Tương lai rộng mở
Theo báo cáo của Diễn đàn M&A 2018, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,55 tỷ USD, bằng 155% cùng kỳ năm 2017. Trong đó, mảng tài chính, ngân hàng đứng thứ 2 trong các thương vụ M&A với 19,06% tổng giá trị các thương vụ, chỉ đứng sau mảng bất động sản. Trong lĩnh vực ngân hàng, các giao dịch tập trung vào mua lại các công ty tài chính tiêu dùng, công ty quản lý thẻ, dịch vụ tài chính nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Theo ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM, dự báo trong M&A mảng ngân hàng và dịch vụ tài chính, trong thời gian tới các nhà đầu tư quan tâm các lĩnh vực tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, công nghệ ngân hàng v.v. vốn là những mảng còn nhiều tiềm năng đối với Việt Nam. “Nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn cơ hội, chẳng hạn như BIDV hay một số ngân hàng vẫn còn room cho nhà đầu tư chiến lược. Các công ty tài chính, hoặc bảo hiểm của các ngân hàng cũng sẽ cần tìm đối tác để phát triển nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Đặng Xuân Minh nói.
Nhấn mạnh về tiềm năng cho M&A trong lĩnh vực này, tại Diễn đàn M&A 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Theo đó, Chính phủ sẽ bán và chuyển giao những ngân hàng yếu kém và trong tình trạng đặc biệt như Ngân hàng Xây dựng, GP Bank, Oceanbank… Đáng chú ý, tuy Chính phủ sẽ không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn ngoại, nhưng sẽ cho phép ngân hàng nước ngoài mua ngân hàng yếu kém trở thành 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ cũng sẽ tổ chức cổ phẩn hóa và thoái vốn khỏi các ngân hàng nhà nước, trong đó, Agribank đã có lộ trình IPO vào 2019, BIDV và VCB đang thực hiện chủ trương bán bớt vốn thông qua việc phát hành thêm cổ phần cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh việc tái cơ cấu các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng phương án tái cơ cấu gần 40 công ty tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó sẽ tính tới việc bán chuyển nhượng vốn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Bình luận về triển vọng của M&A mảng tài chính, ngân hàng trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia về M&A nhận định, “với việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu đến 100% cổ phần của các ngân hàng yếu kém chắc chắn sẽ tạo ra sự hấp dẫn hơn đối với đầu tư vào ngân hàng và M&A ở ngân hàng sẽ sôi động hơn”. Bên cạnh đó, trong thời gian tới việc bán vốn của BIDV cho nhà đầu nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc cũng sẽ là thương vụ có giá trị khá lớn. Chưa kể, sang năm 2019 Việt Nam sẽ IPO Agribank… sẽ góp phần vào bức tranh sôi động của M&A ngân hàng.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Việt, hiện các ngân hàng trong nước đang có xu hướng hợp nhất và chủ động M&A. Xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới. Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, họ quan tâm nhiều hơn đến các ngân hàng trong top 10. “Nếu mua cổ phần thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua lại cổ phần của các ngân hàng trong nhóm này như Techcombank, TPBank… là những ngân hàng đang có thị phần tốt. Với các ngân hàng top dưới, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mua cổ phần dưới 50% mà chỉ mua với tỷ lệ được kiểm soát. Do đó, các ngân hàng trong nước về cơ bản sẽ chủ động để sáp nhập , tái cấu trúc”, ông Nguyễn Quốc Việt nhận định.
Thu hút sự quan tâm của vốn ngoại
Trên thực tế, tuy không sôi động như BĐS song ngay từ 2017 và đầu 2018, M&A tài chính, ngân hàng đã có những thương vụ đình đám. Các thương vụ điển hình có thể kể tới là cuối năm 2017 Shinhan Việt Nam đã chính thức mua lại mảng bản lẻ của ANZ Vietnam. Đầu năm 2018, Techcombank cũng đã quyết định chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Kỹ thương (Techcom Finance) cho Công ty Lotte Card Co, Ltd thuộc Tập đoàn Lotte Hàn Quốc. Cũng đầu năm 2018, Quỹ đầu tư Warburg Pincus (Mỹ) đã quyết định đầu tư hơn 370 triệu USD, tương đương gần 8.400 tỷ đồng vào Techcombank… Bên cạnh đó, đầu năm 2018 một thông tin gây sự chú ý lớn trong ngành ngân hàng chính là việc HDBank dự kiến hoàn tất sáp nhập PGBank trong tháng 8/2018… Điều này cũng cho phép nhiều hy vọng về những cuộc “hôn nhân” đình đám trong M&A ngân hàng thời gian tới.
Theo Luật sư Bùi Ngọc Anh, Công ty Vilaf, chuyên gia tư vấn M&A, trong tương lai, những thương vụ lớn hy vọng sẽ diễn ra tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank – PV). Bên cạnh đó, những thương vụ lớn như thương vụ Quỹ đầu tư Warburg mua cổ phần của Techcombank vẫn có thể xảy ra. M&A lĩnh vực này kỳ vọng hơn vào việc thoái vốn Nhà nước sẽ theo Quyết định 1232 của Thủ tướng Chính phủ năm 2017. Điểm đặc biệt của Quyết định này là đưa ra tỷ lệ tối thiểu mà Nhà nước phải thoái vốn.
Khẳng định làn sóng đầu tư thứ 4 của nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam là làn sóng đầu tư vào tài chính, ngân hàng, chứng khoán và fintech (công nghệ tài chính) thông qua các hoạt động M&A, ông Michael DC Choi, Phó Tổng giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA Hà Nội) cho biết thêm, thị trường chứng khoán của Việt Nam đang có sự phục hồi, nhà đầu tư Hàn Quốc “nhìn thấy cơ hội và háo hức tham gia thị trường với sự quan tâm đặc biệt với các công ty fintech và các công ty fintech này lại có mối liên kết chặt chẽ với công ty tài chính ở Việt Nam”. Đơn vị của ông đã nhận được nhiều lời đề nghị tư vấn đầu tư tại Việt Nam từ các tổ chức đầu tư tài chính, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm. Nhiều nhà đầu tư chiến lược muốn tìm hiểu thị trường Việt Nam thông qua M&A trong thời gian sắp tới.
Mặc dù nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư, song M&A tài chính, ngân hàng vẫn còn khó khăn. Theo đại diện Công ty Chứng khoán SHS, đơn vị tư vấn M&A, trong hai năm qua SHS có tham gia 2 thương vụ thoái vốn của các công ty tài chính, tuy nhiên, với hệ thống chính sách hiện nay thì việc tham gia mua các công ty tài chính của Việt Nam đa phần vẫn là các ngân hàng Việt Nam, còn các ngân hàng nước ngoài để mua được các công ty tài chính hay mua lại cổ phần của các công ty tài chính trong quá trình cơ cấu lại là còn nhiều khó khăn do những hạn chế trong quy định về vốn, về khả năng tham gia của các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, nhận định một cách thận trọng, một số chuyên gia cho rằng, M&A ngân hàng sẽ không quá sôi động như các lĩnh vực khác bởi mảng tài chính, ngân hàng có những đặc thù riêng, bên cạnh đó, hiện nay số lượng các tổ chức tín dụng yếu kém cần tái cơ cấu bắt đầu giảm đi. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, có ý kiến cho rằng, tỷ trọng cổ phần nhà nước sở hữu tại 4 ngân hàng cổ phần nhà nước còn khá lớn, do đó khi Nhà nước giảm phần sở hữu xuống thì chắc chắn sẽ thúc đấy giá trị các thương vụ tăng lên.
Theo báo Hải quan
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy