng trưởng GDP; tạo thành gánh nặng lên ngành ngân hàng, nên phải rất thận trọng giữa hai phương án nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng và bảo đảm phát triển bền vững. Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ cũng như lãi suất trong thời gian tới cần những bước tiến mạnh mẽ hơn, trong đó lãi suất cần giảm hơn nữa để DN và nền kinh tế có thêm động lực để phát triển.

Theo báo Hải quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến