Dòng sự kiện:
Tăng trưởng tín dụng đã 'dễ thở' hơn?
12/11/2019 12:08:14
Tăng trưởng kinh tế của nước ta những năm gần đây đã không còn dựa vào tăng trưởng tín dụng nóng như thời gian trước, với tăng trưởng tín dụng hàng năm nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tín dụng năm nay được dự báo sẽ khiêm tốn trong mục tiêu tăng trưởng 14% của NHNN với nguyên nhân đến từ việc do cho vay các ngành công nghiệp, xây dựng và viễn thông chậm lại so với các năm trước.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây không dựa vào tăng trưởng tín dụng. Nguồn: CEIC, Maybank KE

Theo Tập đoàn tài chính Maybank Kim Eng (MBKE), tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đã giảm tốc từ năm ngoái với tăng trưởng tín dụng đạt đỉnh 18,3% trong năm 2017 và sau đó đã được kiểm duyệt ước tính ở mức 13,3% trong tháng 7 vừa qua, giảm nhẹ so với mức 13,9% ghi nhận vào năm 2018.

Tỷ lệ tín dụng/GDP cũng bắt đầu giảm từ năm 2015, từ mức trên 250% trong năm 2015 xuống 250% trong năm 2016 và rớt xuống khoảng 160% và 130% trong năm 2017 và 2018.

Điều này chứng tỏ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây không dựa vào tăng trưởng tín dụng nóng như thời gian trước.

Tỷ lệ tín dụng/GDP cũng bắt đầu giảm bắt đầu từ năm 2015

“Các yếu tố vĩ mô cơ bản của Việt Nam đã được tăng cường trong những năm gần đây và tăng trưởng kinh tế đã trở nên bền vững hơn. Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ với tỷ lệ tín dụng/GDP thấp hơn trong những năm gần đây”, MBKE bình luận trong sự kiện thảo luận về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động diễn ra tại Singapore hồi đầu tháng.

Theo ông Quản Trọng Thành, Trưởng phòng nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam, khi tín dụng tăng trưởng chậm lại, rủi ro về nợ xấu cũng giảm theo, với tỷ lệ nợ xấu (NPL) của toàn hệ thống ngân hàng (bao gồm các khoản nợ xấu do Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua lại) đã giảm từ 7,4% tại thời điểm cuối năm 2017 xuống còn khoảng 4,8% trong tháng 6 năm 2019. 

“Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng từ năm 2011, cùng với tăng trưởng tín dụng vừa phải trong những năm gần đây đã giúp giảm rủi ro nợ xấu,” ông Thành chia sẻ.

“Tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng được báo cáo chính thức bởi các ngân hàng riêng lẻ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,9% (tính đến quí 2 năm 2019) trong khi tỷ lệ NPL ngoại bảng đã giảm từ mức cao nhất 17,4% trong quí 3 năm 2012 xuống còn 4,8% vào quí 2 năm 2019", ông cho biết thêm.

Khi tín dụng tăng trưởng chậm lại, rủi ro về nợ xấu cũng giảm theo

Với giá trị tài sản tăng và tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải, ông Thanh dự đoán tỷ lệ NPL ngoại bảng sẽ giảm dưới 3% vào cuối năm 2020.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách Công và Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng để hỗ trợ sự phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam, NHNN nên xem xét tiến tới dần loại bỏ định mức tăng trưởng tín dụng hàng năm và để thị trường tự quyết định nhu cầu tín dụng của nền kinh tế trong năm đó.

Trong những năm vừa qua, NHNN đã giảm dần chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng xuống 17% cho năm ngoái từ 18% trong năm trước đó. Với từng ngân hàng, NHNN cũng đặt ra một hạn mức tăng trưởng tín dụng riêng (và có thể được xem xét tăng hạn mức khi ngân hàng chạm trần chỉ tiêu) nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành.

Trong một báo cáo của World Bank hồi đầu năm, cơ quan này cho rằng dù tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đã chững lại nhưng tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng và tỷ lệ tín dụng/GDP vẫn ở mức khá cao so với các quốc gia có cùng mức thu nhập.

Dư nợ tín dụng cao đi kèm rủi ro từ giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng (2007-2012) trước đây có thể làm tăng rủi ro về ổn định tài chính cho hệ thống ngân hàng khi khối lượng nợ xấu phát sinh trong giai đoạn này hiện vẫn còn đang phải xử lý.

Theo: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến